Buốt lòng đêm cuối năm
22 giờ ngày 28 Tết. Trời mưa lất phất, rét buốt tận xương tủy. Sau tiếng hú của còi xe tải, gần 30 phụ nữ gầy guộc đang co ro trên bãi đất run run chui ra khỏi những tấm chăn mỏng để bắt đầu công việc bốc vác của mình.
|
Trời mưa, các phụ nữ làm nghề bốc vác ở chợ Đông Ba phải dùng xe kéo làm giường |
Chiếc xe tải tắt máy, dừng bánh bên vũng bùn lầy lội ở một góc chợ Đông Ba. Các nữ phu mỗi người một việc, người leo lên xe bốc hàng, người vác hàng chất lên các xe kéo, người kéo xe, người đẩy xe… Cứ thế, những bao tải hàng là hoa quả và hành tỏi dần dần được họ đưa vào chợ, phân cho các quầy hàng.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió buốt từ sông Hương thổi vào liên hồi khiến các nữ phu run cầm cập. Chị Nở, 45 tuổi, một trong những nữ phu ở đây kể cho chúng tôi về cuộc đời cay cực của mình. Chị đã có thời gian 20 năm làm nghề bốc vác ở chợ Đông Ba này.
“Mỗi ngày tui bốc vác từ 22 giờ đêm đến 4 giờ chiều hôm sau, rồi ngủ lại ở chợ cho đến thời gian làm lại. Tổng cộng mỗi ngày kéo xe, đẩy xe hàng trăm km nhưng chỉ kiếm được vài chục ngàn”, chị Nở buồn kể.
Nghe hỏi chuyện thu nhập từ nghề bốc vác, chị Thu đang oằn lưng khuân những bao tải nặng trịch, góp chuyện trong tiếng thở hổn hển: “Tiền kiếm được chỉ đủ ăn ngày ba bữa cơm thôi. Cơm chừ đắt đỏ, mỗi bữa mất ít nhất 10 nghìn đồng, mỗi ngày ăn ba bữa là đi toi hơn 30 nghìn. Vì rứa mà chị em tui làm cả năm mà không dư được bao nhiêu”.
|
Các nữ phu bốc hàng từ xe tải xuống |
Những phụ nữ bốc vác ở chợ Đông Ba được coi là những người ở dưới đáy xã hội, bởi ngoài phải làm công việc nặng nhọc nhưng thu nhập bèo bọt, họ còn phải ăn ngủ vật vạ quanh năm ở chợ. Giường ngủ của họ là những bãi đất trống khô ráo có thể trải được mảnh chiếu.
Những khi trời mưa, các khu đất ở chợ ngập bùn lầy thì họ dùng xe kéo làm giường ngủ. Những người có gia đình thì thưa thoảng về thăm nhà, người độc thân thì quanh năm dầm mình ở chợ.
“Lúc mới vô nghề, tui phải thức trắng nhiều ngày liền do chưa quen ngủ chợ. Lâu rồi quen, chừ đặt lưng xuống là ngủ liền, nói đúng hơn là người lịm đi vì mệt chứ không phải ngủ”, một nữ phu tâm sự.
Tết vẫn cơm rau qua bữa
Người lớn tuổi nhất trong số các phụ nữ làm nghề bốc vác ở chợ Đông Ba là bà Xuân, 66 tuổi. Bà đã có thâm niên gần 40 năm bốc vác thuê ở chợ. “Tui có chồng con đàng hoàng, nhưng chồng bệnh tật, con cái không nghề ngỗng chi nên tui phải làm nghề bốc vác ở chợ từ trẻ đến chừ. Thu nhập ít ỏi nhưng nhờ tằn tiện nên mỗi ngày tui cũng dành được vài chục nghìn về mua gạo nuôi gia đình”- bà Xuân kể.
|
Công việc bốc vác cực nhọc hàng đêm của các nữ phu |
Khi hỏi về chuyện mua sắm Tết, giọng bà Xuân chợt chùng xuống. “Hàng năm đến Tết dư giả lắm mới mua được cân thịt lợn, cây bánh tét. Tết năm ni không biết lấy tiền mô mà mua sắm, nên lại phải ăn cơm rau qua bữa thôi”, bà Xuân rầu rĩ.
Chị Bình vừa đẩy xe vừa rũ chiếc áo mưa ướt sũng đang mang trên người, nói xen vào: “Chị em tụi tui hầu hết không ai có lễ tết chi hết. Tết vẫn phải nai lưng kiếm đủ ngày ba bữa cơm, tiền bạc mô mà mua sắm thứ này thứ nọ như người ta. Dư giả lắm thì mua cho mấy đứa con mấy bộ quần áo cũ là hết”.
Nói đoạn, chị Bình kể về chuyện mua sắm Tết của một gia đình nằm sát cạnh nhà chị. Mới đến ngày 28 Tết mà gia đình này đã sắm Tết hết tổng cộng 30 triệu đồng, taxi tải nườm nượp chở hàng Tết về nhà. “Thấy con cái họ được sắm một lúc cả chục bộ quần áo mới đắt tiền, trong khi con mình đến chừ bộ quần áo cũ cũng chưa mua được, tui buồn đến chảy nước mắt”, chị Bình nói.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.