Lễ thần Voodoo
Lễ thần Voodoo được xem là một trong những lễ hội cổ xưa nhất trên thế giới với chiều dài lịch sử hơn 10.000 năm. Hiện nay, tín ngưỡng thờ thần này vẫn còn tồn tại và nằm trong danh sách những lễ hội độc đáo, kỳ dị nhất trên thế giới.
|
Lễ thần Voodoo được xem là một trong những lễ hội cổ xưa nhất trên thế giới |
Tại vùng Ouidah của Benin (quốc gia châu Phi) - được xem là thánh địa của các vị thần, những người hành nghề Voodoo - nghề giống thầy cúng ở Việt Nam, sẽ nắm giữ việc tôn thờ các vị thần ấy. Voodoo rất được coi trọng ở Benin. Hàng năm, lễ hội với hàng chục những nghi lễ độc đáo này luôn thu hút rất đông những người tò mò. Việc hiến tế động vật được người dân ở đây quan niệm như một điều tốt đẹp với ý niệm: Nếu bạn hy sinh cho thần linh một thứ gì đó, họ sẽ ban phước cho bạn và cho bạn sức khỏe. Việc hiến tế này xuất hiện trong nhiều thần thoại ở cả Nigeria, Togo, Ghana - những quốc gia láng giềng của Benin.
Châu Phi còn vô vàn bí ẩn với những lễ hội và phong tục độc đáo, Voodoo cũng là một trong số đó. Voodoo được biết đến như một hỗn hợp các niềm tin từ khắp Tây Phi và các vùng đất khác nhau trên thế giới. Người ta có thể gặp các bức tượng mang hình ảnh của vị thần Ganesh của người Ấn Độ trong ngôi đền của Manonwomin. Hoặc một Voodoo khác có thể lấy con trăn làm thần linh và xây dựng đền thờ cho trăn. Vì những tính chất rất đặc thù của Voodoo mà nhiều nhà nghiên cứu đã xếp Voodoo như một tôn giáo của người Benin.
Lễ thánh Patrick
Lễ thánh Patrick là lễ hội truyền thống của người dân Ireland nhằm tôn vinh các vị thánh mà họ hết lòng tôn kính. Lễ hội này không tổ chức ở một nơi cố định mà được diễn ra trên khắp thế giới - nơi có cộng đồng người Ireland sinh sống.
St-Patrick - tên thật là Patricius Magonus Sucatus, sinh khoảng năm 389, trong một gia đình người Anh gốc La Mã. Năm 16 tuổi, khi đang sống ở xứ Wales thì bị cướp biển bắt làm nô lệ và bán cho một địa chủ ở Ireland. 6 năm sau, ông trốn thoát sang Pháp và bắt đầu sự nghiệp một tín đồ Thiên chúa giáo bằng việc học hành suốt 12 năm.St-Patrick trở thành linh mục năm 417, năm 432 được Giáo hoàng tấn phong làm giám mục và phái về Ireland để truyền giáo và cải đạo cho dân chúng. Thời đó tín ngưỡng Ireland được điều hành bởi các đạo sĩ và các nghi lễ bị coi là tà giáo. Do đó, trong nhiều năm đi khắp đất nước Ireland để giảng đạo, xây dựng nhà thờ, tín ngưỡng Thiên chúa, ông nhiều lần bị bắt nhưng sau đó đều trốn thoát để tiếp tục công việc. Ông mất năm 461 tại DownPatrick, thọ 72 tuổi.
Tương truyền lúc sinh thời, ông thường dùng cây cỏ 3 lá để giải thích cho thuyết “Ba ngôi một thể” của Thiên chúa: Cha, Con và các đức Thánh thần. Ngày nay, màu xanh lá cây và hình ảnh cỏ 3 lá là đặc trưng của Lễ hội Thánh Patrick. Người ta diễu hành với kèn trống trên khắp đường phố, diễn những vở hài kịch vui nhộn, cùng nhau tưng bừng trong các điệu nhảy. Và cuối cùng là việc thưởng thức những món ăn truyền thống Ireland không thể thiếu.Sự cống hiến của ông được người dân Ireland tôn vinh và Giáo hội ghi nhận. Ông được phong Thánh và đất nước Ireland chọn ngày mất của ông - 17.3 - làm quốc lễ: Ngày lễ thánh Patrick. Việc tổ chức Lễ hội Thánh Patrick hoành tráng ở nhiều nơi trên thế giới là do cộng đồng người Ireland tiến hành để tưởng nhớ vị thánh của quê hương họ.
Lễ hội “Vạc Đầy”
Lễ hội Purna Mela hay còn gọi là Vạc Đầy được tổ chức 12 năm một lần ở thành phố miền bắc Ấn Độ Allahabad, thu hút đông đảo người sùng đạo, giới tu hành và cả du khách nước ngoài. Lễ hội kéo dài suốt 2 tháng. Ngoài việc đằm mình xuống dòng sông Hằng linh thiêng, nhiều người hành hương còn lấy nước sông Hằng cho vào chai đem về thờ phụng. Những người dân tộc Hindu, dân tộc chiếm đa số trong dân số Ấn Độ, xem sông Hằng là một dòng sông thiêng: Ganga là con gái của thần núi Himavan hay Himalaya. Theo tín ngưỡng Hindu, tắm trên sông Hằng được xem là gột rửa mọi tội lỗi, và nước sông được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ thờ cúng. Uống nước sông Hằng trước khi chết là một điềm lành và nhiều người Hindu đã yêu cầu được hỏa thiêu dọc hai bên sông Hằng và lấy tro thiêu của họ rải lên dòng sông.
|
Người dân Ấn Độ tham dự Lễ hội Vạc Đầy trên dòng sông Hằng linh thiêng. |
Lễ hội Mẹ Nước
Một tháng sau khi kết hạ (kỳ tu kín của các tăng ni Phật giáo), vào những ngày trăng sáng và tròn nhất trong tháng 12 theo âm lịch Thái Lan, thường là vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 Công lịch, ở Thái Lan lại diễn ra một lễ hội rất đặc sắc - Lễ hội LoiKrathong.
Lễ hội gồm có các lễ vật (krathong) nhỏ của người Thái kết bằng lá chuối thả nổi trên dòng nước, ao, hồ trên toàn Vương quốc Thái Lan để cầu xin nữ thần nước tha thứ tội làm ô nhiễm các dòng nước của người. Những chiếc krathong ấy không chỉ đem đồ tế tạ ơn Mẹ Nước, mà còn đem đi tất cả những rủi ro, tội lỗi của cả một năm qua và biến cả đất nước Thái Lan thành những ngày hội ánh sáng tưng bừng đầy ý nghĩa.
Theo truyền thống, các lễ vật được tạo thành hình hoa sen có đốt đèn nhang và cúng vài đồng xu. Người Thái tin rằng lễ vật sẽ mang đi những tội lỗi khi những chiếc phao nhỏ bềnh bồng treo dòng nước ngập tràn ánh đèn thật thơ mộng. Hàng ngàn người tụ tập bên các dòng sông, kênh cầu nguyện trong im lặng và sau đó cẩn thận thả lễ vật krathong của mình theo dòng nước. Người ta cho rằng ánh nến biểu thị cho sự trường thọ, hoàn thành các ước nguyện và giải thoát khỏi tội lỗi.
Đây là một lễ hội có xuất xứ từ Ấn Độ với tín ngưỡng thờ phụng nữ thần sông Hằng như vị thần mang lại cuộc sống và sự sinh sôi, quan niệm này đã được du nhập vào Vương quốc Thái Lan khoảng 700 năm trước, trong đó tên sông Hằng được phiên âm thành Khongkha. Đời Vua Ramkhamhaeng, có cô gái Nang Nopamas - con gái một thầy tu Bà la môn trong Hoàng cung, thường hay cúng lễ thần sông khi mùa mưa kết thúc. Nàng đã bắt chước tục lệ Bà la môn, làm một chiếc khay đựng đồ cúng để dâng lên Mee KhongKha (Mẹ Nước). Nàng lấy thân và lá cây chuối để kết chiếc bát lá đựng đồ cúng trong hình dạng một bông sen mãn khai, sau đó nàng dâng chiếc krathong đầu tiên này cho đức vua, Người đã nhận và thả xuống sông. Cách thức mới lạ và ý nghĩa của chiếc bát lá đã cuốn hút người dân Sukhothai và họ đã sáng tạo ra lễ hội này.
Thùy Trang (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.