Những nữ dân quân anh hùng xứ Thanh bắn rơi máy bay Mỹ

Thứ ba, ngày 30/04/2019 20:25 PM (GMT+7)
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với các nữ dân quân xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vẫn còn vẹn nguyên ký ức về một thời gian khổ mà hào hùng.
Bình luận 0

Sống, chiến đấu trên bom, dưới đạn

Trong căn nhà tình nghĩa, ở thôn 10, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, dù đã hơn 80 tuổi nhưng cụ Hồ Thị Chuông (SN 1938) - nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Trung đội) vẫn sống một mình, không chồng, không con.

img

Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa từng bắn rơi máy bay Mỹ.

Căn nhà của cụ Chuông như là địa điểm sinh hoạt chung của các cụ trong Trung đội ngày ấy. Với cụ Chuông, tuổi thanh xuân là những ngày tháng “ăn nằm” nơi trận địa, cùng các chị em ở vùng quê biển Hoằng Hải quần nhau với máy bay giặc.

Trung đội gồm 16 chị em là người địa phương. Những ngày đầu làm nhiệm vụ du kích, tuần tra, canh gác ven biển rồi lên trận địa ở đỉnh đồi 181, xã Hoằng Trường. Cả Trung đội sinh hoạt, luyện tập trong hào, ăn uống vô cùng kham khổ.

Những ngày mưa, nước dột khắp hào, các nữ dân quân chỉ biết ôm nhau mà run. Cuộc sống trên bom, dưới đạn nhưng Trung đội vẫn ngày đêm tập luyện, sử dụng thành thạo các loại vũ khí để sẵn sàng chiến đấu với giặc.

img

Cụ Hồ Thị Chuông (ảnh phải) - nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải và cụ Nguyễn Thị Thanh - nguyên Chính trị viên Trung đội.

Những ngày máy bay Mỹ ít ném bom, các nữ dân quân đi mò cua, bắt cá về ăn. Buổi tối địch câu pháo sáng, pháo kích từ biển vào. Vũ khí của Trung đội ngày đó chỉ với 3 khẩu 12 ly 7 và 3 khẩu trung liên, còn lại là súng trường. Trung đội có nhiệm vụ vừa chặn đầu, chặn đuôi khi máy bay từ biển vào ném bom cầu Hàm Rồng.

Nhắc đến chiến công hơn 50 năm trước, đôi mắt cụ Chuông ánh lên niềm tự hào, cụ nhớ lại: Ngày 11.11.1967, khi phát hiện một tốp máy bay địch từ ngoài biển, cả trung đội sẵn sàng chờ máy bay địch vào trận địa thả bom thì đồng loạt nổ súng. Trung đội đã tiêu diệt được một chiếc máy bay phản lực của địch.

Tiếp đó, ngày 16.11.1967, hai máy bay từ biển vào trận địa, Trung đội phối hợp cùng Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường đã bắn rơi cả 2 chiếc máy bay của giặc.

Với những chiến công của mình, Trung đội đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người. 

img

Các cụ giờ đây ai cũng đã ngoài 70, 80 tuổi.

Trong thư Bác viết: “Thân ái gửi các cháu dân quân xã H (bí danh của xã Hoằng Hải thời điểm đó) huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa! Ngày 11.11.1967, các cháu đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu 1 Huy hiệu, các cháu cũng luôn cố gắng học tập, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi cùng bà con địa phương và quân dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Thư khen của Bác Hồ càng tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải.

"Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!"

“Bác Hồ nói không có gì quý hơn độc lập tự do, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Đi du kích trên bom, dưới đạn, cuộc sống kham khổ, ngoài biển pháo câu vào, trên trời bom dội xuống. Chồng thì đi chiến trường, nhưng vì tổ quốc, ai cũng muốn cống hiến sức mình”, cụ Nguyễn Thị Thanh (72 tuổi) - nguyên Chính trị viên Trung đội chia sẻ.

Dù trải qua bao hiểm nguy, nhưng với lòng yêu nước, các nữ dân quân vẫn ngày đêm bám trận địa, tham gia chiến đấu, bảo vệ quê hương.

Để có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, không chỉ các nữ dân quân phải hi sinh tuổi thanh xuân mà đã có biết bao đồng đội, đồng chí đã phải ngã xuống...

img

Cuộc sống của nhiều cụ còn đó bao khó khăn, vất vả.

Với các cụ, khi tham gia cách mạng tuổi còn rất trẻ, nhưng ngày trở về thì đã quá tuổi thanh xuân. Giờ đây, hầu hết các mẹ đã ở tuổi xế chiều, nhưng cuộc sống vẫn còn đó bao nỗi khó khăn, vất vả. Sau năm 1968, các nữ dân quân của Trung đội, người tiếp tục đi bộ đội, người về đoàn tụ với gia đình, tham gia sản xuất...

“Trung đội 16 người đến nay chỉ còn lại 13 người, cũng đã ngoài 70, 80 tuổi cả rồi. Các bà đùm bọc nhau, lập quỹ hàng tháng để thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau hay khi có công việc”, cụ Chuông chia sẻ.

Với những thành tích đạt được, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Cờ thi đua và Huy hiệu phụ nữ ba đảm đang...

img

Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải đã vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 623/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ghi nhận chiến công của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công ngày 28.11.1967.

Và hơn 50 năm sau, ngày 26.4.2018, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải đã vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 623/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Duy Tuyên (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem