Vụ sập mỏ đá kinh hoàng làm 18 người thiệt mạng và 6 người bị thương sáng 1.4 ở mỏ đá Lèn Cờ (xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) hình như không tác động đến những phu đá ở các mỏ đá trên địa bàn huyện. Các mỏ đá vẫn khai thác như chưa hề có thảm hoạ Lèn Cờ.
Khai thác bừa bãi
Trên con đường đầy bụi đá, vào 2 ngày cuối tuần qua, chúng tôi đột nhập khu vực mỏ đá ở Lèn Voi. Đây là lèn đá nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Trung Thành và Nam Thành. Lèn này hiện đang có một đơn vị xin giấy phép thăm dò.
|
"Đầu trần, chân đất" là những hình ảnh quen thuộc tại nhiều mỏ khai thác ở Nghệ An (ảnh chụp tại Lèn Vũ Kỳ, ngày 3.4). |
Trong lúc đơn vị này tiến hành các bước khảo sát, thăm dò thì hàng chục người dân đã tự ý vào khai thác. Những ngày “đá tặc” hoạt động là nỗi kinh hoàng của người đi đường và những hộ dân sống xung quanh. Họ phải "cắn răng" chịu đựng những tiếng nổ inh tai nhức óc của hàng chục kg thuốc nổ phát ra từ lèn đá.
Song song với nạn khai thác thổ phỉ là những công ty khai thác được cấp phép hoạt động. Hiện, toàn huyện Yên Thành có 12 đơn vị được tỉnh cấp phép hoạt trong lĩnh vực khai thác đá xây dựng. Tuy nhiên những ông chủ mỏ đá này hoạt động rất bừa bãi.
Trên con đường gập ghềnh đã bị "băm nát" bởi hàng trăm lượt xe trọng tải lớn chở đá suốt ngày đêm, chúng tôi tìm về Đội 15, xóm Đồng Xuân, xã Đồng Thành để tìm hiểu sự việc người dân phản ánh mỏ đá Đông Thành đã tàn phá mồ mả của người dân xã Đồng Thành.
Nghĩa địa Đồng Xuân là nơi chôn cất khoảng 600 ngôi mộ cũ mới, đa số đều đã được xây dựng cẩn thận. Thế nhưng gần đây, ngoài việc mìn nổ gây sập 7 lăng mộ của người dân thì dư chấn của mìn cũng gây nứt nẻ rất nhiều lăng mộ cạnh đó. Khu vực sản xuất của Công ty Đông Thành nằm sát ngay các ngôi mộ, có những ngôi mộ chỉ cách khu vực sản xuất vài bước chân.
Người dân ở đây cho biết, Công ty Đông Thành mặc dù chỉ được cấp phép hoạt động với diện tích 2,68ha, thế nhưng hiện nay họ đã mở rộng diện tích lên tới 5,8ha để khai thác.
Mỏ đá Lèn Cờ xã Nam Thành được coi là “thủ phủ” của đá xây dựng do Công ty TNHH Chín Mến đứng ra xin giấy phép khai thác nhưng ông chủ công ty này đã bán lại cho 4 ông chủ khác. Lèn Cờ bị chặt thành 4 phần tự ý khai thác 4 năm nay một cách cực kỳ bừa bãi, không tuân thủ bất kỳ một quy trình kỹ thuật nào.
Tai nạn thường xuyên
Huyện Yên Thành có hơn 6 mỏ đá, nhưng lớn nhất là Lèn Cờ (Nam Thành) và Lèn Vũ Kỳ (Đồng Thành). Những mỏ đá này bị khai thác khoảng 10 – 20 năm trở lại đây. Theo thống kê của UBND xã Đồng Thành thì khoảng 20 năm trở lại đây Lèn Vũ Kỳ, Lèn Bằng có ít nhất 30 người tử nạn và bị thương do mìn nổ và sập đá.
Số vụ tai nạn lao động từ khai thác đá trên địa bàn là rất đáng lo ngại. Thực tế các doanh nghiệp có quan tâm nhưng chưa đạt yêu cầu so với quy định về an toàn lao động.
Bà Nguyễn Thị Huyền (phòng LĐTBXH huyện Yên Thành)
Cũng theo số liệu của Phòng LĐTBXH huyện Yên Thành, trong năm 2010 trên địa bàn xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm chết 5 người. Đó là trường hợp của chị Hồ Thị Thú (SN 1985) bị đá sụt đè chết tại mỏ khai thác của Công ty Kỳ Sơn vào tháng 10.2010; anh Tô Quang Việt (SN 1975) bị rơi từ độ cao 50m tại Lèn Cờ thuộc Công ty Đông Thành; chị Hoàng Thị Sinh (SN 1985) cũng bị đá sụt đè chết tại mỏ của Công ty Kỳ Sơn...
Đặc biệt là trường hợp tai nạn tại Lèn Voi mới đây, khi một "đá tặc" mang theo 2kg thuốc nổ leo lên mỏm đá để nổ, chưa kịp gắn vào đã bị chập điện nổ ngay trên lưng khiến cho nạn nhân tan xác.
Theo tìm hiểu của NTNN, số vụ tai nạn và số người chết do tai nạn trong quá trình khai thác đá trong năm 2010 còn lớn hơn nhiều so với con số 5 mà các cơ quan chức năng đã thống kê. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các công ty khai thác không tuân thủ những nguyên tắc về an toàn lao động như: Không mặc quần áo bảo hộ, không đội mũ, không thắt dây an toàn, khai thác theo hình thức thủ công... đặc biệt là nạn khai thác "thổ phỉ" diễn ra rất phổ biến.
Tại mỏ đá của Công ty Chín Mến (ở Lèn Cờ, xóm Hợp Thành, xã Nam Thành) trong năm 2010 đã bị lở đá tới 5 lần, đầu năm 2011 bị lở 2 lần, rất may là không có thương vong. Thế những điều này cho thấy các mỏ đá ở nơi đây độ an toàn hầu như không có, hiểm nguy luôn rình rập những "phu" đá khốn khổ. Cũng chính mỏ đá này ngày 1.4 đã xảy ra vụ sập lèn kinh hoàng làm 18 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương. 24 nạn nhân này chủ yếu là người dân 2 xóm Hợp Thành và xóm Đăng Lưu (xã Nam Thành).
Hiện nay ở các mỏ đá trên địa bàn huyện Yên Thành đang hoạt động với tính chất tự phát. Nhân công đa phần có hoàn cảnh nghèo khó, họ không thể kiếm được nghề gì khác nên phải đi làm phu đá.
Việc quản lý trong các khu khai thác cũng rất lỏng lẻo, nếu không nói là bị bỏ lửng. Hầu hết các mỏ không có các chuyên gia giám sát, chuyên gia quan trắc về cấu tạo địa tầng của đá để đưa ra các dự báo hay khuyến cáo về việc đá sạt lở trong quá trình khai thác... Bên cạnh đó những công nhân khai thác đá không hề được cấp bảo hộ lao động, vì vậy tai nạn xảy ra là điều tất yếu.
-------------
Bài 2: Coi thường mạng sống
Tiến Dũng- Đình Tiệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.