Cánh chim đại bàng Orlop
17 tuổi, học xong cấp 3, gia đình nghèo, không có điều kiện lên đại học, Nguyễn Hồng Nga đi làm công nhân ở Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Hai năm sau, Bệnh viện 108 về tuyển phi công cho quân đội, sau rất nhiều vòng khám khắt khe, ông trúng tuyển.
|
Tiểu đội học viên Việt Nam ở Trường Primo-aktarck, Nguyễn Hồng Nga đứng thứ hai từ trái qua. |
Năm 1967, Nguyễn Hồng Nga chính thức tập trung dự khoá bay của không quân với khoảng 100 học viên. Tất cả học trong nước 1 năm sau đó đi Nga. Từ vùng quê lam lũ ra đi, lại đang chiến tranh, mọi người rất xúc động trước sự ưu ái mà đất nước Liên Xô dành cho mình. Ở Primo-aktarck và sau này ở trường đào tạo phi công thành phố Kracnadar cũng thế, mọi người được bố trí ở trong những điều kiện tốt nhất.
Người thầy đầu tiên giúp các học viên VN làm quen với máy bay là thầy Orlop. Đó là một người thầy có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nghiêm khắc, có lúc nóng tính nhưng cực kỳ tận tụy, tỉ mỉ.
“Mặc dù mới chỉ học cơ bản, chưa tiếp xúc với máy bay chiến đấu nhưng thầy luôn liên hệ về các loại máy bay Mỹ đang sử dụng đánh Việt Nam cho chúng tôi dễ hình dung, tạo động cơ cho chúng tôi học tập thật tốt để chiến đấu bảo vệ đất nước. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để không phụ công thầy” - đại tá Nguyễn Hồng Nga cho biết.
Qua thời gian, 7 học viên trong nhóm chỉ còn lại 2 người là Nguyễn Hồng Nga và Cao Tiến (sau này là đại tá trưởng phòng Trinh sát Quân chủng PK-KQ) được tiếp tục theo học.
“Ngày tôi được bay đơn là một ngày trọng đại nhất trong đời tôi và hình như với cả thầy. Khi tôi vừa hạ cánh an toàn, thầy chạy thật nhanh ra cầu thang máy bay đỡ tôi từ trên xuống và ôm thật chặt biểu lộ sự vui mừng” - đại tá Nga nhớ lại.
Nụ cười Tarakannop
Học xong khóa sơ cấp và về nước, đầu năm 1973, ông Nga lại đến thành phố Kracnadar để bắt đầu làm quen với loại máy bay chiến đấu MIG 21. Bốn học sinh trong nhóm gồm: Nguyễn Hồng Nga, Mai Văn Minh, Đỗ Viết Nhã, Vi Ánh Sáng được đại uý Tarakannop hướng dẫn.
Khác với tính cách của thầy Orlop, thầy Tarakannop rất vui vẻ và hay nói chuyện thân mật với các học viên. Thầy tìm hiểu hoàn cảnh từng người, cả quê quán, sở thích.
40 năm quân ngũ, trong đó có 20 năm học tập, đào tạo trên đất bạn và bay cùng các chuyên gia Nga là quãng thời gian khó quên đối với tôi. Tôi thấy mình thật may mắn và luôn nhớ về những năm tháng ấy như một trong những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời mình.
Đại tá Nguyễn Hồng Nga“Thầy quan tâm sâu sắc tình hình chiến sự Việt Nam. Thầy vẫn nói: “Đào tạo các cậu vất vả thế này, lỡ chiến đấu hy sinh, không gặp lại, tôi tiếc lắm”. Thầy luôn coi chúng tôi như người em và tạo những bất ngờ thú vị. Học về máy bay chiến đấu nhưng chúng tôi có tâm trạng rất thoải mái và có lẽ nhờ vậy nên đầu óc cũng bớt căng thẳng” - đại tá Nga kể.
Đại tá Nga bảo, đến bây giờ ông vẫn nhớ vô cùng trường Kracnadar, nhớ vẻ đẹp Nga, văn hoá Nga. Nhớ thầy Tarakannop với nụ cười ấp áp, cái ôm thật chặt của thầy Orlop. Nếu không có những người thầy giáo phi công Nga thì làm sao con trai một gia đình nông dân nghèo như ông lại có thể chinh phục được bầu trời, vững vàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Hồng Vân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.