Những thói quen ngủ kỳ lạ ở các loài động vật

Thứ ba, ngày 04/03/2014 08:33 AM (GMT+7)
Một bộ phim tài liệu mới đã hé lộ, động vật cũng có những thói quen ngủ kỳ dị, chẳng hạn như cá heo vừa bơi, vừa ngủ với một nửa não ở trạng thái tỉnh thức hay một số loài chim an giấc với một mắt nhắm, một mắt mở...
Bình luận 0
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu giấc ngủ của các động vật khác nhau trong một nỗ lực nhằm so sánh và tìm kiếm phương pháp chữa trị rối loạn giấc ngủ ở người. Họ đã sử dụng các camera công nghệ cao nhằm khám phá cách các con vật, từ gấu trúc đỏ tới cầy meerkat và heo vòi, trải qua một đêm ở vườn thú Bristol (Anh) như thế nào.

img

Nhóm nghiên cứu phát hiện, trong khi ngủ, cả người và một số động vật như bạch tuộc và mực đều cho thấy động tác động mắt nhanh, vốn gắn liền với việc ngủ sâu và các giấc mơ.

Khi ngủ sâu, các con chó thậm chí vẫn sủa và kéo giật chân để chạy trong tư thế nằm, còn rái mỏ vịt mô phỏng cách giết các động vật giáp xác. Một con chó và mèo đã được camera quay lại cảnh đang đi mộng du trong khi ngủ.

img

Nhóm nghiên cứu khám phá thêm rằng, giấc ngủ của mỗi động vật chịu ảnh hưởng từ khả năng sinh tồn của chúng trong môi trường. Các động vật nhiều khả năng trở thành con mồi nhất, sẽ ngủ ít hơn những động vật khác ở đầu chuỗi thức ăn.

Chẳng hạn như, các con cầy meerkat có thói quen nằm chồng lên nhau trong tổ để ngủ, với một tai luôn vểnh lên để nghe ngóng nguy hiểm. Trong đó, nữ chúa trong đàn sẽ nằm ở giữa và có giấc ngủ sâu nhất. Các con cầy giữ vị trí lính gác sẽ nằm ngủ ở phía ngoài và luôn thức giấc đầu tiên nếu có bất kỳ tiếng động nào.

img

Một số loài chim, chẳng hạn như chim hồng hạc, lại có kiểu ngủ một mắt nhắm, một mắt mở để luôn đề phòng các động vật săn mồi về đêm. Trong khi đó, các con chuột sóc vàng lại có biệt tài giữ thăng bằng trên một cành cây trong khi ngủ và bất kỳ cử động nhỏ nhất nào cũng khiến chúng thức dậy ngay tức khắc.

Để luôn giữ trạng thái cảnh giác, loài khỉ baboon Papio papio châu Phi có tư thế ngủ trên gót chân kỳ khôi, khiến chúng khó ngủ sâu được.

Một số động vật biển, chẳng hạn như cá heo cũng có thói quen ngủ khá dị thường. Cá heo sẽ để hai bán cầu não thay phiên nhau tỉnh thức để chúng vẫn có thể bơi và hít thở trong khi ngủ.

Các nhà nghiên cứu nhận định, thời lượng ngủ của động vật cũng phụ thuộc vào tốc độ trao đổi chất của chúng. Các động vật nhỏ hơn có xu hướng cần ngủ nhiều hơn, ngoại trừ một số "thợ săn" hàng đầu, to lớn như sư tử, vốn ngủ tới hơn 8 tiếng/ngày.

Những động vật ăn cỏ như hươu cao cổ và bò dành nhiều thời gian cho việc ăn tới mức, chúng chẳng còn mấy thời gian cho việc ngủ. Chẳng hạn như, hươu cao cổ thường ngủ chỉ 2 tiếng đồng hồ mỗi đêm và có thể thức trắng nhiều tuần mà không hề hấn gì.

Toàn bộ kết quả khám phá đã được sử dụng để xây dựng một bộ phim tài liệu mới, sắp phát sóng trên kênh BBC.
Genk (Theo Genk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem