Những ngày “bước chân nát đá...: Nổ tung đồi A1 -“cổ họng” của Đờ Cát

Thứ bảy, ngày 05/04/2014 07:18 AM (GMT+7)
Lịch sử đã ghi nhận trận đánh đồi A1 là khốc liệt nhất với gần 2.000 chiến sĩ của chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại trên ngọn đồi này.
Bình luận 0
Phía dưới chân đồi A1 là nghĩa trang liệt sĩ của TP.Điện Biên. Nơi đây, san sát những tấm bia mộ liệt sĩ thẳng hàng, vuông vức, không ghi tên tuổi mà chỉ khắc một ngôi sao vàng trên nền đỏ cờ. Có cảm giác, những người lính trẻ này vẫn đứng nghiêm trong đội ngũ của mình từ nhiều năm nay, với một ngôi sao năm cánh trên mũ như thuở các anh vào bộ đội.

Thách thức A1

Buổi chiều trên đồi A1 có một vẻ trầm lặng khác thường. Tĩnh mịch và yên ả. Dường như trong không trung còn văng vẳng đâu đây, rất khẽ, tiếng reo vang, tiếng bước chân rầm rập của đoàn quân trùng trùng điệp điệp vừa mới đi qua…

Dưới chân đồi là đại lộ 7.5 vắt qua sông Nậm Rốm, chạy qua đồi C2, đồi Mâm Xôi rồi trải dài tới rìa thành phố.

Dấu ấn năm xưa của quả bộc phá nghìn cân.
Dấu ấn năm xưa của quả bộc phá nghìn cân.

Đại tá Phạm Chí Nhân -nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 102 (E102) Đại đoàn 308 (F308) kể: Vào đợt 2, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định đánh 5 cao điểm: C1, D1, D2, E1 và A1. Sau khi nổ súng 4 cao điểm bị ta tiêu diệt, A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía đông do một tiểu đoàn lê dương trấn giữ vẫn còn. E174 của F316 được giao đánh A1 bị thương vong nặng. Hỏa lực địch dựa vào một hầm ngầm, do quân Nhật xây sau cuộc đảo chính 9.3.1945, gây cho ta tổn thất nặng. Địch phản công, quân ta chỉ còn giữ được mỏm thia lia phía dưới thấp hơn.

Ở Bộ chỉ huy mặt trận cũng như khắp các đơn vị, nỗi lo không chỉ của riêng ai. Kinh nghiệm cho thấy không tiêu diệt gọn mà kéo dài thì khó khăn gấp bội.

E102 được lệnh sang bổ sung cho E174 tiếp tục tấn công A1… Trận địa chìm ngập trong mưa ngàn. Trong giao thông hào, chiến hào, bùn nước ngập quá đầu gối. Dưới mưa tầm tã, trong tiếng súng âm vang, E102 vẫn tiến tới, lặng lẽ và lo âu. Tại vị trí tiền tiêu, Ban cán bộ 2 trung đoàn gặp nhau. Họ cùng ngồi xổm trong ngách hầm bấm đèn pin bàn phương án tác chiến. Đêm 1.4.1954, E102 vào trận. Sau hơn 10 ngày chiến đấu, bộ đội tấn công anh dũng nhưng do không phát hiện được cửa hầm ngầm nên không dứt điểm được. Đã có những tấm gương lớn như chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi một mình trên đồi vừa đánh địch, vừa bảo vệ thương binh, vừa dùng máy bộ đàm gọi cho pháo ta diệt địch….

Mặc dù E102 đã cố gắng hết sức nhưng tình hình không thay đổi, địch vẫn chiếm được 2/3 cứ điểm, ta chỉ ở mỏm thia lia. Tổng số cán bộ chiến sĩ là 1.000 thì thương vong 840. Trực tiếp Trung đoàn trưởng Hùng Sinh cũng ra mặt trận cùng anh em. Bộ quyết định rút E102 ra và bàn giao cho F316 tiếp tục…

Người lính già kể chuyện đánh bộc phá nghìn cân


Ông Nông Văn Khầu, đại tá, nay đã nghỉ hưu, khi đó là Trung đội phó của E174, F316, người trực tiếp tham gia trận đánh bộc phá trên đồi A1, kể lại: “Ta và địch giành nhau từng thước đất. Ta chiếm được, địch lại bật đi. Anh em đưa ra khẩu hiệu: “Một tấc đất, một tấc máu”. E174 của F316 được E102 của F308 bổ sung lực lượng, tăng cường sức công phá nhưng ta vẫn chỉ làm chủ được một nửa quả đồi thấp hơn.

Nửa bên kia đồi có lô cốt ngầm trong lòng đất, mỗi lần ta lấn sang, địch lại xông ra từ hầm ngầm, phản công dữ đội, đánh bật ta trở lại. Sở dĩ địch phải liều mạng giữ bằng được đồi A1 vì đây là “cổ họng” của Sở chỉ huy Đờ Cát, nếu ta chiếm được đồi A1, coi như con đường sang Sở chỉ huy Đờ Cát đã mở ngỏ.

Ngày hôm nay, cái phễu khổng lồ, sâu hoắm, dấu vết của quả bộc phá 1.000kg năm xưa, với một chiều 23m, một chiều 24m, vẫn còn nằm cách không xa lô cốt địch.

Các chiến sĩ chỉ huy đều căng thẳng, suy nghĩ, tìm tòi cách đánh mới, không thể để tốn xương máu của anh em, đồng đội. Phương án đào hầm, đặt bộc phá do một tân binh ở Nam Hà đề nghị được cấp trên thông qua. Anh em vừa khoét hầm ngầm vừa dùng la bàn ngắm hướng sao cho hầm đi thẳng về phía lô cốt địch.

Anh em chiến sĩ thay phiên nhau đào hầm. Đường hầm càng vào sâu, càng thiếu không khí để thở. Đơn vị có sáng kiến dùng nhiều người liên tục quạt để đưa ôxy vào sâu trong hầm. Mỗi ca đào khoảng 3 - 4 tiếng lại thay ca khác.

Cuối cùng thì khối bộc phá 1.000kg cũng được đặt sát chân lô cốt giặc. Đơn vị thông báo: Trước phút chập điện nổ, toàn thể chiến sĩ gần đấy phải quay lưng lại, lấy tay bịt tai, mồm há ra đề phòng sức ép quá mạnh làm thổ huyết. Trường hợp bộc phá không nổ, sẽ có 2 đồng chí đảng viên xung phong nhận vác mỗi người 20kg bộc phá lao vào làm nổ khối thuốc 1.000kg trong hầm.

Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, giọng trầm xuống, kể tiếp: “Theo đúng kế hoạch tác chiến, 20 giờ 30 phút ngày 6.5.1954, quả bộc phá nghìn cân được đóng kíp. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Bộ đội ta từ bốn phía, khí thế ngút trời nhất tề reo vang, xung phong chiếm lĩnh đỉnh đồi. Địch kinh hoàng khiếp đảm, lốc nhốc kéo nhau ra đầu hàng. Sau này, theo lời tù binh Pháp, ngay lúc đó, hàng chục lính Pháp do sức ép của bộc phá đã chết ngay tại chỗ, máu ướt đẫm trên đồi A1. Xác giặc ngổn ngang trên đồi. Nhiều chiến sĩ ta, những người con ưu tú của dân tộc, đã vĩnh viễn nằm lại trên quả đồi này”.

Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem