Những Lục Vân Tiên nơi đất khách quê người

Thứ sáu, ngày 27/05/2011 16:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ tổ chức ban đầu của những con người cô thế dựa vào nhau để chống cướp bóc, 10 năm qua, Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga đã tô đậm trang trọng hai chữ “Người Việt” trên bản đồ rộng lớn của xứ Bạch Dương.
Bình luận 0

Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình hình chính trị tại Đông Âu và Nga thay đổi. Từ tư cách một người em thân thiết sống trên ngôi nhà của ông anh cả, những người Việt tại Nga bỗng trở thành những khách lạ cô đơn trên nước Nga mới, một nước Nga bắt đầu xuất hiện tư tưởng cực hữu của bọn đầu trọc phân biệt chủng tộc. Thời điểm này, người Việt trên đất Bạch Dương khổ hơn bao giờ hết.

img
Lễ ra mắt Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga.

Hai mặt của chiếc bàn là

Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga lâm vào khủng hoảng, sản xuất đình trệ, hàng hóa khan hiếm. Nhiều xí nghiệp phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, nhiều hợp đồng lao động giữa các xí nghiệp và công nhân người Việt bị hủy bỏ, nhưng các xí nghiệp không có tiền chi trả tiền vé máy bay cho công nhân về nước, nên nhiều người buộc phải ở lại tự tìm việc để mưu sinh.

Không vốn liếng, kém ưu thế, nhiều người Việt chọn con đường mưu sinh bằng cách đi … buôn lậu lặt vặt. Chính thời kỳ khó khăn cùng cách mưu sinh khó coi này nên cộng đồng người Việt nói chung bị mang tiếng cùng sự kỳ thị khá sâu sắc. Cụm ngôn ngữ “đầu đen – buôn lậu” là cách gọi phổ biến để chỉ người Việt trên đất nước Nga. Thân phận khốn khổ của người Việt trên đất Bạch Dương lúc này có thể so sánh với dân Di gan vào những thời kỳ trước…

Chiếc bàn là không chỉ là dụng cụ tra tấn hữu hiệu khiến thịt da cháy xèo xèo, nhiệt độ tăng giảm tùy theo sự thành khẩn của nạn nhân mà bọn đầu trọc tại Nga còn dùng vật dụng đáng yêu này như một chiêu để hạ nhục người Việt Nam.

Trong hoàn cảnh đó, những người Việt xuất chúng đã tìm cách mở các trung tâm thương mại (TTTM) để tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn bà con người Việt. Ông Trịnh Viết Ngọ mở TTTM Đôm 5 mới, sau đó là TTTM Lion, ông Võ Văn Hồng thành lập TTTM Bến Thành, TTTM Sông Hồng thì do ông Nguyễn Văn Niên lập ra… Có các trung tâm này, công việc làm ăn của cộng đồng người Việt đã bớt khó khăn và dần ổn định.

Tuy nhiên, nơi tập trung tài chính của những con người xưa nay vẫn bị coi là cô thế, yếu đuối bỗng trở thành miếng mồi ngon của các băng nhóm đầu trọc phát triển như nấm sau mưa trên nước Nga mới.

Bà con ta thường bị bọn cướp, bọn đầu trọc tấn công và tra tấn nhằm bắt khai ra chỗ để tiền và dụng cụ tra tấn đó là những chiếc bàn là nóng bỏng. Vào các năm trước, chiếc bàn là là niềm mơ ước của đất nước Việt Nam khốn khó. Việc buôn bán bàn là ở Nga để đưa về Việt Nam gần như là nguồn kinh doanh “độc quyền” của người Việt. Nhưng giờ đây, nguồn cơm áo đó thoắt trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh.

Xòe vuốt ưng

Thực ra, ngoài người Việt thì cũng còn nhiều cộng đồng người khác trên nước Nga nhưng dân đầu trọc đều phải kiềng mặt. Cũng là dân tha phương cầu thực nhưng các băng nhóm sát thủ người Albani thậm chí còn có tầm ảnh hưởng mạnh hơn cả cộng đồng Albani của họ, những người vùng Kavkaz thì quá nổi tiếng sau lịch sử giao tranh dai dẳng với thậm chí cả nước Liên Xô hùng mạnh xưa kia. Cộng đồng người Hoa thì lại có con “ngoáo ộp” Hội Tam Hoàng ghê gớm làm chỗ chống lưng…

Hơn nữa, việc dùng tới uy thế và vũ lực của người Việt tại Nga càng làm cộng đồng người Việt bị coi thường: Các băng nhóm người Việt thường chỉ “dám” chọn chính người Việt để ra tay… “Vẫn muốn ung dung tung cánh hạc – Nào ngờ lại phải xòe vuốt ưng”. Không thể trông chờ sự bênh vực của các “thế lực đen”, những người Việt chỉ còn cách đối đầu với các băng nhóm đầu trọc thì mới có thể yên ổn làm ăn.

Lúc đó, tại Nga có rất nhiều võ sư của nhiều môn phái đang làm việc và học tập. Các võ sư này mở lớp dạy võ cho bạn bè, người quen một cách tự phát. Một số người Việt nghe tiếng đã tự tìm đến học thành nhóm để tự bảo vệ.

Với thực tế đó, ý tưởng thành lập Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga đã ra đời. Hội sẽ là nơi tập hợp các võ sư người Việt vào một tổ chức để dạy võ thuật cho cộng đồng, giúp họ có thể tự bảo vệ khi cần thiết và rèn luyện sức khỏe cho bản thân, qua đó có thể đoàn kết với nhau chung sức chống lại các băng nhóm đầu trọc.

Ông Nguyễn Đình Lâm (khi đó là Tổng Giám đốc TTTM Sông Hồng) người đầu tiên khai sinh ra tổ chức này cho biết: “Chúng tôi mong muốn khi hội võ thuật ra đời sẽ mở rộng và phát triển nền võ học của Việt Nam trên đất nước bạn. Điều này sẽ thay đổi suy nghĩ của một số người Nga cho rằng người Việt chỉ biết buôn bán, ngoài ra chả có tài năng gì”.

Tuy nhiên, để tập hợp được các môn phái võ trong tâm lý “nhất tôi, nhì anh” đặc trưng của người Việt thì lại không phải là việc đơn giản.

(Còn nữa)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem