Những thị tứ vượt lũ

Thứ tư, ngày 26/10/2011 08:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều cụm- tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL đã được xây dựng theo tiêu chí mới, góp phần làm đẹp thêm bộ mặt nông thôn. Ở các cụm- tuyến dân cư của Long An bước đầu đã thành công với hướng đi này.
Bình luận 0

Dân được sống tốt hơn

Sau trận lũ lịch sử năm 2000, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh xây dựng cụm dân cư (CDC) rộng 7ha đủ chỗ cho 300 hộ dân vốn sống trong những căn nhà tạm bợ, bị ngập lũ đến an cư.

img
Cụm dân cư vượt lũ Hậu Thạnh Đông khang trang, quy củ.

CDC có hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh từ đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, điện sinh hoạt đến nhà văn hóa trung tâm, khu vui chơi thể thao được kết nối với khu trung tâm hành chính xã, hệ thống các trường mẫu giáo, THCS, trạm xá, chợ dân sinh và chợ đầu mối nông sản... được coi như mô hình NTM bên bờ kênh Dương Văn Dương.

Ngoài CDC ở Hậu Thạnh Đông, tuyến dân cư (TDC) vượt lũ kênh Bùi dài 2km cũng đã được xây dựng cho 250 hộ sinh sống. Phía trước của TDC này hướng ra dòng kênh sâu và rộng, còn phía sau gắn với đồng ruộng nên thuận lợi cho việc sống chung với lũ và sản xuất của người nông dân vùng sông nước.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Quản lý NTM xã Hậu Thạnh Đông cho biết: “Chúng tôi xác định mục tiêu của cụm – tuyến dân cư vượt lũ không chỉ giúp nông dân an cư dài lâu, mà ở đó người nông dân phải có điều kiện sống tốt hơn, nên quá trình triển khai thực hiện đề án NTM, chúng tôi đã triển khai thực hiện, xây dựng đồng bộ nhiều hạng mục công trình phù hợp với đời sống của người dân”.

Ra đời những thị tứ mới

Nhờ lợi thế nằm cặp kênh Dương Văn Dương và Tỉnh lộ 837, thuận tiện cho thông thương với các huyện vùng Đồng Tháp Mười, xã Hậu Thạnh Đông là nơi hội tụ của giới thương hồ và gánh hàng xáo buôn bán lúa gạo, cá đồng. 10 năm trước, Công ty Lương thực Long An đầu tư cả trăm tỷ đồng xây dựng chợ đầu mối nông sản bên bờ kênh Dương Văn Dương với hệ thống sân phơi, bến tàu, nhà kho, cơ sở xay xát, đánh bóng gạo phục vụ xuất khẩu… Các công trình này đã tạo cho trung tâm Hậu Thành Đông bộ mặt mới, không chỉ là điểm sáng NTM trong vùng lũ Đồng Tháp Mười, mà còn trở thành thị tứ sầm uất.

Theo đường kênh 28 lên CDC xã Khánh Hưng, hình ảnh của một thị tứ sống chung với lũ gắn với xây dựng NTM càng rõ nét. Từ năm 1999, CDC Khánh Hưng được Nhà nước đầu tư xây dựng thí điểm đầu tiên ở khu vực Đồng Tháp Mười trên diện tích 35,5ha nhằm đưa dân vùng bị lũ đe dọa vào sinh sống. Đến nay CDC Khánh Hưng có 815 hộ dân an cư lạc nghiệp.

Ông Trương Văn Tiếp - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, xây dựng NTM ở vùng Đồng Tháp Mười phải mang sắc thái văn hóa sông nước, đảm bảo cho người dân an tâm sống chung với lũ và khai thác nguồn lợi do lũ mang lại một cách hiệu quả và bền vững.

Cùng với nghề làm ruộng, một bộ phận nông dân còn mở cửa hàng buôn bán từ hàng hóa phục vụ nhu cầu hàng ngày đến vật tư nông nghiệp, xăng dầu, hàng điện tử…

Hiện ở Khánh Hưng đã hình thành khu thương mại, nhà lồng chợ bên cạnh nhà bưu điện, phòng giao dịch ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Đấu - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng khẳng định: “Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm 2015, CDC Khánh Hưng sẽ trở thành thị tứ nhộn nhịp trên bờ kênh 28 và Tỉnh lộ 831. Đây cũng là điểm xuất phát tạo nền giúp chúng tôi tiến hành xây dựng NTM trên toàn xã”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem