Những ngày “bước chân nát đá...”: Him Lam nổ súng, Bản Kéo ra hàng

Thứ bảy, ngày 15/03/2014 07:34 AM (GMT+7)
Giờ G mong đợi đã đến. Đúng 17 giờ ngày 13.3.1954, tất cả pháo binh ta tập trung hỏa lực giáng đòn cấp tập vào Him Lam. Ít ai biết rằng chiến thắng Him Lam có được một phần nhờ sự thận trọng của một người lính.
Bình luận 0
Sau đó, nhờ công tác “địch vận” tốt, ngày 17.3, lính Pháp ở Bản Kéo đồng loạt ra hàng.

Không để “sai một li, đi một dặm”

Ngay lượt pháo đầu tiên, thiếu tá Pegiô - Tiểu đoàn trưởng quân Pháp trúng đạn chết trong hầm chỉ huy. Tổ xung kích cầm lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” đỏ rực lao lên trong ánh chớp lửa đạn. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, địch từ các lỗ châu mai giăng lưới lửa khắp nơi hòng chặn đường tiến quân ta. Ở phút quan trọng nhất, khi một lô cốt điên cuồng khạc lửa chặn đứng đường của xung kích, Tiểu đội phó Phan Đình Giót- mặc dù đã bị thương 2 lần- lao thân mình bịt kín lỗ châu mai cho toàn đơn vị ào ạt xông lên.

Lính Lê dương Pháp trước trận chiến Him Lam.
Lính Lê dương Pháp trước trận chiến Him Lam.

Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn vào 23 giờ 30 phút. Như vậy là sớm 30 phút so với quy định của Bộ Tổng tham mưu. Ngày 15.3, lúc 11 giờ đêm, Trung đoàn 165 (Sư 312) và Trung đoàn 88 (Sư 308) tấn công đồi Độc Lập. Đến 6 giờ 30 phút ta hoàn toàn chiếm lĩnh trận địa. Chính trong trận này, đại tá pháo binh Pirot – một sĩ quan lừng danh của thế chiến II, bị thương cụt một tay, đã tuyệt vọng dùng tay kia giật lựu đạn tự sát. 60 năm sau chiến thắng này, Trung tướng Trần Linh- nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 11 kể lại: “Trận này ta chiến thắng một phần nhờ sự thận trọng dời ngày nổ súng từ 11.3 sang 13.3. Theo dự kiến Tiểu đoàn 11 được phân công đánh Tiểu đoàn bộ Pe Gốt, còn Tiểu đoàn 428 đánh một điểm khác. Khi Đảng ủy trung đoàn họp lần cuối, Đại đội trưởng Hoàng Văn Nọa của Đại đội 243 vì không ở trong thành phần họp nên đến tìm riêng tôi và khẩn thiết nói:

-Đề nghị thủ trưởng tức khắc báo cáo với cấp trên xem lại lối vào đã định. Có một con đường khác đánh 2 cứ điểm an toàn hơn. Xin các thủ trưởng hoãn trận đánh để trinh sát lại đường vào, không thì nguy hiểm lắm.

Lúc ấy chiến trường đã chuẩn bị xong, thư Bác và lệnh của Đại tướng được phát tới từng đơn vị, tôi hỏi anh Nọa: Sao cậu không nói ngay từ trước?

Với thái độ nghiêm túc, Nọa nhìn thẳng vào mắt tôi đáp:

-Tôi có ngờ đâu bữa nay các đồng chí đã kết thúc việc điều tra và chuẩn bị nổ súng. Vì tôi không có trong thành phần họp Đảng ủy trung đoàn nên tôi không được báo cáo. Theo tôi, nhất định phải điều tra thêm mới xong. Bỏ rơi một cứ điểm sẽ không thể đánh nổi Him Lam.

Tôi không biết nhiều về anh Nọa nên đã hỏi anh Đào Đình Luyện – Phó Chính ủy trung đoàn (sau là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam). Anh Luyện nói:

-Cậu ấy tốt lắm, rất có kinh nghiệm chiến đấu. Không thể coi thường ý kiến của cậu ta được đâu!

Thế là hai chúng tôi nhất trí vào họp Đảng ủy, đề nghị báo cáo trường hợp này lên trên ngay. Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định hoãn lại 48 tiếng để trinh sát lại con đường vào. Kết quả: Phát hiện của anh Nọa hoàn toàn đúng”. (theo tác phẩm “Võ Nguyên Giáp- Hào khí trăm năm” (Trần Thái Bình, 2014))

Đại tá Lương Thịnh- cán bộ chỉ huy của Trung đoàn 141 nói: “Khi nổ súng chúng tôi đánh theo hướng mới do anh Nọa đề nghị, sau khi đã trinh sát lại. Công lao của anh Nọa rất lớn ở chỗ đó. Nếu không phát hiện ra sai lầm này mà đánh theo phương pháp cũ, nổ súng ngày 11.3 thì 2 Tiểu đoàn 428 và 11 sẽ cùng đánh vào 1 cứ điểm chỉ có một đại đội địch. Còn Tiểu đoàn bộ Pe Gốt với pháo binh và 2 đại đội lê dương nằm ngay sát bên cạnh thì bị bỏ quên, chắc sẽ gây cho chúng ta tổn thất lớn. Đó là chưa kể khả năng quân ta đánh vào nhau vì đêm tối không sao phân biệt được”.

“Thưa ông... thưa đồng chí”

Sau khi Him Lam, Độc Lập thất thủ, Bản Kéo đứng chênh vênh chờ ngày quyết định số phận.

Đại tá Đại Đồng- nguyên trợ lý Trung đoàn 58 (Sư 308) kể: “Sau trận đánh, tôi được lệnh lên đồi Độc Lập, giúp đồng chí Lê Đôi- cán bộ địch vận giải quyết binh lính địch chết và bị thương. Số lính địch bị thương và chết nhiều quá, hai người không đủ sức nên chúng tôi kiếm thêm hai người lính da đen phụ giúp. Một là hàng binh, một bị thương nhẹ ở mắt. Đến trưa, sau khi băng bó và đưa tù binh về tuyến sau, tôi mới biết hàng binh là Môhamet, cai nhì, còn tên bị thương là Medien, binh nhì. Cả hai đều quê ở Angieri, trước khi vào lính làm công nhân”. Theo lời đại tá Đại Đồng, Môhamet trong trận vừa rồi toàn bắn lên trời, khi bộ đội vào xin hàng ngay và xung phong chỉ đường cho xung kích ta tiến lên. Medien thì có vẻ ngộc nghệch. Hắn mới bị bắt đi lính, không hiểu cuộc chiến đấu chính nghĩa của ta, nên đã bắn vào bộ đội, hắn chắc mẩm sẽ bị giết như vẫn được tuyên truyền. Trước chính sách khoan hồng của ta, hắn thấy yên tâm.

Sau đó hai ông được giao nhiệm vụ đưa thương binh địch ra trao trả cho đồn Bản Kéo. Việc này để kẻ thù thấy rõ chính sách nhân đạo và qua miệng tù binh địch, sẽ kêu gọi chúng đầu hàng sớm. Hai ông viết một bức thư báo tin cho chỉ huy Bản Kéo, kèm theo là một tối hậu thư hạ lệnh phải ra hàng trước 17 giờ ngày 17.3. Người được chọn đưa thư là Medien. Khi giao nhiệm vụ, không ngờ Medien từ chối và nói: “Giờ đây tôi đã hiểu chính nghĩa của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi không muốn về với quân đội Pháp nữa”.

Đại tá Đại Đồng giải thích: “Đây là việc làm cần thiết để chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp. Còn Medien vào Bản Kéo cứ khai là bị bắt buộc phải làm việc này, bọn sĩ quan sẽ không xử tội. Khi bộ đội đánh vào thì hãy nấp vào đâu đó rồi chờ thời cơ ra hàng”. Sau đó Môhamet cũng động viên thêm, cuối cùng Medien nghiêm trang đáp: “Vâng, tôi xin phục tùng mệnh lệnh. Tôi hứa không bao giờ nhằm súng vào các ông nữa”.

Mohamet được giao trách nhiệm nấu cho Medien một bữa ăn chiều thật ngon.

Đồng chí Đại Đồng kể tiếp: “5 giờ chiều Medien ra đi. Anh ta được giao bức tối hậu thư và giấu trong người 2 tập truyền đơn địch vận kêu gọi phản chiến. Qua đêm đến sáng hôm sau thì công việc trao trả thương binh tiến hành xong. Sĩ quan Pháp ở Bản Kéo ra nhận thương binh với thái độ rất sợ hãi”.

Ba giờ sau, trong đồn Bản Kéo nổ ra binh biến. 264 binh lính, trong đó có một viên trung úy người Thái phá hủy 12ly7, ĐK 2, rồi mang toàn bộ vũ khí nhẹ chạy sang hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, y như điều hẹn trong tối hậu thư. Bọn sĩ quan Pháp chuồn về Mường Thanh. Chúng ta lấy được Bản Kéo không tốn một giọt máu. Buối tối, tôi đến trạm đón hàng binh, được biết Medien đã bị bắt và giải về Mường Thanh, do bị tố cáo rải truyền đơn cho binh lính. Tôi lo cho số phận anh ta.

Năm mươi ngày sau Điện Biên giải phóng. Đơn vị tôi nhận lệnh cấp tốc về xuôi mở mặt trận mới. Trên đường rút ra, tôi gặp một trạm tù binh đang tập hợp, nhận khẩu phần ăn từ các cà mèn. Một người lính da đen tay đeo băng đỏ, đứng ngoài hàng chỉ huy. Động tác, khẩu lệnh anh ta dứt khoát đàng hoàng. Tôi nhận ra khuôn mặt quen quen, gọi to:

-Medien!

Anh lính da đen ngơ ngác một giây, rồi chạy ra ôm chặt lấy tôi lắp bắp: “Thưa ông… thưa đồng chí…”. Chúng tôi ôm nhau nhắc lại kỷ niệm cũ. Khi chia tay, Medien đứng vẫy mãi cho đến khi tôi đi khuất.

Xin chào chiến sĩ trọc đầu


Nhiệm vụ đánh cứ điểm Him Lam được giao cho Trung đoàn 141 (Sư 312) “lĩnh ấn tiên phong”. Anh em ở đơn vị sau khi biết tin mình sẽ là đơn vị mở màn thì khí thế hăng hái vô biên. Ở Đại đội 243 của Tiểu đoàn Phủ Thông xuất hiện một tổ 3 người tự cạo trọc đầu và đặt tên là: Quyết, Chiến, Thắng. Khi Đại tướng Tổng tư lệnh tới thăm, hỏi: “Tại sao cạo trọc?”. Họ trả lời: “Để cho tiện ở hầm và đánh giáp lá cà với lính Tây không bị chúng túm tóc”.


30 năm sau, trong một lần lên biên giới phía Bắc thăm đơn vị, Võ Đại tướng nhận ra 1 trong 3 người lúc đó là Tư lệnh quân đoàn. Và Đại tướng mỉm cười nói:
- Xin chào chiến sĩ trọc đầu.


Ở một tiểu đội khác anh em dán vào báng súng những dòng thơ tự sáng tác:


Thục luyện súng trường
Tinh tường lựu đạn
Bộc lôi các hạng
Giật nổ giòn ngay
Súng máy đến tay
Cỡ nào, bắn tuốt!


Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem