Những lệnh cấm không thành

Thứ hai, ngày 11/10/2010 16:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều "lệnh cấm" để tạo sự lành mạnh cho xã hội phát triển. Tuy nhiên, bởi không bám sát thực tế nên nhiều lệnh cấm đó đã không thể duy trì.
Bình luận 0

Bài 1: Công nông sống lại

Cuối năm 2007, những người có công nông bùi ngùi nhìn chiếc cần câu cơm của mình bị "xẻ thịt, phanh thây" trong các cửa hàng cơ khí, bãi phế liệu vì lệnh cấm. Vậy mà hiện nay, ở nhiều nơi, cái phương tiện giao thông bị kết án tử này đang sống dậy như buổi hoàng kim...

Ra đường sướng nhất... công nông

Nằm cạnh sông Hồng, thôn Hạ (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là nơi tập kết gỗ, tre, nứa từ khắp các tỉnh miền ngược đổ về và cát sỏi từ hạ lưu ngược lên.

img
Nhiều người vẫn giữ xe công nông vì chưa có phương tiện thay thế.
 

Án ngữ cạnh ngã tư - nơi tập kết nhiều hàng hoá nhất - không phải loại xe nào khác mà chính là... công nông. Những chiếc xe đáng lý đã nằm trong diện phải dẹp bỏ này xếp nối đuôi nhau san sát, hiên ngang như chưa hề có lệnh cấm.

Công nông ở đây lúc có 4, 5 chiếc, lúc lên đến 7, 8 chiếc. Chưa kể, suốt dọc đường đê, thỉnh thoảng, những chiếc công nông chất đầy hàng, nổ lạch bạch, ì ạch phóng qua, khói phả đen kịt một vùng.

img
Sau một thời gian bị cấm, hàng loạt công nông đã hoạt động trở lại.
Ảnh chụp tại Đan Phương, Hà Nội.
 

Với những thứ hàng hoá không sợ vỡ, không ngại móp như ở đây thì khó có phương tiện nào thích hợp, giá cước lại rẻ như công nông. Ông Nguyễn Đình Nhu - một lái xe công nông ở đây lý luận:

"Xe tải không có ben đổ hàng nên khi chở đến nơi phải thuê người bốc xuống, còn công nông chỉ đổ ào là xong. Có anh trang bị xe tải có ben nhưng vẫn không đắt khách bằng công nông vì thành ben quá cao, bốc hàng khó khăn. Vì thế, cái "anh" công nông trông lem nhem nhưng lại được việc nhất".

Có lẽ đúng như thế nên các tay lái xe tải suốt ngày chỉ ngồi chơi xơi nước hoặc đánh bài giải khuây. Còn cánh lái công nông luôn phải túc trực trên đống xà gồ gần nơi đậu xe, điện thoại gọi chở hàng réo liên hồi. "Ai ngờ cái nghề công nông này lại có hậu vận tốt như thế" - ông Nhu nói.

Thời điểm ông Nhu quay lại cầm cái vô lăng nặng trình trịch của công nông không quá lâu sau khi quy định cấm có hiệu lực (1-8-2008). Mấy tháng đầu năm 2008, ông và cánh lái xe công nông luôn thấy màu áo vàng của CSGT về làng để lùng, bắt xe công nông.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi bóng dáng CSGT thưa dần, anh em lái xe công nông lại đưa xe ra chạy. Người này chạy không bị tịch thu, người kia lại đưa xe ra lau chùi, sửa sang rồi chạy tiếp. Cứ thế, dần dần, đội xe công nông được thiết lập lại.

Năm thì mười họa không may có gặp CSGT thì ông Nhu và mấy anh em trong đội cũng "xin" được. "Biết chạy thế này là sai luật nhưng chúng tôi cứ liều thôi" - ông Nhu nói.

Ông Nhu theo dõi rất sát thông tin về việc chuyển đổi xe công nông. Ông biết, nếu chuyển đổi lên xe ô tô ông được hỗ trợ 5 triệu đồng và hỗ lãi suất vốn vay. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn, ông cũng chưa dám chuyển đổi.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Ngoài việc thực thi không nghiêm, việc xoá bỏ xe tự chế chưa thực sự hiệu quả còn do các yếu tố liên quan đến chất lượng chính sách như: Chính sách hỗ trợ ban hành chậm, thậm chí ban hành sau khi phương tiện đã bị bán phế liệu.

Thực hiện chuyển đổi khi chưa có đủ phương tiện thay thế thích hợp. Thời hạn chuyển đổi xe tự chế của thương binh, người khuyết tật nhiều lần bị hoãn.

Ở cái bến xe tạm này, lái xe công nông lập thành một đội riêng; còn lái xe tải tụ tập trà thuốc một nơi khác. Trong câu chuyện của các lái xe tải, có người bực mình ra mặt.

Bởi theo họ, cùng là cảnh lao động, nai lưng ra làm nuôi vợ con nhưng mấy bác lái công nông đầu tư có hơn 10 triệu mà hàng ngày lại hớt tay trên của những người đầu tư hàng trăm triệu sắm xe xịn, chuyên nghiệp. Thử hỏi, ai mà không giận được!

Cái sự ngao ngán của cánh xe tải có lẽ không ai thấu hiểu bằng tài xế Nguyễn Đình Phương, một "ca" hết sức đặc biệt ở thôn Hạ này. Cuối năm 2007, khi trên đài, báo luôn phát tin sẽ cấm tiệt xe công nông, anh Phương đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc "lên đời lịch sử".

Anh đi học bằng lái xe tải rồi chạy vạy vay tiền mua một chiếc xe tải cũ hơn 100 triệu đồng. Ngày thanh lý cái xe công nông lộng gió để bước lên cái ca bin kín đáo của chiếc xe tải, anh ngỡ rằng đấy sẽ là cái mốc thay đổi cuộc sống của anh và cả gia đình 5 miệng ăn.

Ấy vậy mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đánh chiếc xe tải rất "oách" ra đỗ xịch giữa bến mà không thấy ma nào gọi chở hàng. Có mở lời mời thì các chủ hàng chê ỏng chê eo, nào là xe anh to, khó vào làng, bốc hàng không tiện...

Và cái quan trọng nhất, anh không thể cạnh tranh nổi với những chiếc công nông "chết rồi trồi dậy" đang ngày một đông. Được độ 3, 4 tháng, nghe chừng không đủ tiền nuôi vợ con và gom tiền trả nợ, anh đành phải tìm khách bán chiếc xe tải, lỗ mất 20 triệu. Và không còn cách nào khác, anh phải đi mua lại chiếc công nông khác để kéo cày trả nợ từ mấy tháng nay.

-------------

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem