Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, nhưng không ít người vẫn mạnh tay chi rất nhiều tiền để thỏa mãn một thú vui. Nhiều đại gia đã chọn chơi chim, cá tiền tỷ để "thể hiện đẳng cấp". Nhiều chú chim có giá lên tới hàng trăm triệu đồng, không chỉ thu hút dân chơi bởi màu sắc, đặc tính mà còn bởi tiếng hót thuộc hàng "độc".
1. Chim trĩ 9 màu giá “nghìn đô” chơi Tết
Năm nay, giới chơi chim cảnh đang rộ mốt chơi chim trĩ, nhưng phải là những con chim có ít nhất 7 đến 9 màu. Với những con chim trĩ 9 màu, dù giá lên đến cả “nghìn đô” cũng vẫn được giới nhà giàu lao tâm khổ tứ “săn tìm”.
Chú chim trĩ “nghìn đô” kiêu sa bên những chú chim trĩ có màu lông bình thường, đặc trưng của loài.
Đây được coi là một loại chim quý hiếm, được ưa chuộng làm quà biếu vào những dịp lễ, đặc biệt là Tết Âm lịch. Không chỉ vậy, chim trĩ hoàng đế còn được xem là loài chim mang lại tài lộc, may mắn nên nhiều đại gia Việt không tiếc tiền chi hàng chục triệu đồng để mua về chơi.
Chú chim này chỉ nặng khoảng 0,6 – 0,7kg, song có giá tới 22 triệu đồng, tương đương 1kg có giá lên tới gần 40 triệu đồng.
Chính bởi sự đặc biệt và quý hiếm này, những con chim trĩ có từ 6 màu trở lên được giới chơi chim săn lùng ráo riết. Song đắt và quý nhất là những con chim trĩ có bộ lông đầu màu vàng, mỏ vàng và chân vàng. Theo quan niệm của giới chơi chim thì màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang quyền quý, màu của vàng bạc: Trên có vàng, dưới có vàng và ở giữa có “mỏ vàng”.
Chú chim trĩ 9 màu có giá "nghìn đô" bởi hội tụ đủ các yếu tố 9 màu, đầu vàng, mỏ vàng và chân vàng, thuộc dạng “hiếm có khó tìm”. (Ảnh: Việt Tùng/ Dân Việt)
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tài - một "dân sành" trong giới chơi chim ở gần chợ Bưởi (Hà Nội) cho biết, năm nay ngoài thú chơi gà (gà quý phi, gà đuôi dài, gà ngực nở…), dân chơi chim, thú cảnh đang ráo riết săn lùng chim trĩ 7 – 9 màu. Anh Tài nhận định: “Có lẽ số 9 tượng trưng cho sự vĩnh cửu nên những chú chim trĩ có 9 màu giá rất đắt nhưng không phải ai có tiền cũng may mắn có được”.
2. Lạ lẫm thú chơi “chúa tể bầu trời” ở Hà Nội
Bên cạnh những thú chơi chim thông thường như sơn ca, họa mi, chào mào… một số dân chơi chim Hà thành lại có niềm đam mê với những chú chim săn mồi - một loại hình chơi chim mới, chỉ xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây. Thú chơi này đòi hỏi người chơi phải bỏ nhiều công sức và tiền của.
Để sở hữu "chúa tể bầu trời" đã khó, huấn luyện chúng thành một chú chim săn mồi thiện xạ lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người chơi phải kiên trì, chịu khó học hỏi, tìm tòi về đặc tính của từng loài trước khi mua về chơi: đặc điểm khi hậu, thức ăn như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ phụ kiện đi kèm để chơi chim một cách bài bản. Điều này đòi hỏi người chơi phải có thời gian và tiền bạc.
Video: Tập luyện cho chim săn mồi
Những người chơi "chúa tể bầu trời" thường tập trung vào một giờ nhất định trong ngày. (Ảnh: Hồng Phú/ Dân Việt)
Để có kỹ năng nuôi chim săn mồi, người chơi cần ít nhất hai năm được đào tạo về chăm sóc và huấn luyện chim. Ở Việt Nam chưa có những quy định cụ thể nên hầu như người chơi đa số là tự phát. Muốn nuôi "chúa tể bầu trời", nhất là những dòng quý hiếm trên thế giới như loài đại bàng Mông Cổ, người chơi phải am hiểu các thủ tục, điều kiện của mỗi nước trước khi nhập về nuôi.
3. Nuôi vẹt Nam Mỹ, thú chơi “ngông” của đại gia Hà thành
Có ngoại hình khá bắt mắt và dễ thích nghi - vẹt đuôi dài Nam Mỹ là loài quý hiếm, có giá đắt đỏ nhưng vẫn được các đại gia Hà Nội săn lùng, và xem như thú cưng.
Là một trong những loại vẹt biết bay lớn nhất thế giới, vẹt Nam Mỹ từng được tạp chí dành cho giới thượng lưu nước ngoài xếp hạng 1 trong 10 vật nuôi đắt đỏ nhất dành cho đại gia. Loại vẹt này còn được biết dưới tên gọi vẹt đuôi dài, sinh sống chủ yếu ở rừng ngập nước ngọt và rừng khu vực nhiệt đới Nam Mỹ. Điểm đặc biệt nổi bật ở loại vẹt này là chúng sở hữu một bộ lông tuyệt đẹp, vùng lông quanh mắt thường có màu sáng.
Loại vẹt này thường có màu lông bắt mắt, sặc sỡ.
Loài vẹt đặc biệt này rất dễ thích nghi với điều kiện xung quanh, nếu được thuần dưỡng và được tiếp cận nhiều, chúng có thể tham gia các trò chơi cùng với người huấn luyện của chúng, bởi khả năng bắt chước của chúng nhanh hơn nhiều so với những chú vẹt khác. Chú vẹt Úc màu trắng này có giá gần 2.000USD mới được 5 tháng tuổi. Chúng có đuôi ngắn, toàn thân màu trắng, dễ nuôi.
Chú vẹt Úc màu trắng này có giá gần 2.000USD mới được vài tháng tuổi. (Ảnh: Tiêu dùng 24h)
Nhiều dân chơi vẹt ở Việt Nam phải cất công lặn lội ra tận nước ngoài hoặc nhờ người thân mua giúp. Tuy nhiên, việc nhập khẩu vẹt từ nước ngoài về Việt Nam phải trải qua rất nhiều thủ tục khó khăn nên giá của những chú vẹt thường được đẩy cao lên nhiều lần. Để sở hữu những chú vẹt có xuất xứ từ Nam Mỹ, người chơi phải bỏ ra số tiền rất lớn. Nhưng với niềm đam mê, nhiều dân chơi vẹt ở Hà thành đã không tiếc tiền, cũng như công sức và thời gian huấn luyện chúng.
4. Họa mi chọi – thú chơi “bậc quân vương” của quý ông Hà thành
Thú chơi chim nghe chừng có vẻ giản dị, thanh cao, nhưng thực tế để sở hữu những chú họa mi chọi bách chiến bách thắng không ít người chơi đã phải chi đến cả tiền tỷ. Săn lùng chim quý đã khó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng chúng để giữ vững phong độ lại càng khó hơn. Cho báu vật của mình ăn gì, ở lồng nào, không gian sống ra sao… là những bài học xương máu mà dân chơi chim tự tích lũy kinh nghiệm qua nhiều lần thất bại.
Một lồng chim họa mi chọi
Chẳng thế mà anh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) – một tay chơi họa mi chọi “khét tiếng” tại đất kinh kỳ, nâng chim như nâng trứng, anh dành riêng phần sân thượng nhà mình và khoảng sân trước nhà để chăm các chú họa mi chiến. Và không ít lần vợ anh đùa mà thật nói rằng “anh chăm chim hơn chăm vợ con”. Để thỏa mãn thú chơi “bậc quân vương” của mình, anh T. không ít lần đi theo người dân bản địa vào các khu rừng sâu để săn lùng chim quý. Có khi đi cả chục lần, tiêu tốn nhiều tiền của, thời gian, công sức nhưng lại trở về với hai bàn tay trắng.
Một bộ cóng có giá hàng chục triệu để chơi họa mi chọi (Ảnh: Tâm sự gia đình)
Anh T. tâm sự, chăm sóc họa mi chọi rất khó, nhất là sau Tết âm lịch, bởi đây là thời điểm sẽ diễn ra nhiều giải đấu. Vào thời điểm chuẩn bị cho trận đấu lớn thì việc chăm chúng càng quan trọng vì chỉ cần xuất hiện âm thanh lạ, động tác của người lạ có thể làm chú chim kinh động và khiến công sức đổ xuống sông xuống bể. Chính vì vậy, “không ít tay chơi quên ăn, quên ngủ, bỏ cả công việc chỉ để ở nhà chăm chim. "Còn tôi, công việc không thể bỏ dở nên đành phải lắp camera giám sát chúng 24/24 giờ và căn dặn người nhà không được bén mảng gần bảo bối của mình”, anh T. chia sẻ kinh nghiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.