Những ngày “bước chân nát đá...” - bài 4: Nghệ thuật bắn tỉa của chiến sĩ nông dân

Chủ nhật, ngày 30/03/2014 07:41 AM (GMT+7)
Sau trận tiến công lòng chảo Mường Thanh, chiến dịch bước vào giai đoạn ngày càng khốc liệt, thương vong ngày một nhiều. Do đó, Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cần phải có những sự thay đổi, sáng tạo trong cách đánh. Một ý tưởng tuyệt vời từ một bức họa đã nảy ra...
Bình luận 0
Một ngày yên ả bất thường. Tiếng súng tiếng bom không thể lấn át được âm vang vi vu, hun hút của núi rừng đại ngàn Tây Bắc. Những anh bộ đội Cụ Hồ đang truyền tay nhau tờ báo có bức tranh minh họa lính thực dân Pháp khổ sở trong chiến hào.

“Tăng cường sự khốn đốn”

Bức họa của họa sĩ Anh Đức mô tả những tên lính lê dương râu ria rậm rạp vì không được cạo, mặt mày xám xịt vì bí bách. Tên lính khác thì khốn đốn, không có chỗ giải quyết nhu cầu vệ sinh, bèn... phóng uế vào chính chiếc mũ sắt mình đang đội. Sau đó hắn đổi mũ, đưa cho đồng đội. Những khuôn mặt khác mô tả sự bực mình không làm gì được bởi không thể ra ngoài để “giải quyết nỗi buồn”. Một tên lính trong số đó giơ một nắm đấm trước ngực, hằn học và dọa dẫm kẻ đã không chịu nổi sự khốn đốn ấy...

Lính Pháp khốn khổ trong chiến hào.
Lính Pháp khốn khổ trong chiến hào.

Tiếng cười sảng khoái, hoan hỉ của những người lính Cụ Hồ vang lên khe khẽ. Ai ai cũng đều tỏ ra khoái chí trước sự khốn khổ của đám lính Pháp trong bức tranh. Và sự sảng khoái ấy đã lọt đến tai Tổng Tư lệnh- Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Nguyễn Bội Giong- Thư ký quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Lúc đấy, Đại tướng tiến lại gần anh em chiến sĩ hỏi chuyện. Trông thấy bức họa khiến bộ đội ta phải lăn ra cười, ngay lập tức Đại tướng nảy ra một ý tưởng tuyệt vời và dặn dò ngay với anh em chiến sĩ: “Đã thế, chúng ta phải tăng cường sự khốn đốn ấy của địch!”.

Ngay lập tức, lời căn dặn như một mệnh lệnh cấp tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hiện thực hóa cụ thể. Một đội bắn tỉa được thành lập trong các trung đội vòng 1, mỗi trung đội có khoảng 2 -3 chiến sĩ, mỗi đại đội tập trung khoảng hơn 10 chiến sĩ. Đây là những chiến sĩ có khả năng bắn tốt nhất trong đại đội. Nhiệm vụ được đặt ra vô cùng đơn giản: “Tăng cường sự khốn đốn của địch và hạn chế khả năng tiếp tế, sinh hoạt của đối phương.”

Những người lính bắn tỉa sẽ nằm mai phục địch trước các lối lên xuống chiến hào. Trước hết, việc hạn chế sự di chuyển và phản kháng của địch được đặt lên hàng đầu, sau mới là tiêu diệt quân số địch. Những tên lính Pháp nấp dưới hầm, chiến hào cả ngày bí bách vì không được hít thở không khí trong lành, không được đi tiêu, đi tiểu trên mặt đất. Mỗi lần ngóc đầu chui lên, lính bắn tỉa của ta ngay lập tức xả đạn, khiến chúng sợ phải tụt ngay xuống hầm. Ngay một lần không sao, song cứ độ vài ba tiếng, tên này ngoi lên, tên kia rúc xuống. Cứ như vậy, quân địch sinh ra hoảng loạn.

Tình thế quẫn bách của lính Pháp lên đến đỉnh điểm. Chúng lấy súng, treo mũ sắt vào nòng giơ lên nghi binh, ngay lập tức lính ta bắn rơi mũ khỏi nòng súng. Vốn đã khốn đốn, nay còn mất cả mũ bảo hiểm, lính Pháp chỉ còn cách, một là ùa lên phó mặc sống chết, hai là xin hàng.

Không cho địch ngóc đầu

Trong những đợt cao điểm, đội bắn tỉa của ta đã lập nhiều chiến tích lẫy lừng. Trung đoàn 316 của ta đóng ở phía đông nam Điện Biên Phủ báo cáo, trung bình mỗi ngày giặc Pháp luôn có thương vong do lính bắn tỉa của ta. Có những lần, một người lính bắn tỉa tiêu diệt 5-6 tên lính Pháp. Một thống kê không cụ thể cho biết, có đến hơn 120 tên lính Pháp tử trận vì bị đội bắn tỉa của ta tiêu diệt.

 Đại tá Nguyễn Bội Giong - Thư ký quân sự của  Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể  lại những năm tháng oanh liệt  của bộ đội  Việt Minh.
Đại tá Nguyễn Bội Giong - Thư ký quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những năm tháng oanh liệt của bộ đội Việt Minh.

Trong tác phẩm “Điện Biên Phủ- một điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, chỉ trong 5 ngày cao điểm của chiến dịch, từ 28.3-2.4.1954, Pháp đã mất 2.093 quân. Phân khu Hồng Cúm tuy chưa trực tiếp bị tiến công, từ 2.000 quân cũng chỉ còn khoảng 1.600. Quân đồn trú ở phân khu trung tâm bị rút lại còn năm tiểu đoàn dù, không tiểu đoàn nào vượt quá 300 người, 2 tiểu đoàn lê dương 600 người, và số còn lại gồm những đơn vị người Thái và Bắc Phi, tổng cộng khoảng 4.300 lính chiến đấu. Cuộc chiến đấu ngốn những kíp xe tăng, pháo thủ, quan trắc, và vô tuyến điện với nhịp độ không thể tưởng tượng. Đến ngày 6.4, dự trữ đạn dược pháo binh chỉ còn 418 viên cho loại pháo 155, 616 viên 105 và 1.422 viên đạn cối 120, có nghĩa là gần với số đạn tập đoàn cứ điểm bắn trong một đêm chiến đấu. Không còn cả mìn cho những điểm tựa phía trong mới lập thêm...

Bộ chỉ huy Pháp đã nhận thấy không những không thể thả dù tiếp viện ban ngày mà ngay ban đêm cũng không thể thả ngay cùng lúc cả một tiểu đoàn. Họ buộc phải chọn "phương án khả thi duy nhất" là thả dù người ban đêm bằng từng máy bay với khoảng cách về thời gian khác nhau. Phải mất 3 đêm, tiểu đoàn 2 của trung đoàn dù tiêm kích số 1 mới tới hết Điện Biên Phủ.

Dấu ấn từ người chiến sĩ nông dân

Điều đặc biệt những người lính bắn tỉa ở Điện Biên năm xưa đều là nông dân. Chiến đấu qua 1-2 chiến dịch, nhiều người đã tự rèn luyện cho mình khả năng “bách phát bách trúng”. Khi mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền đi, rất nhiều người xung phong vào đội bắn tỉa.

Đại tá Giong kể lại: “Đợt gặp mặt kỷ niệm 60 năm chiến thắng giữa tháng 3.2014 vừa qua, tôi được biết tất cả đội lính bắn tỉa năm xưa đều không còn nữa”. Tuy nhiên, trong trí nhớ của đại tá Giong, ông vẫn khắc sâu kỷ niệm với một đại đội trưởng vui tính, một nông dân “chính hiệu” ở miền Sơn Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Nhận mệnh lệnh của Đại tướng, anh đã truyền đạt lại cho cấp dưới của mình là những người lính được chọn vào đội bắn tỉa: “Chúng ta coi địch như lũ chuột, lũ dế, chui vào hang ngập nước ngập khói thì phải chui ra. Chúng ta hãy cho lũ giặc thực dân phải ngập chìm trong rác rưởi, phế thải trong chiến hào, khiến chúng không chịu được, phải ra để ta tiêu diệt! Nhiệm vụ của các bạn đơn giản là như vậy đó!”.

Lo cho tinh thần của từng người lính


Bên cạnh sự mộc mạc, chân chất cùng lòng yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ nông dân, không thể không nhắc đến những chính sách hậu phương để những người chiến sĩ nông dân vững tâm mà chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm 1951 - 1952, chúng ta liên tục vận động thực hiện giảm tô, giảm tức, đời sống bà con nông dân ở hậu phương được cải thiện. Thời điểm năm 1954, nông nghiệp được vực dậy. Các chiến sĩ vì thế mà an tâm chiến đấu không còn buồn lo, xót xa vì cha mẹ, vợ con phải khốn cùng. Cùng với đó, chúng ta cũng liên tục vận động thực hiện công tác bưu chính, chuyển thư từ hậu phương lên động viên các chiến sĩ ở tiền tuyến.
Đại tá Nguyễn Bội Giong


Nguyễn Dũng - Chi Bảo (Nguyễn Dũng - Chi Bảo)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem