Đi tìm những sự thật lịch sử trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Thiên Tường Thứ hai, ngày 02/05/2022 10:12 AM (GMT+7)
47 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước cũng là thời gian mà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện hữu. Đây là nơi lưu trữ, bảo quản, trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.
Bình luận 0
Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 1.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3, TP.HCM), tiền thân là Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy được thành lập vào năm 1975 - ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi đây được xây dựng để lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đồng thời, ghi lại những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 2.

Qua 47 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng đã sưu tầm và lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên.

Đi tìm những sự thật lịch sử trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Ảnh 3.

Những hiện vật, chứng tích, bức ảnh được trưng bày trong Bảo tàng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 3.

Một trong 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên của Bảo tàng là "Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam". Ngoài những hình ảnh, hiện vật từ 200 nhà tù do Mỹ và chính quyền Sài Gòn dựng lên để đàn áp những người Việt yêu nước, thì chuyên đề này còn tái hiện lại những dụng cụ tra tấn, giết hại quân và dân ta. Trong ảnh là máy chém - dụng cụ chặt đầu người bị án tử hình được thực dân Pháp sử dụng rộng rãi và chính quyền Ngô Đình Diệm đưa đi nhiều nơi để sử dụng, khủng bố tinh thần những người yêu nước,

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 4.

Đây là "chuồng cọp" - nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người tù cách mạng. Chuồng cọp kẽm gai là một kiểu phòng nhốt tập thể được làm trên nền cát. Tù nhân bị lột quần áo, tống vào bên trong, bị bỏ đói nhiều ngày liền. Một ngăn dài 1,8m ngang 0,75m và cao 0,4m sẽ nhốt từ 2-3 người, tù nhân phải nằm nghiêng san sát nhau, không thể nhúc nhích. Ngăn bên cạnh có kích thước dài 1,8m, ngang 0,75m và cao 0,6m, giam từ 5-7 người, tù nhân phải ngồi cúi gập người, không thể ngồi thẳng được.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 5.

Cũng là "chuồng cọp", nhưng trong ảnh là tái hiện của "chuồng cọp lộ thiên" hay còn gọi là "phòng tắm nắng". Hình thức tra tấn này được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1940, gồm 60 phòng giam giữ không mái che với diện tích 1.873m2, chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng trong khu vực chuồng cọp Côn Đảo. Tù nhân bị giam ở đây không được mặc đồ, phải phơi người dưới ánh nắng gay gắt, nhiệt độ cao hoặc dầm mình trong mưa, phơi sương về đêm. Ngoài ra, nơi này cũng được giặc sử dụng để tra tấn, khủng bố tù nhân theo kiểu đánh hội đồng.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 6.

Hình ảnh người tù cách mạng bị còng chân vào cây sắt, xung quanh là những khẩu ngữ "Đả đảo nhà cầm quyền đàn áp tù nhân yêu nước", "Máu ta quý giá hơn vàng, tổ quốc cần đến sẵn sàng ta dâng"... gây xúc động mạnh cho những người tham quan. Đây là ngăn chuồng cọp được phục chế từ 120 tại Côn Đảo để giam giữ những tù nhân "ngoan cố". Mỗi ngăn dài khoảng 2,70m rộng 1,50m cao 3m, mùa nóng nhốt 5-14 người, mùa lạnh nhốt 1-2 người. Chân tù nhân bị còng, ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện, nằm ngủ... đều diễn ra trong trong phạm vi này. Chưa kể, họ bị tra tấn hàng giờ, hàng phút với những phương thức như đổ vôi bột cho không thở được, dùng thanh sắt nhọn chọc xuống người, đổ nước lạnh lúc mùa đông...

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 8.

Tại chuyên đề "Những sự thật lịch sử”, Bảo tàng có 66 ảnh, 20 tài liệu, 153 hiện vật về quá trình thực dân Pháp, quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam. Từng tấm ảnh đen trắng, hoen ố nhuốm màu thời gian cho đến những bức ảnh có màu sắc chân thật được lưu giữ cẩn thận. Qua những hình ảnh này, quá khứ đầy đau thương, tàn khốc mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng trước tội ác man rợ, tàn độc của quân cướp nước được hiển thị rõ nét.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 9.

Một trong số những tư liệu gây ám ảnh sâu sắc đối với người tham quan là vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ). Đây chính là một tội ác chiến tranh mà quân đội Mỹ gây ra tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ trong buổi sáng ngày 16/3/1968, quân đội Mỹ đã sát hại 504 thường dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 10.

Với mục tiêu "tàn sát bất cứ thứ gì động đậy", quân đội Mỹ đã thẳng tay bắn chết tất cả những ai họ thấy, kể cả trẻ sơ sinh. Bức ảnh đầy ám ảnh này do Ronald L. Haeberle chụp ngày 16/3/1968, ngay sau vụ thảm sát Mỹ Lai diễn ra.

Đi tìm những sự thật lịch sử trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Ảnh 11.

Đây là những hình ảnh ghi lại những cái chết oan uổng của dân thường trong thời chiến. Đó là những cái chết do máy bay Mỹ ném bom napalm tại Vĩnh Long ngày 17/8/1966; là cái chết của 33 em học sinh tại trường cấp 2 Hương Phúc (Hà Tĩnh) do không quân Mỹ ném bom và các gia đình tại Hà Nội, Hải Phòng, Cà Mau... bị sát hại.

Đi tìm những sự thật lịch sử trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Ảnh 12.

Chiến tranh cũng khiến hàng trăm phóng viên tử nạn. Hình ảnh của hơn 30 phóng viên nước ngoài và hơn 20 phóng viên Việt Nam tử nạn trong cuộc chiến được Bảo tàng lưu giữ.

Đi tìm những sự thật lịch sử trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Ảnh 13.

Trong các chuyên đề "Hồi niệm - Bộ sưu tập ảnh về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam"; "Việt Nam – Chiến tranh và Hòa bình"; "Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến"... ghi lại rất nhiều hình ảnh về người dân, người chiến sỹ cách mạng kiên cường của Việt Nam trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 12.

Với chuyên đề "Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam", Bảo tàng ghi lại những dấu ấn lịch sử kinh hoàng khi quân đội Mỹ đã sử dụng vũ khí hóa học đổ xuống Việt Nam. Trong vòng 10 năm (từ 1961-1971) chúng đã rải xuống miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam trên 100 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 65% là chất độc da cam chứa 386 kg dioxin - tinh chất cực kỳ độc hại làm nhiễm độc trên 2.6 triệu ha...

Đi tìm những sự thật lịch sử trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Ảnh 15.

Chất độc da cam gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gây ra các chứng ung thư, dị tật bẩm sinh và hàng loạt rồi loạn chức năng cho khoảng 4.8 triệu người dân Việt Nam và cả thế hệ con cháu của họ. Dù chiến tranh đã đi qua, nhưng những ảnh hưởng mà chất độc này đổi với con người Việt Nam là vô cùng nặng nề.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 13.

"Dù đã được học lịch sử, được cha mẹ kể rất nhiều nhưng tôi không thể ngờ chiến tranh lại tàn khốc, ác liệt đến thế. Tôi thực sự cảm thấy rất đau, trái tim như bị bóp nghẹt khi nhìn những hình ảnh mà dân tộc ta phải chịu đựng trong cuộc chiến. Tôi cũng cảm thấy rất phẫn uất, căm thù với tội ác mà những kẻ xâm lược đã gây ra, đồng thời tự hào với sự kiên cường, dũng cảm của ông cha ta" - Trần Thụy Nhiên (sinh viên năm 2, ngụ quận 12) cho biết.

Tìm lại những chứng tích chiến tranh trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam - Ảnh 14.

"Tôi cảm thấy may mắn và trân quý khi được sinh ra, lớn lên trong thời bình. Với một buổi tham quan tại Bảo tàng nhân dịp sắp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi nhận thức được rất nhiều điều. Cuộc sống tự do mà chúng ta đang có ngày hôm nay được đánh đổi bằng những tháng năm chiến đấu cực khổ, bằng mồ hôi, nước mắt, máu và cả bằng mạng sống. Chính vì vậy, sứ mệnh của lớp trẻ chúng tôi là phải biết nhớ cội nguồn, biết cống hiến, bảo vệ đất nước, gìn giữ những năm tháng quý giá hòa bình mà ông cha ta đã đổ xương máu mới có được" - Huỳnh Thanh Thoa (Sinh viên ĐH Mở).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem