Những người bắt chó chạy rông

Minh Trí Thứ ba, ngày 15/09/2015 06:16 AM (GMT+7)
Địa bàn phường 9, quận 3, TP.HCM, hằng ngày người dân nơi đây vẫn chứng kiến 6 người đàn ông tích cực làm một công việc với khá nhiều thị phi tại địa chỉ 252 Lý Chính Thắng, đó là bắt chó chạy rông (BCCR).
Bình luận 0

Nghề bắt chó chạy rông đầy "thị phi"

“Chúng tôi từng chứng kiến nhiều con chó chạy rông khiến người đi đường vì né chúng nên bị té xe. Dù làm việc công, có lợi cho cộng đồng, lương anh em cũng chỉ đủ sống nhưng không phải người dân nào cũng thông cảm”- anh  Lê Hữu Phước, thành viên của Tổ Bắt chó chạy rông cho biết.

Công việc của tổ bắt đầu từ khoảng 6 – 10 giờ sáng với nhiệm vụ bắt những chú chó được thả rông trên các con đường ở khu vực quận 8, Bình Chánh và Bình Tân. Đây là địa bàn nhiều người dân vẫn vô tư để chó chạy rông mà không xích nhốt lại. Đã có một số vụ tai nạn đã xảy ra liên quan tới mấy chú khuyển này. “Dạo này người dân cũng ý thức hơn nên không còn nhiều chó thả rông nữa. Lúc trước có ngày phải bắt hơn chục con chó, về tới trụ sở ai cũng mệt” - anh Nguyễn Xuân Vũ, thành viên trong tổ cho biết mỗi khi bắt xong một chú chó phải lấy sổ ghi lại lịch trình gồm địa chỉ, thời gian bắt để đối chiếu khi chủ nhân của chúng tới nhận lại.

img

Công việc nhiều vất vả nguy hiểm và đầy "thị phi" nhưng Tổ BCCR vẫn đều đặn làm việc mỗi ngày.

Xe quẹo sang đường Phạm Thế Hiển, quận 8, nhiều người dân từ xa thấy bóng dáng xe của tổ BCCR đã vội xích chó của mình lại. Chúng tôi thấy một chú khuyển khá lớn đang chạy long nhong giữa đường. Mấy chiếc xe máy vì né chú chó này buộc phải thắng gấp hay lấn sang phía bên kia đường. Đưa tay chỉ chú chó, các anh trong tổ quay sang nói với tôi, giọng đầy chua xót: “Đó, chú em thấy không, chó chạy lung tung như vậy thật nguy hiểm cho người đi đường. Vậy mà khi bắt, nhiều bà con không hiểu cứ mắng chửi mình”.

Nhiều người bị bắt chó còn xẵng giọng mắng: “Mấy ông thèm thịt chó thì tôi cho tiền, sao đi bắt chó của tôi?” Thường xuyên như vậy, phải đối diện với những lời hăm dọa, mắng nhiếc của chủ nhân những chú chó chạy rông bị bắt, nhiều lúc tưởng chừng như không thể theo được nghề nhưng các thành viên trong tổ tự an ủi, lên “dây cót” cho nhau. Họ cứ nhủ với lòng rằng nghề nào cũng có khó khăn, chỉ cần mình làm đúng, không thẹn với lòng thì người dân cũng sẽ hiểu cho.

Anh Vũ chợt khoát tay, cười ha hả xóa đi bầu không khí đang trầm xuống trong xe: “Nói vậy chứ hôm nào mà không nghe người dân chửi thì hôm ấy lại thấy thiếu thiếu, ăn cơm không thấy ngon, đúng không anh em?”. Theo anh Vũ, sau 48 giờ, nếu chủ nhân không đến đóng phạt và nhận lại, người ta sẽ đem đi tiêu hủy. Thường những chú chó này được tiêm một liều thuốc và sau đó hỏa thiêu.

Dù khó, vẫn bám trụ với nghề

 Được thành lập trước năm 1975, từ năm 1997 đến nay tổ BCCR trực thuộc Chi cục Thú y TP.HCM quản lý. Hiện tổ có 6 thành viên, vừa hoạt động tuần tra trên địa bàn thành phố vừa hỗ trợ các cơ quan hành pháp, các tổ chức giữ gìn trật tự. Chúng tôi tự hào là tổ duy nhất hoạt động thường xuyên trên cả nước và cả khu vực ASEAN”. 
 Ông Dương Thanh Đa- Tổ trưởng tổ BCCR

Không chỉ bị chửi oan, nhiều lần các thành viên trong tổ phải đóng phim hành động bất đắc dĩ khi phải chạy né đủ thứ vật dụng các chủ chó ném tới. Chỉ mấy thanh inox của chiếc lồng nhốt chó bị móp méo, anh Trương Văn Na, một thành viên khác trong tổ, cho biết đó là hậu quả của lần một người dân ném vào. Cả đội vừa đu sau xe vừa né. May mắn không ai bị thương.

“Cây, đá, đất, thậm chí cờ lê, tua vít của mấy ông sửa xe, đang cầm trên tay thứ gì họ ném thứ ấy vào người chúng tôi” - anh Na kể thêm: “Có đoạn đường, mỗi khi xe đi ngang qua là bị ném đá, sỏi ầm ầm. Khi nhờ chính quyền can thiệp thì biết ở đây có một người từng bị phạt vì để chó chạy rông. Sau khi nộp tiền phạt và nhận chó về vẫn còn ôm cục tức nên canh chừng xe qua là ném đá cho bõ”.

Nhiều năm theo nghề, anh Trương Văn Na không nhớ nổi mình phải vô nằm viện bao nhiêu lần. Cả người anh có khá nhiều vết sẹo do mũi khâu để lại từ vô số lần bị ném đá như thế. Thế nhưng anh chưa từng có ý định bỏ nghề.  “Nghề này đòi hỏi sự nhẫn nhịn rất cao bởi vì là nghề độc nhất vô nhị của cả khu vực mà” – anh Na cười hiền. Ông Dương Thanh Đa - Tổ trưởng tổ BCCR kể: “Có người khi bị bắt chó còn bám theo xe tới tận UBND phường để đòi thả chó. Có người ăn vận lịch sự cũng chặn xe hăm dọa đòi chung chi. Mỗi ngày cứ phải đối diện với "thị phi", nhưng chúng tôi vẫn có niềm vui. Bởi mỗi lần khi bắt được một chú chó chạy rông, chúng tôi hiểu rằng  mình đã giúp cho không ít người tránh bị tai nạn khi đi đường”.

Niềm vui của tổ càng nhân lên khi ngày càng thấy nhiều tuyến đường không còn chú chó nào chạy rông, là ý thức người dân được nâng cao. Đó là lúc mà mọi người trong tổ hiểu rằng công việc của mình đã có người thấu hiểu, dù chỉ là số ít. 

Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Chủ vật nuôi phải bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại. Sau khi bắt về các chú chó sẽ được nuôi nhốt, chăm sóc tại trụ sở của tổ.

 Chi cục Thú y TP. HCM cho biết từ đầu năm 2015 đến ngày 9.8, Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 40 trường hợp thả chó ra đường. Cả năm 2014 đã xử phạt trên 560 trường hợp, năm 2013 hơn 1.340 trường hợp và năm 2012 trên 1.630 trường hợp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem