Những tướng, tá trận mạc “gục ngã” trước tiền hối lộ

Gia Bình Chủ nhật, ngày 17/07/2022 11:48 AM (GMT+7)
Là những sĩ quan có thâm niên, việc chiến đấu bảo vệ biển đảo, đánh trận với cướp biển nước ngoài hay bị tội phạm tạt axit không khiến họ gục ngã nhưng lại vướng lao lý trước hàng tỷ đồng hối lộ.
Bình luận 0

Cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 "rất hối hận" khi để vợ nhận tiền hối lộ 1,8 tỷ đồng 

Trong phiên tòa xét xử vụ buôn lậu, nhận hối lộ bảo kê tàu chở xăng lậu, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã phạt tù 14 người gồm 2 Thiếu tướng, 7 sĩ quan cấp tá và 1 thượng úy thuộc các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, công an.

Cả 10 sĩ quan này được các cơ quan tố tụng ghi nhận tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội có thành tích xuất sắc trong công tác" theo Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, cho hay "rất hối hận" khi để vợ nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng của trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu. Ông Thanh vì vậy đã "làm không hết trách nhiệm", giúp các tàu chở xăng lậu hoạt động thời gian dài.

Cựu Tư lệnh sinh năm 1961 ở Hà Tĩnh, đi bộ đội và từng lập nhiều chiến công. Trình bày tại tòa, luật sư cho biết, ông Thanh từng tham gia chiến đấu bảo vệ Trường Sa trong giai đoạn khốc liệt những năm 1987 – 1988.

Những tướng, tá trận mạc “gục ngã” trước tiền hối lộ - Ảnh 1.

Cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh từng chiến đấu bảo vệ biển đảo, bắt cướp biển nước ngoài. Ảnh: TTQS.

Công tác tại Vùng cảnh sát biển 3, ông Thanh từng trực tiếp tham gia vây bắt, khống chế 11 tên cướp biển người Indonexia. Đây là nhóm trang bị súng, đã cướp tàu chở dầu Zarifah của Malaysia rồi sơn lại tên khác, treo cờ Honduras trước khi trốn vào biển Việt Nam.

Vùng cảnh sát biển 3, dưới sự chỉ huy của ông Thanh đã bắt trói cả 11 tên trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ kể từ khi nổ phát súng đầu tiên. Không ai bị thương vong trong trận đánh này.

Thiếu tướng Lê Xuân Thanh còn được ghi nhận đã giúp giải cứu nhiều nạn nhân bị bắt trên biển. Tất cả những chiến công ấy đã không giúp được ông trước cáo buộc nhận hối lộ, bảo kê tàu buôn lậu xăng.

Ông Thanh phải nhận mức án sơ thẩm 12 năm tù về hành vi này. Vợ ông, bị cáo Phan Thị Xuân là người trực tiếp nhận 1,8 tỷ đồng của Phan Thanh Hữu nên bị tuyên phạm tội "Nhận hối lộ" với mức án 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo.

Đứng trước tòa, cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 nhiều lần rớm nước mắt, nói ngập ngừng từng lời xin lỗi gửi tới Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, lực lượng cảnh sát biển cũng như gia đình, quê hương mình.

Ông Thanh nhận tội, xin tòa xem xét việc mình đã 62 tuổi, thường xuyên ốm đau để cho hưởng khoan hồng. Vị này cho hay đã: "Rất hối hận, hứa sẽ khắc phục hậu quả do mình gây ra".

 

Những tướng, tá trận mạc “gục ngã” trước tiền hối lộ - Ảnh 2.

Cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh tại tòa. Ảnh: TTQS.

Thừa nhận hành vi nhận tiền hối lộ gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của quân đội và lực lượng cảnh sát biển 

Người đồng cấp với ông Thanh, bị cáo Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, cũng nhận tội và nói: "Hối hận tột cùng vì sai phạm của mình".

Ông Minh sinh năm 1965 ở Nghệ An và quá trình công tác được "tin tưởng giao quân hàm cấp tướng", đứng đầu đơn vị quản lý vùng biển 5 tỉnh, từ Trà Vinh đến Kiên Giang với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, vị này đã đồng ý khi Phan Thanh Hữu đặt vấn đề "giúp đỡ".

Hằng tháng Hữu chuyển cho Thiếu tướng Minh số tiền 300 hoặc 450 triệu đồng, tổng cộng 6,9 tỷ đồng. Đổi lại, vị Tư lệnh vùng nhắn tin cho trùm buôn lậu biết các tọa độ để neo hoặc di chuyển tàu chở xăng lậu mà không bị kiểm tra.

Khai báo tại tòa, bị cáo Minh cho hay "không ngờ cuối đời lại vướng lao lý". Trong 4 ngày hầu tòa, vị này đều cúi mặt với mái đầu bạc trắng và nhiều khi khẩu trang đeo lệnh không buồn chỉnh lại.

Ông Minh thừa nhận hành vi của mình gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của quân đội và đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển nơi bản thân từng công tác. Giờ, cựu Tư lệnh vùng chỉ mong được hưởng khoan hồng để có thể về chăm sóc mẹ già, sau 40 năm phục vụ trong quân đội. Ông hiện bị cấp sơ thẩm phạt 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Một cựu sĩ quan biên phòng, bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang, ra tòa khi trên ngực, cổ còn nhiều vết sẹo do bị tội phạm trả thù bằng cách tạt axit. Bị cáo này xin tòa "nói to một chút" vì một bên tai của mình điếc khi quá trình công tác đã đương đầu với nhiều tội phạm.

Những tướng, tá trận mạc “gục ngã” trước tiền hối lộ - Ảnh 3.

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh từng bị tội phạm trả thù bằng cách tạt axit. Ảnh: TTQS.

Thế Anh bị cả phía điều tra, truy tố, xét xử xác định nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD. Tuy nhiên, cựu đại tá nói không quen Hữu và không nhận tiền của ông ta, cho hay sẽ "kêu oan suốt đời" vì: "Bị cáo từng bị tội phạm dí súng vào đầu, bị trả thù dẫn đến trên người mang nhiều thương tật, thử hỏi có dễ dàng bị mua chuộc không?".

Ngược lại, Phan Thanh Hữu khai có đưa tiền cho Thế Anh, thêm rằng: "Tôi không vu oan cho ai bao giờ". Viện kiểm sát cũng đưa ra chứng cứ thể hiện cựu đại tá và trùm buôn lậu có nhiều cuộc gọi với nhau nên không thể nói không quen biết. Tòa án sau đó phạt Thế Anh án tù chung thân cho 2 tội danh gồm nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài trái phép.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem