Những nông dân tạo ra 'nông sản hạnh phúc' ở Bình Phước
Những nông dân tạo ra 'nông sản hạnh phúc' ở Bình Phước
Thứ sáu, ngày 26/01/2024 14:30 PM (GMT+7)
Hành trình sống của mỗi người suy cho cùng là hành trình đi tìm hạnh phúc. Đối với người nông dân, hạnh phúc chính là quá trình tạo nên những “nông sản hạnh phúc”.
Những ngày cuối năm Quý Mão, không để chân tay ngưng nghỉ, sự tất bật, khẩn trương như hiện rõ trên gương mặt ông Nguyễn Văn Ghi ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước - người tự nhận mình thuộc thế hệ “nông dân cũ”. Xét về thời gian gắn bó với nghề, sau nhiều bươn chải và gặt hái cả thành công lẫn thất bại, điều đó có lẽ đúng đối với lão nông này.
Tuy nhiên, sau vẻ ngoài “rất cũ” của ông là một tư duy mới, nhạy bén với thương trường. Bản tính chịu khó, nhanh nhẹn, ông đã áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả vào mô hình trồng cao su, sầu riêng, điều của gia đình và đã thành công. Hằng năm, thu nhập của gia đình ông gần 1 tỷ đồng. Ông cũng là một trong những nông dân của Bình Phước được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2023. “Tôi gắn bó với nghề nông đã khá lâu. Tôi luôn nhắc bản thân phải trách nhiệm với người tiêu dùng, với sản phẩm mình làm ra và phải cảm thấy tự hào, hạnh phúc với nghề mình đã chọn” - ông Ghi chia sẻ.
Rời gia đình ông Ghi, chúng tôi đến thăm nông dân Đinh Văn Sanh ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long. Ông Sanh cho biết, trước đây, với hơn 10 ha đất, ông cũng đã thử trồng nhiều loại cây để đa dạng nguồn thu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, ông tập trung đầu tư trồng sầu riêng, cao su và cây ăn trái. Bằng sự cần cù và mạnh dạn thay đổi cách làm, hiện nay, vườn cây đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Với ông, làm nông yếu tố tiên quyết là phải kiên nhẫn, chịu khó tìm tòi, nhạy bén với tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ông Sanh bộc bạch: “Trước sự biến đổi khí hậu, biến động thị trường cũng như cạnh tranh khốc liệt, để làm nông nghiệp hiệu quả người nông dân phải nhạy bén với tư duy sản xuất. Do đó, vườn của gia đình được vun trồng, chăm sóc bằng cả tấm lòng và trái tim. Tôi hạnh phúc vì điều đó”.
Nông nghiệp sạch, an toàn không chỉ là hướng đi phù hợp với xu thế mà còn là xu hướng phát triển bền vững, mang lại nhiều giá trị kinh tế. Và người nông dân là mắt xích đầu tiên, do vậy không chỉ vui với những thành quả mình tạo ra mà phải biết sản xuất ra những “nông sản hạnh phúc”, những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản xuất theo ý mình.
Mạnh dạn đầu tư theo hướng chăn nuôi heo an toàn, ông Phạm Đình Thành, xã Long Giang, thị xã Phước Long cho biết, từ thực trạng làm nông nghiệp với con trâu đi trước, cái cày theo sau hiệu quả thấp nên phải tìm hướng đột phá tạo ra sản phẩm chất lượng là nhu cầu tất yếu. Nuôi heo theo hướng sinh học nên ngoài vệ sinh chuồng trại, gia đình ông tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho heo, chủ động nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Đây là mô hình chăn nuôi bền vững đang được khuyến khích phát triển, bởi nó thay đổi hành vi của con người trong cách đối xử với con người. Với ông Thành nông dân hạnh phúc với mô hình đã chọn, trước hết là người sản xuất tử tế, biết nghĩ đến sức khỏe của người khác.
“Thời gian qua, cứ nói đến sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng hay e dè vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, tôi và anh em trong tổ hợp tác nuôi heo an toàn của xã Long Giang đã gắn bó với nghề này trên dưới 20 năm. Chúng tôi đều đặt chất lượng và sức khỏe con người lên trên hết” - ông Thành khẳng định.
Từng trải qua hành trình đầy gian khó trong sản xuất nông nghiệp, nhưng bằng nghị lực và lòng kiên nhẫn, chịu khó tìm tòi những mô hình phù hợp, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, những nông dân hạnh phúc đã thành công với nghề mà mình gắn bó. Sự năng động, dám nghĩ, dám làm đã giúp họ biến khu vườn của mình thành những mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/năm.
“Bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất Phước Long là bấy nhiêu thời gian tôi đặt hết tâm sức vào vườn sầu riêng. Tôi sẽ cố gắng làm trái sầu riêng mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Có như vậy thì trái sầu riêng Bình Phước nói riêng và sầu riêng cả nước nói chung mới được khách hàng tin tưởng, ủng hộ” - ông Trương Văn Đảo, xã Phước Tín, thị xã Phước Long bày tỏ.
Không khó để tìm ra điển hình nông dân làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Mỗi người có cách làm khác nhau, song họ cùng có điểm chung là dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, đầu tư và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực gia đình và có lòng tin với nghề.
Hằng năm, trung bình Bình Phước có hơn 28.000 nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong giai đoạn từ 2021-2023, Bình Phước có 37 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 369 nông dân và 15 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ông Phạm Ngọc Danh, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành chia sẻ: “Chúng tôi làm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - mô hình cũng khá mới. Chúng tôi thực hiện chế độ chăm sóc vườn cây giảm ảnh hưởng tối đa đến sức khỏe người lao động, bởi muốn làm bền vững và phát triển lớn hơn, đi xa hơn phải theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng sức khỏe con người”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.