Những người lính nơi góc khuất

Thứ bảy, ngày 13/07/2013 13:42 PM (GMT+7)
Cùng là người lính, nhưng họ không ở địa đầu biên cương, đầu sóng ngọn gió mà ở... Tổ giặt là, nơi “góc khuất” của Bệnh viện 103 (Hà Nội).
Bình luận 0
Niềm vui bình dị
Mấy tháng trước, ở Bệnh viện 103, nhiều người thường thấy một nữ nhân viên ngày ngày chống nạng, chân đi lặc lè, nhưng vẫn không rời công việc ở nơi được xem là vất vả, độc hại… nhất bệnh viện. Đó là chị Đỗ Thị Hà - Tổ trưởng tổ giặt là, kiêm Chủ tịch Công đoàn khoa Chống nhiễm khuẩn của bệnh viện.
Chị Đỗ Thị Hà (trái) làm việc ở nơi góc khuất bệnh viện.
Chị Đỗ Thị Hà (trái) làm việc ở nơi góc khuất bệnh viện.

Nghe chúng tôi nhắc lại chuyện đó, chị Hà cười hồn hậu, giải thích: “Lúc đó tôi bị tai nạn, các anh chỉ huy khoa, chị em trong tổ đến thăm, động viên tôi cứ ở nhà điều trị cho khỏe, nhưng suốt 30 năm gắn bó với công việc này, với tôi nó đã “ngấm vào máu”, nhớ lắm mùi quân trang, chất tẩy, tiếng máy giặt…”.
Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của tổ giặt là, với nhiều loại máy móc, trang thiết bị, đại tá, tiến sĩ Kiều Chí Thành - Chủ nhiệm khoa Chống nhiễm khuẩn, giới thiệu: Tổ đảm nhiệm tới hơn nửa công việc thường xuyên của khoa, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại. Suốt nhiều năm, chị em trong tổ giặt là phải nấu những nồi nước to để luộc quân trang; dùng củi, bếp than sấy khô quần áo, chăn, màn… khi trời mưa gió, ẩm thấp...
Những năm gần đây, máy móc, trang thiết bị, điều kiện làm việc của tổ giặt là được cải thiện nhiều, nhưng theo đại tá Nguyễn Mạnh Sử - Chính ủy Bệnh viện 103: Tổ giặt là vẫn là nơi “vất vả, độc hại, thầm lặng” nhất bệnh viện, hằng ngày phục vụ gần 40 khoa, phòng…
Chị Hà nhẩm tính: Hiện bình quân mỗi ngày bệnh viện khám bệnh, điều trị 1.300 - 1.500 ca, cùng gần 100 ca mổ. Đồ vải bẩn, chất thải y tế “thượng vàng hạ cám” chuyển về tổ giặt là khoảng 2 tấn/ngày; trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, lao... nhưng chị em trong tổ không ai thoái thác nhiệm vụ.
Nghĩa cử người lính
Trong căn phòng nhỏ - nơi sinh hoạt của tổ, trên tường treo hàng chục bằng khen, giấy khen do các cấp trao tặng. Chị Hà mở tủ cho tôi xem cuốn sổ đã cũ sờn, giải thích: Không biết đã bao lần, chị em trong tổ qua kiểm tra, phân loại quân trang từ các khoa, phòng chuyển về, thấy tiền, vàng, tư trang… của cán bộ, nhân viên, người bệnh để quên và đều trả lại đầy đủ.
Cách đây mấy năm, Ban Giám đốc bệnh viện nhận được lá thư của một bệnh nhân cảm ơn chị em tổ giặt là đã trả lại số tiền khá lớn để quên trong túi áo. Thế là Ban Giám đốc bệnh viện biểu dương và hướng dẫn tổ lập cuốn sổ này. Đến nay, sau gần 4 năm, chị em trong tổ đã trả lại hơn 100 triệu đồng, 4 chỉ vàng, một đôi hoa tai, nhẫn cưới… cùng nhiều giấy tờ của bệnh nhân, cán bộ, nhân viên bỏ quên...

"Thành tích, chiến công của những người lính ở bệnh viện không chỉ là góp phần đạt đến những thành tựu hàng đầu của nền y học nước nhà, mà còn là chữ tín, niềm tin về y đức, tinh thần thái độ phục vụ như chị em tổ giặt là”.
Thiếu tướng, PGS- TS Hoàng Mạnh An - Giám đốc Bệnh viện 103


Chúng tôi lật từng trang sổ với tình cảm trân trọng. Ngày, tháng, năm, hiện vật nhặt được, họ tên, chữ ký của người bỏ quên tiền, hiện vật… đều được tổ trưởng Hà ghi chép đầy đủ, chi tiết. Như ngày 28.12.2011, tổ trả lại cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo, ở Khoa B15 số tiền 14,2 triệu đồng.
Các bệnh nhân: Đỗ Văn Thành (Khoa B9) nhận lại 6,6 triệu đồng; Tô Hiếu Hội (Khoa B15): 5,2 triệu đồng; Vũ Thị Thêu (Khoa B12): 3,6 triệu đồng; Ngô Tiến Văn (Khoa A2): 8 triệu đồng; Đinh Thị Hội (Khoa B12): 1 đôi hoa tai 2 chỉ vàng… Có nhân viên của bệnh viện mừng rơi nước mắt khi nhận lại kỷ vật là chiếc nhẫn cưới để quên trong túi áo.
Chị Hà tâm sự: “Không kể số tiền, hiện vật trị giá nhiều hay ít, kể cả một mẩu giấy có thông tin cần thiết mà bệnh nhân để quên trong túi áo, chúng tôi cũng tìm và gửi lại”.
Nhiều trường hợp, để tìm và trả lại đúng người cũng khá vất vả; chị em phải chạy tới, chạy lui, do bệnh nhân chuyển qua điều trị ở nhiều khoa, có trường hợp đã ra viện. Hầu hết những người nhận lại tiền, vàng… đều muốn “có chút quà cảm ơn”, nhưng chị em trong tổ đều từ chối.
Chị em trong tổ giặt là, kinh tế gia đình hầu hết còn khó khăn, nhất là nhân viên hợp đồng, tổng thu nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng khi thấy tiền, tài sản của người bệnh, nhân viên bỏ quên đều trả lại và rất vui khi làm được việc này…
Gia Tưởng ( Gia Tưởng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem