Như Dân Việt thông tin, chiều qua (18/1), sau khi Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo: Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước giữ Quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.
Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ Quyền Chủ tịch nước. Ảnh VPCTN
Bà Võ Thị Ánh Xuân là nữ cán bộ cấp cao thứ hai giữ Quyền Chủ tịch nước. Ở nhiệm kỳ trước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021) cũng đảm nhiệm Quyền Chủ tịch nước (từ tháng 9 đến tháng 10/2018).
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh sinh năm 1959, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Bà tốt nghiệp cử nhân Luật, cử nhân Lịch sử, cử nhân Lý luận chính trị, thạc sĩ xây dựng Đảng. Bà là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa X (dự khuyết) XI, XII; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII và XIV.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã được Quốc hội miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch nước vào tháng 4/2021, sau đó nghỉ hưu.
Trong lịch sử Nhà nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trường hợp giữ Quyền Chủ tịch nước đầu tiên là cụ Huỳnh Thúc Kháng ((1876-1947, quê Quảng Nam, còn gọi thân mật là Cụ Huỳnh).
Cụ Huỳnh là một chí sĩ yêu nước, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Cụ được Hồ Chủ tịch mời tham gia Chính phủ lâm thời, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp dự Hội nghị đàm phán Fontainebleau đã giao Quyền Chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi chia tay, Hồ Chủ tịch đã dặn Cụ Huỳnh câu "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Cụ Huỳnh đảm nhiệm cương vị Quyền Chủ tịch nước từ trong thời gian Hồ Chủ tịch đi vắng (từ ngày 31/5/1946 đến 20/10/1946). Với trọng trách được giao, Cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa tích cực góp phần xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động.
Trường hợp thứ hai giữ Quyền Chủ tịch nước là ông Nguyễn Hữu Thọ (1910 -1996, quê Long An).
Ông Nguyễn Hữu Thọ học luật ở Pháp, khi về nước ông hành nghề luật sư khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông luôn bảo vệ người dân vô tội trước tòa án thực dân. Năm 1948, ông tham gia Mặt trận Liên Việt và năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1954, ông Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt. Sau khi được giải cứu thành công vào cuối tháng 11.1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ về đến bắc Tây Ninh. Tháng 2 năm 1962, Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức và luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch.
Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập vào tháng 6 năm 1969, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn.
Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất, Chủ tịch nước là Bác Tôn Đức Thắng. Tháng 4/1980, sau khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng qua đời, ông Nguyễn Hữu Thọ giữ Quyền Chủ tịch nước cho đến tháng 7/1981.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.