Những thương vụ “bom tấn” của ngành nông nghiệp

Đức Trí Thứ tư, ngày 15/06/2016 07:30 AM (GMT+7)
Hàng loạt tên tuổi hàng đầu trong giới doanh nghiệp Việt Nam như: VinGroup, Nguyễn Kim, Masan Group, Hoàng Anh Gia Lai, Nova Group, Him Lam, Thành Thành Công… đều tập trung đầu tư vào nông nghiệp sau khi thành công từ một lĩnh vực kinh doanh khác. Liệu những cuộc đổ bộ rầm rộ này có mang lại thành công cho các “đại gia”?
Bình luận 0

Đầu năm 2015, Nguyễn Kim, tung ra động thái bất ngờ khi bán đi 49% cổ phần của mảng kinh doanh cốt lõi (điện máy) cho Tập đoàn Central (Thái Lan). Tuy nhiên, vào tháng 4.2016, cùng với Central, Nguyễn Kim bằng thương vụ M&A triệt để đã thâu tóm chuỗi siêu thị Big C với giá lên đến 1,05 tỷ USD.

Còn nhớ, năm 2011, “đại gia” này đã đạt doanh thu khủng lên đến 400 triệu USD, tăng 30% so với 2010. Trong giai đoạn đỉnh cao của thịnh vượng, Nguyễn Kim đặt tham vọng nâng doanh thu lên gấp 5 lần, đạt con số là 2 tỷ USD vào năm 2015. Nhưng sau cú thất bại mang tên “Thế giới số 24h”, Nguyễn Kim buộc phải chuyển hướng.

Giới chuyên gia cho rằng, bằng chiến lược M&A tập trung vào ngành bán lẻ là giải pháp khôn khéo để Nguyễn Kim tìm đầu ra cho các công ty mà mình nắm phần lớn cổ phần trong ngành nông nghiệp.

Và mới nhất, cách nay một tháng, vào tháng 5.2016, bằng thương vụ M&A thành công với Zalora, một kênh thương mại điện tử nổi bật, ý định tập trung tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của Nguyễn Kim càng thể hiện rõ ràng.

Một tên tuổi khác trong ngành thu được nhiều thành công trong nông nghiệp chính là Tập đoàn Masan Group. Sau khi M&A thành công với Vina Café Biên Hòa, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Masan đã bắt tay vào nông nghiệp. Và quả đúng như vậy, năm 2014, “đại gia” này tiếp tục thương vụ M&A với hai doanh nghiệp đầu ngành trong mảng thức ăn chăn nuôi là Proconco và Ancon.

Theo đó, Masan Group đã sở hữu đến 75,2% cổ phần của Proconco và đến 70% của cám Anco. Hiện tại Masan Nutri-Science, một công ty con của tập đoàn Masan, qua hai con “bò sữa” Ancon và Proconco đóng góp vào cơ cấu doanh của tập đoàn lên đến 14.000 tỷ đồng. Chính điều này giúp Masan lọt vào “câu lạc bộ 1 tỷ USD” khi báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn ghi nhận doanh thu năm 2015 là 1,4 tỷ đô (khoảng 30 ngàn tỷ đồng).

Ngoài hai ông lớn nói trên, hàng loạt tên tuổi lớn khác như: VinGroup, Him Lam, Nova Land, Thành Thành Công… cũng có những chiến dịch đổ bộ vào nông nghiệp.  

Theo đó, VinGroup chi 91 triệu USD để trồng rau sạch và hiện đã đưa rau sạch vào chuỗi VinMart của mình. Hay mới đây nhất, ông lớn này tiếp tục chi 1.200 tỷ đồng để mua lại 32,5% cổ phần của gỗ Trường Thành (TTF) nhằm dấn sâu vào ngành nông nghiệp và tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu hiện tại lên đến 69,4%.  

Đại gia địa ốc, Nova Group với bước chuyển “âm thầm” hơn khi chuyển dịch một phần vốn thu được từ bất động sản vào nông nghiệp bằng việc phát triển thương hiệu sữa Anka. Theo đó, thông qua công ty Anova Milk (Công ty con của Nova Group) đã đầu tư vào Tập đoàn Kerry (Ireland) con số là 50 triệu đô la Mỹ để đưa thương hiệu sữa Anka vào thị trường.

Tại sao Nova Group đang là một tên tuổi của thị trường địa ốc tại TP.HCM, với hơn 30 dự án đình đám như: Lake View, Sunrise, City Gates, The Sun Avenue, Sài Gòn Mê Linh Tower… trải dài khắp thành phố và có giá trị lên đến vài tỷ USD lại âm thầm dịch chuyển sang ngành sữa? Tại sao Vingroup lại trồng rau và đầu tư vào ngành gỗ? Tại sao Nguyễn Kim lại từ bỏ ngành kinh doanh cốt lõi của mình?...

Câu trả lời chung cho các câu hỏi trên chỉ có thể lý giải là dư địa của ngành nông nghiệp còn quá lớn. Và  phải chăng các “đại gia” đã nhìn thấy nông nghiệp chính là một “mùa vàng” bội thu trong ngắn hạn lẫn dài hạn!?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem