Một xã của tỉnh Bình Phước đang hóa phố trong làng, nhờ trồng cây điều mà dân giàu lên trông thấy

Chủ nhật, ngày 14/01/2024 17:37 PM (GMT+7)
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) không có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, vì vậy sau khi về đích NTM năm 2016, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước) tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí và hướng đến xây dựng NTM nâng cao.
Bình luận 0

 Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay xã Thuận Phú (Đồng Phú, Bình Phước) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Người dân Thuận Phú phấn khởi đón chào ngày khánh thành những công trình mới, háo hức trước quang cảnh mới, hòa vào nhịp sống mới…

Lấy người dân là chủ thể 

Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã Thuận Phú luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. 

Chính sự tham gia của người dân vào xây dựng NTM là nhân tố quan trọng, bởi với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân sẽ từng bước được đổi mới, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài.

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế, thương mại - dịch vụ của xã đã có bước phát triển. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương. Trong tổng số 8.200 ha đất nông nghiệp, cây điều chiếm hơn 50% diện tích. 

Kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây điều của người dân nơi đây đã có từ lâu. Nhưng 2 năm trở lại đây, từ khi thành lập Hợp tác xã (HTX) điều hữu cơ, hiệu quả kinh tế từ cây điều được nâng cao hơn trước.

Một xã của tỉnh Bình Phước đang hóa phố trong làng, nhờ trồng cây điều mà dân giàu lên trông thấy- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Bá Cừ ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú phát triển kinh tế từ mô hình cà phê chồn - sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng OCOP của huyện.

Anh Hoàng Văn Quý, thành viên HTX điều hữu cơ ấp Đồng Búa cho biết, gia đình anh là 1 trong 17 thành viên của HTX. Với 2 ha điều, trước đây, mỗi năm gia đình chỉ thu khoảng 1,5 tấn điều/ha. Năm 2022, anh tham gia HTX và được đi các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ và áp dụng vào vườn cây của gia đình nên năng suất cây điều tăng cao so với trước đây. 

Niên vụ 2022-2023, năng suất vườn điều của gia đình đạt 2,5 tấn/ha. Nhờ đó thu nhập được cải thiện, điều kiện sống tốt hơn trước rất nhiều.

Phố trong làng

Nhà mái bằng, đường hóa phố, phố trong làng - đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến khu vực trung tâm xã Thuận Phú. Điều đặc biệt ở đây, quá trình xây dựng NTM nâng cao vẫn giữ được hình ảnh sinh thái nông thôn. 

Xen kẽ vườn cao su, vườn điều là những vườn cây ăn trái xanh mướt; hai bên các tuyến đường bê tông xi măng trải dài là những khóm hoa đang đua nhau khoe sắc. Nhà văn hóa các ấp được đầu tư khang trang, đồng bộ với hệ thống sân chơi thể thao, dụng cụ tập thể dục để phục vụ người dân vui chơi, giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc.

Bà Chu Thị Oanh ở ấp Bù Xăng cho biết: Nhà văn hóa ấp không chỉ là nơi hội họp mà còn để người dân giao lưu văn hóa, văn nghệ. 

Ngày 2 buổi sáng, chiều, người dân trong ấp tập trung về đây để tập thể dục, đánh bóng chuyền... Nhìn quê hương đổi thay từng ngày, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Một xã của tỉnh Bình Phước đang hóa phố trong làng, nhờ trồng cây điều mà dân giàu lên trông thấy- Ảnh 2.

Một góc trung tâm xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước).

Ông Nguyễn Hùng Dũng ở ấp Thuận Phú 1 bày tỏ: “Quả ngọt” từ chương trình NTM mang lại là đường làng được bê tông khang trang, rộng rãi; hai bên đường người dân trồng hoa, kéo điện thắp sáng, có hệ thống camera giám sát nên an ninh trật tự luôn được đảm bảo. 

Trung tâm xã có công viên, các ấp đều được đầu tư nhà văn hóa, sân tập thể dục thể thao… Cá nhân tôi cảm nhận, Thuận Phú là vùng quê đáng sống.

Chủ tịch UBND xã Thuận Phú Trần Đình Thìn cho biết: Trong tổng số vốn hơn 44 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM nâng cao, chính quyền địa phương đã xây dựng 32 tuyến đường giao thông, xây mới 3 nhà văn hóa ấp, 42 phòng học và phòng chức năng. 

Đến nay, tỷ lệ đường giao thông của xã được nhựa hóa, bê tông hóa hơn 92%; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Trong bài tham luận tại Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra vào cuối năm 2022 tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: “Nông thôn là để phục vụ con người và con người cùng nhau tạo ra nông thôn theo cách riêng, phù hợp với mình. 

Người làng cùng kiến tạo, cùng quản lý, cùng thụ hưởng thành quả của mình. Khi ấy, nông thôn sẽ thực sự là nơi đáng sống, nơi đáng trở về, nơi đáng tìm đến”. Và có thể khẳng định, xây dựng NTM mới ở Thuận Phú không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Chính hạnh phúc mới là đích đến của mỗi người dân nơi đây.

Xuân Túc (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem