Trước đó, tháng 8.2014, ông Đào Văn Hải thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương ký quyết định về việc xử lý vi phạm làm lộ đề thi của mốt số cán bộ trong kỳ thi tuyển công chức cuối năm 2013 của Cục quản lý thị trường.
Dù xác định vụ việc ảnh hưởng lớn đến uy tín song hình thức kỷ luật chỉ là huỷ bỏ kết quả thi trong kỳ thi, hạ bậc lương với ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng pháp chế và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Lê, Phó phòng Pháp chế hay khiển trách đối với ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường.
Riêng đối với Chủ tịch Hội đồng thi tuyển là ông Trương Quang Hoài Nam (lúc đó giữ chức Cục trưởng Cục quản lý thị trường) chỉ bị tước các danh hiệu thi đua khen thưởng năm 2013 dù để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trên. Tháng 4.2014, ông Nam đã được luân chuyển và bầu làm Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.
Trước đó, ông Trương Quang Hoài Nam còn là tác giả của vụ việc chưa từng có tiền lệ ở Bộ Công Thương đó là bổ nhiệm hai người cùng giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng chống chống hàng giả, Cục quản lý thị trường. Trong đó, ông Kiều Nghiệp được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Phòng chống chống hàng giả kiêm Tổ trưởng Tổ kiểm tra thị trưởng cơ động. Vào tháng 8.2013 đến 25.1.2014, ông Nam tiếp tục ký văn bản bổ nhiệm có thời hạn ông Thân Đức Công giữ chức vụ tương tự.
Việc điều chuyển các cán bộ không có chuyên môn đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương từng khiến dư luận lên tiếng. VAFI cho rằng, ông Võ Thanh Hà được bổ nhiệm làm đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco thay cho ông Phan Đăng Tuất vào tháng 9.2015 không có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp để lãnh đạo một tập đoàn lớn. Ông Hà sinh năm 1974, nguyên là Phó chánh văn phòng kiêm Thư ký nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Hay như trường hợp bổ nhiệm ông Đỗ Xuân Hạ, nguyên Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương làm đại diện phần vốn tại Habeco cũng không có nhiều kiến thức chuyên môn trong ngành đồ uống. Ông nguyên là Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương.
Trong 10 năm nhiệm kỳ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng liên tục thay đổi các Chánh văn phòng Bộ và thư ký.
Chất lượng của lãnh đạo, công chức của Bộ Công Thương gặp không ít điều tiếng. Ở một cục lớn như Cục quản lý thị trường, chất lượng lãnh đạo đã bị lộ ra khi Cục trưởng yêu cầu kiểm tra đột xuất kiến thức của 10 lãnh đạo. Kết quả, không lãnh đạo nào đạt điểm giỏi, khá và có tới 40% là loại trung bình, 60% lãnh đạo có trình độ yếu kém.
"Dù mới kiểm tra một văn bản rất cơ bản do chính Cục quản lý thị trường xây dựng nhưng kết quả trên là quá thấp, có cơ sở để lo lắng về chất lượng, hiệu quả của công tác thanh kiểm tra”, văn bản nêu.
Theo kết luận thanh tra, từ 8.2011 – 8.2014, Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 16 kỳ thi tuyển công chức. Tuy nhiên, có 11 kỳ thiếu một số nội dung, 6 kỳ thi không được thông báo tuyển dụng công khai, 5 kỳ thi không cung cấp được một số biên bản trong quá trình chấm thi... Cá biệt, có trường hợp bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí dự tuyển nhưng vẫn được dự thi và trúng tuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.