Những người mở đường xoá nghèo ở vùng cao

Thứ tư, ngày 13/03/2013 08:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nếu không có cán bộ khuyến nông, chắc bây giờ người Sinh Mun, người Mông chưa biết làm cái bụng hết đói, cái nhà hết dột đâu” - lão nông Lò Văn Chuớ, dân tộc Sinh Mun ở bản Pá Nó, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, Sơn La nói.
Bình luận 0

Thay đổi tập quán canh tác

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi ấy lực lượng khuyến nông mới manh nha thành lập và ở vùng cao Sơn La thì 2 từ “khuyến nông” là rất mới mẻ. Mới đến nỗi ngay cả những cán bộ khuyến nông khi ấy xuống đến cơ sở cũng lúng túng trước trách nhiệm được giao; còn nông dân thì nhìn ông cán bộ khuyến nông như những người khác, vì nói như ông Lò Văn Sơn (90 tuổi), lão nông ở bản Pá Nó, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, “khuyến nông họ làm khác hơn mình rất nhiều”.

img
Nhờ cán bộ khuyến nông, dân bản tái định cư Sơn Pha (Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La) đã có cuộc sống sung túc hơn trước.

Cùng theo ông Sơn, khi ấy người dân Phiêng Pằn ngoài trồng cây lúa nương, ngô giống cũ với năng suất rất thấp, thu nhập chủ yếu dựa vào cây thuốc phiện vì “có nuôi con gà, con lợn cũng chết dịch, chết bệnh hết”. Với lại, ngay cả con người khi ấy có năm nào đủ ăn mà phát triển chăn nuôi. Cán bộ đến bảo dân phá bỏ cây thuốc phiện, trồng lúa nước, trồng ngô lai, cây ăn quả, nuôi cá, nuôi gia cầm… nhưng khác ở chỗ trồng ngô, lúa bằng thứ giống Nhà nước cấp, lại phải bón phân; con cá thì phải đào ao, mua giống mới về chứ không phải cá tự nhiên; chăn nuôi thì phải cho gia súc, gia cầm ăn no, ăn ngon, tiêm phòng dịch bệnh, có chuồng trại cho gia súc, gia cầm…

Những điều ấy, nghe lạ lắm. Dân nghe xong về chả hiểu gì. Thế là cán bộ lại phải tăng cường xuống tận xã, bản; cùng bộ đội, biên phòng làm cái ruộng nước, cấy lúa, trồng ngô lai, đào ao thả cá... Cứ như vậy, cán bộ và dân cùng làm, mãi rồi dân cũng quen, biết cách làm ăn mới.

Phải cầm tay chỉ việc

Vào những năm 90 đó, mỗi cuộc họp ở các cấp từ xã, bản cho tới huyện, tỉnh, vấn đề “biên chế lực lượng khuyến nông” luôn là đề tài nóng trên bàn nghị sự, tại các cuộc họp. Bởi một lẽ giản đơn là nông dân vùng cao ngày ấy dân trí và kinh nghiệm sản xuất mới hầu như chẳng có gì; đến cả tiếng phổ thông cũng nhiều người không biết, trong khi xã nào, bản nào cũng cần có cán bộ khuyến nông.

Những lãnh đạo tỉnh Sơn La ngày ấy như bà Tòng Thị Phóng (hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Lê Bình Thanh (cố Bí thư Tỉnh uỷ), ông Hà Hùng (hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc)... luôn khẳng định, chỉ đạo: Khuyến nông là phải cầm tay chỉ việc cho dân. Khuyến nông phải làm cho dân hiểu, dân tin và dân làm theo. Cán bộ khuyến nông luôn được ưu tiên trong biên chế của tỉnh… Thậm chí, vào những ngày nghỉ, ông Lê Bình Thanh - khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La còn “vi hành” xuống cơ sở để nghe dân nói về cán bộ khuyến nông đã làm được gì và cần phải làm gì để giúp dân chuyển đổi sản xuất, xoá đói nghèo…

Anh Lò Văn Hội chia sẻ:

“Ở quê mới, chúng tôi không làm ruộng, làm nương như quê cũ mà tập trung vào sản xuất hàng hoá bằng những nông sản mới như: Cà phê, mía, ngô lai; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà với số lượng lớn. Tất cả đều nhờ các anh khuyến nông hướng dẫn”.

Với sự góp sức của lực lượng khuyến nông, cuộc sống, sản xuất của người dân vùng cao ngày càng đổi thay. Đầu tháng 3 này, đến với bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, chúng tôi chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây sau 6 năm tái định cư đã thật sự thay đổi nhiều so với cuộc sống cũ ở bản Mứn A, xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai trước đây.

Trong nhà anh Lò Văn Hội, dù đã sắp bước sang vụ ngô mới nhưng những bao ngô của năm cũ vẫn chất đầy. Anh Hội cho biết: “Nhờ biết cách làm ăn nên bà con về đây không còn chuyện hết mùa gặt, mùa ngô là lo đói như xưa nữa. Nhà ai trong bản cũng để dành lại mấy tạ ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; chứ không phải để ngô lại làm lương thực thay cơm đâu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem