Biển xa tầm với
Trong vòng một năm trở lại đây, nạn giã cào vét tận đáy biển và tận diệt môi trường biển xuất hiện mức độ gia tăng ở Thừa Thiên Huế. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp khẩn nhiều lần, bàn phương án dẹp bỏ phương thức đánh cá đã bị cấm này. BĐBP là lực lượng đáp ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất chỉ lệnh phối hợp của địa phương.
Những ngôi mộ đang tiếp tục xây cao và tốn kém. Ảnh: Trương Thúy Hằng.
Cuối tháng 4 vừa qua, Đồn Biên phòng Phong Hải phát hiện, áp sát, truy đuổi và xử lý 2 vụ tàu giã cào đang hoạt động ở những vùng biển chỉ cách bờ vài hải lý. “Vùng lộng giờ bị hoành hành bởi giã cào bay, vùng khơi xa thì thiếu ngư lưới cụ để đi, ngư dân lúc mô cũng khó trăm bề” - Ngư dân kì cựu Trần Thanh Hùng, ở làng Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền thủng thẳng nói.
Lão ngư Trần Thanh Hùng năm nay 68 tuổi, có thâm niên hơn 50 năm đi biển và hiện là Trưởng thôn Tân Mỹ. Câu chuyện của tôi và ông lão bắt đầu từ việc làm sao tuyên truyền để ngư dân phối hợp với BĐBP phát hiện, xử lý tiến tới dẹp bỏ nạn giã cào bay để bà con được ra biển trong an toàn, không sợ bị cuốn mất lưới và cạn kiệt nguồn lợi, tận diệt môi trường.
Ông lão thẳng thắn: “Việc này vì quyền lợi của cả 2 bên, BĐBP không có tàu để đi biển cho nên lúc nào trưng dụng tàu dân là chúng tôi cũng sẵn sàng. Dẹp bỏ nạn giã cào bay nhanh nhất là giúp dân, giữ lại môi trường nguồn lợi chung, chứ không lâu dần, làng chài này sẽ mất nghề đi biển”.
Ngư dân Tân Mỹ và các làng chài lân cận bức xúc tột độ với nạn giã cào bay bởi biển ven bờ Thừa Thiên Huế vốn không giàu có nguồn lợi hải sản, người dân lại bị tàu giã cào chà hỏng lưới, gom mãi không nổi chi phí ngư lưới cụ cho chuyến đi biển tiếp theo.
Vì vậy, điều ngạc nhiên hơn cả với tôi là cùng với mùa biển đói đầu mùa hạ ở ven biển Thừa Thiên Huế, đập vào mắt là một khung cảnh cực kỳ xa hoa tráng lệ ở các làng chài lại thuộc về thế giới của người đã khuất gồm nghĩa trang và trùng trùng lớp lớp những lăng mộ tiền tỉ.
Ở đây, người dương thế dù đang loay hoay tìm kế sách sinh nhai, nhưng phần mộ của họ và bố mẹ, ông bà của họ lại được xây dựng với chi phí khổng lồ. Không những nhìn vẻ bề ngoài đầy “âm dương nghịch cảnh” như thế, bên trong bản chất cuộc sống của những ngư dân này cũng tương tự như vậy. Người còn sống chật vật với khó khăn, ngược lại, người đã khuất yên vị trong những ngôi mộ tốn kém tiền tỉ.
Chạy đua xây lăng mộ
Ngư dân Trần Thanh Hùng ngồi trò chuyện cùng tôi ngay trong nghĩa trang của làng Tân Mỹ. Nói là nghĩa trang, nhưng những ngôi mộ ở đó chờm hết vào đất thổ cư ở làng, chờm ra cả đường làng và nằm ngay bên cạnh những ngôi nhà ở thấp nhỏ của những gia đình sở hữu những khu lăng mộ đó.
Ông Hùng chỉ tay: Lăng mộ kia của một người trong làng, xây tốn 8 tỉ đồng, còn lăng kia xây 8 năm rồi, hồi xây dựng tốn 2 tỉ đồng, 4 cái cột trước lăng cao hơn 30m, đi mãi xa đầu làng đã nhìn thấy. Con đường dẫn vào làng đi giữa hai hàng cột lăng mộ cao ngất, cao hơn cả hàng cột điện dân dụng.
Hàng chục năm nay, ở nghĩa trang luôn tấp nập, rộn rã hơn ở nhà. Điều đáng nói là cơn lốc rùng rùng xây mộ chí to lớn như lăng tẩm kéo dài ra nhiều năm mà chưa dừng lại, luôn có rải rác trong nghĩa trang những nhóm thợ đang làm việc với máy trộn bê tông quay ngày đêm, thợ trang trí mỹ nghệ làm không hết việc.
Cơn say đua chen thậm chí còn được đẩy lên cao hơn, mỗi cái tính tiền tỉ trở lên. Lăng xây sau to lớn hơn xây trước, cầu kì hơn và tốn kém hơn. Đã xây lăng rồi mỗi năm bỏ ra hàng trăm triệu để tu sửa, chỉnh trang trông coi. |
Có lẽ không ở đâu, ngư dân làng chài cứ mở miệng là nói chuyện thế giới, tiêu tiền đô la Mỹ, thường dự đoán thời tiết các bang của Mỹ và các nước châu Âu như ở các làng chài Thừa Thiên Huế.
Lão ngư Trần Thanh Hùng cho hay, làng Tân Mỹ có 223 hộ dân có Việt kiều đang sinh sống tại hải ngoại, chiếm tới gần 90% cư dân của làng. Điều này có liên quan đến một quãng thời gian mang tính lịch sử ở Thừa Thiên Huế. Đó là những năm nổi lên nạn vượt biển ra nước ngoài.
Có một chi tiết đáng chú ý được kể lại rằng, những làng chài ở đây thường bị lộ kế hoạch vượt biển là trong đêm trước khi đi, họ thường ra thắp nhang ở các ngôi mộ. Lực lượng chức năng chống vượt biển chỉ cần đi qua các nghĩa trang thấy hương khói bốc lên là biết sắp có một cuộc vượt biển. Điều này cho thấy, ngư dân Huế thật sự coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên qua việc chăm sóc quá sức đặc biệt cho các ngôi mộ dòng họ.
Ngoài lý do đó, việc đua chen xây lăng tẩm còn vì Thừa Thiên Huế là mảnh đất có sẵn lối sống sùng bái lăng tẩm đền đài. Vốn văn hóa đồ sộ gồm các lăng mộ vua chúa còn lại ở Huế là tài sản vật thể tự hào của người dân Huế, đồng thời cũng thúc đẩy người dân đi tới tiệm cận với những giá trị văn hóa đó.
Chỉ có điều, ngư dân làng chài cả đời sống với, sống kiệm mình trong cuộc sống dân thường mức trung bình lại chỉ mơ ước xây được lăng mộ lớn như vua chúa thời xưa. Năm 2010, làng Tân Mỹ xây lại đình làng, mỗi suất đinh góp 500 đô la Mỹ và ngôi đình trị giá gần 3 tỉ đồng mọc lên chóng vánh nhanh hơn bất cứ một kế hoạch xóa đói giảm nghèo hay là khuyến học nào.
Ngư dân Trần Thanh Hùng trong một lễ cúng tu sửa phần mộ dòng họ. Ảnh: Trương Thúy Hằng
Ông Trần Thanh Hùng nói với tôi: Chi phí để xây lăng mộ lớn thế đều do Việt kiều của các gia đình gửi về cho họ xây. Tiền tích cóp từ nhiều năm và tính bằng ngàn đô, triệu đô. Có khi là những người hải ngoại cũng chẳng giàu có gì lắm, cũng tích cóp bằng lao động của họ gửi về quê xây mộ.
Người ở đây thì khỏi nói, nhịn mồm, nhịn miệng, xây được lăng to mộ lớn thì phấn khởi hơn cả cuộc sống khá giả. Có điều nhiều người giờ kém hiểu biết, kém văn hóa. Vua chúa thời xưa xây lăng đắp biểu tượng rồng, phượng, long mã để canh mộ thiên tử, chứ ngư dân ta cả đời đi biển, sống nhọc nhằn mà mộ chí cũng đắp rồng, phượng xa hoa quá, không phù hợp.
Chỉ có những nhóm thợ làm nghề xây lăng mộ bỗng nhiên phất lên giàu có, việc làm không xuể. Nghệ nhân khảm sành - một loại hình kiến trúc văn hóa dân gian xây lăng tẩm đặc trưng của Huế sống lại nghề. Có ý kiến cho rằng, nên chăng cứ để những thành phố của người chết tự phát như vậy, hàng trăm năm sau tự dưng những công trình lăng mộ trở thành di sản (!).
Và hơn thế nữa, tăm tiếng của những làng chài nghèo chạy đua xây lăng mộ đã được dư luận thế giới để ý tới. Khách du lịch thường tìm tới những làng chài ven biển như An Bàng, Hà Úc, Tân Mỹ, Thuận An... để mục sở thị cảnh này. Nhiều người đang nghĩ lựa theo đó có thể xây dựng những “tour du lịch” làng lăng mộ, hay còn gọi là thành phố ma để đánh vào sự hiếu kỳ của khách thập phương.
Cuối cùng, sự nổi tiếng xa hoa tốn kém của các lăng mộ không đồng nghĩa với sự giàu có, sung túc ở các làng chài. Ngư dân vẫn không tiếc tiền xây mộ dòng họ và xây mộ trước sẵn cho chính mình trong lúc cuộc sống bình lặng trôi đi trong sự lo lắng, chắp vá trước mưu sinh.
Trương Thúy Hằng (Báo Biên phòng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.