Xét xử nhóm cựu tướng, tá Cảnh sát biển, biên phòng "bảo kê" buôn lậu xăng

Gia Bình Thứ ba, ngày 12/07/2022 06:31 AM (GMT+7)
Hai cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển cùng hàng cựu loạt sĩ quan từng thuộc Bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông bị đưa ra xét xử vì "bảo kê", tiếp tay cho nhóm gian thương buôn lậu 198 triệu lít xăng.
Bình luận 0

Sáng 12/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử vụ án nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu xăng tại một số đơn vị cảnh sát biển, biên phòng khu vực phía Nam. Phiên tòa diễn ra tại Tòa án Quân khu Thủ đô.

Hầu tòa là 14 bị cáo gồm Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển bị truy tố về tội "Buôn lậu".

Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang bị truy tố về các tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

Xét xử nhóm tướng tá cảnh sát, biên phòng bảo kê buôn lậu xăng - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4. Ảnh: CSB.

Có 11 người bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" gồm Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, cựuTư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3; Lưu Thế Đức, cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển; Phạm Văn Trên, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; Lê Văn Phương, cựu thượng tá, cựu Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm thuộc các đơn vị dân sự: Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh); Nguyễn Văn An, lao động tự do; Phạm Hồ Hải, nguyên đại diện cảng Cần Thơ tại Trà Vinh

Riêng Cao Phước Hoài bị truy tố về tội "Không tố giác tội phạm".

HĐXX gồm 5 người, do thẩm phán, thượng tá Nguyễn Hồng Phong làm chủ tọa. Giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử có 3 sĩ quan thuộc Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng. Trong vụ án này, có 16 luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Xét xử nhóm tướng tá cảnh sát, biên phòng bảo kê buôn lậu xăng - Ảnh 2.

Vụ án được Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện và chuyển hồ sơ các bị cáo thuộc quân đội cho Bộ Quốc phòng.

Nhận nửa tỷ đồng mỗi tháng để "bảo kê" cho buôn lậu xăng dầu

Theo cáo trạng, Phan Thanh Hữu (SN 1957) là người buôn lậu xăng dầu sang Campuchia. Năm 2019, ông ta móc nối, đề nghị đại tá Phùng Danh Thoại góp 5 tỷ đồng làm vốn buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng cộng, nhóm này tiêu thụ thành công hơn 196 triệu lít xăng trị giá gần 2.800 tỷ đồng.

Qua đây, Hữu được hưởng lợi bất chính hơn 105 tỷ đồng, Thoại hơn 22 tỷ đồng. Phùng Thanh Hữu đang bị các cơ quan tố tụng dân sự xử lý, ở vụ án thuộc quân đội giải quyết, ông ta chỉ là người làm chứng.

Cũng theo cáo buộc, lợi nhuận thu được từ xăng lậu, nhóm của Hữu còn mang đi hối lộ hàng loạt quan chức, sĩ quan để việc buôn lậu trót lọt.

Trong đó, Thiếu tướng Lê Văn Minh đã nhận 6,9 tỷ đồng hối lộ của Hữu. Cụ thể, Hữu biết bị cáo Minh, với chức vụ Tư lệnh vùng Cảnh sát 4, quản lý biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Do vậy, ông ta đề nghị vị Tư lệnh vùng "giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng".

Mỗi khi có hàng lậu, Hữu sẽ nhắn tin cho bị cáo Minh để sĩ quan này "giúp đỡ, bảo kê, không bị kiểm tra bắt giữ", cáo trạng nêu. Đổi lại, Hữu chi cho Lê Văn Minh 450 triệu đồng/tháng giai đoạn từ tháng 12/2019 – 8/2020 và 500 triệu đồng/tháng giai đoạn tháng 9/2020 – 1/2021. Hình thức chuyển là tiền mặt và chuyển khoản cho vợ hoặc con gái Thiếu tướng Minh.

Do Lê Văn Minh giới thiệu, Hữu còn gặp Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3, đơn vị quản lý biển từ Bình Định đến cửa Định An. Tướng Thanh đồng ý giúp đỡ nên hằng tháng, Hữu đem tiền hối lộ cho bị cáo Phan Thị Xuân (vợ ông Thanh); tổng số 1,8 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 3/2020 – 1/2021.

Trong vụ, cựu Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang, bị cáo Nguyễn Thế Anh chịu cáo buộc nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu 6,2 tỷ đồng cùng 560.000 USD. Những lần nhận tiền, Thế Anh không ra mặt mà nhờ em họ mình, bị cáo Nguyễn Văn An đi lấy thay.

Tháng 3/2021, khi Phan Thanh Hữu bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt, Thế Anh đưa cho An 50 triệu đồng, dặn em họ: "Đi lánh nạn một thời gian" nhưng không được sang Campuchia.

Bị cáo An ban đầu trốn trong một đầm tôm ở Sóc Trăng nhưng bị phát hiện nên bỏ về TP.HCM. Thế Anh sau đó sắp xếp cho An sang Lào trái phép nhưng được hơn 1 tháng liền bị nhà chức trách nước sở tại bắt giữ, bàn giao về Việt Nam.

Một sĩ quan biên phòng khác, thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng cảng Trường Long Hòa tỉnh Trà Vinh cũng được Phan Thanh Hữu nhờ "giúp đỡ" với giá 500 triệu đồng/tháng trong giai đoạn tháng 9/2019 – 2/2020.

Sau đó, Hữu còn được Hùng "kết nối" với bị cáo Phạm Văn Trên, Chỉ huy Biên phòng tỉnh Trà Vinh và Lê Văn Phương, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh. Viện kiểm sát cáo buộc trong 10 tháng cuối năm 2020, Hữu chuyển cho Hùng 5 tỷ đồng.

Số tiền nhận từ Hữu, bị cáo Hùng chi cho đại tá Phạm Văn Trên 100 triệu đồng/tháng (tổng 1 tỷ đồng); Lê Văn Phương 30 triệu đồng/tháng (tổng 360 triệu) và bị cáo Phạm Hồ Hải 30 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng số tiền Nguyễn Văn Hùng hưởng lợi bất chính trong 2 giai đoạn là hơn 6,3 tỷ đồng, cáo trạng nêu.

Các bị cáo còn lại cũng bị cáo buộc nhận hối lộ của nhóm Phan Thanh Hữu để bảo kê hoặc không kiểm tra, xử lý các tàu chở xăng lậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem