Dương Đình Nghệ (?-937) là một trong những bộ tướng của họ Khúc từ năm 907 – 930. Năm 930, nước Nam Hán đưa quân sang xâm lược nước ta, bắt giữ Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ và đánh chiếm thành Đại La.
Trước tình hình này, Dương Đình Nghệ đã tập hợp hơn 3.000 binh sĩ dấy quân khởi nghĩa ở châu Ái, dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn... làm nha tướng.
Tháng 3.931, ông đem đánh đuổi quân Nam Hán, phóng thành Đại La, đập tan quân tiếp viện của kẻ thù và tự lập mình làm Tiết độ sứ, dựng nền độc lập tự chủ cho nước Nam.
Ảnh minh họa.
Sau thành công này, Kiều Công Tiễn là một danh tướng được Dương Đình Nghệ tin cậy đã đắc ý sinh kiêu và âm mưu phản nghịch. Tháng 4/937, Tiễn cùng với người em ruột là Kiều Thuận lên kế hoạch ám sát Dương Đình Nghệ, chiếm đóng thành Đại La và nắm quyền trị nước.
Sợ bị Ngô Quyền trả thù, năm 938, Kiều Công Tiễn cho người sang nhà Nam Hán để xin viện binh. Vua Nam Hán đã sai con là Vạn vương Hoằng Thao đưa quân sang xâm chiếm nước Nam.
Nhưng quân Nam Hán vừa động binh, thì tháng 10 năm đó Tiễn đã bị Ngô Quyền đem quân từ châu Ái ra thành Đại La giết chết. Quân Nam Hán cũng bị Ngô Quyền dẹp tan trong trận Bạch Đằng nổi tiếng.
Ai là kẻ chủ mưu giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn?
Đinh Tiên Hoàng (924 - 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Ông có con trưởng là Đinh Liễn, nhưng lại lập con út là Hạng Lang làm Thái tử. Đầu năm 979, Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang để giành ngôi Thái tử. Vua Đinh Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn mà chấp thuận để Liễn làm Thái tử.
Vào cùng năm này, cả vua Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn bị hoan quan Đỗ Thích giết hại.
Theo chính sử, một hôm nằm trên cầu, Thích mơ thấy sao băng rơi vào miệng, cho rằng mình có điềm làm vua nên quyết định hành thích vua và Thái tử. Sau một buổi tiệc mà các vua quan đều say sưa, Đỗ Thích đã thực hiện trót lọt âm mưu của mình. Tuy vậy, ngay sau đó Thích đã bị bắt và giết chết.
Sau này, các sử gia đưa ra giả thuyết Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua vì ông chỉ là một viên hoạn quan, không hề có uy tín hay vây cánh, không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để lên ngôi. Đỗ Thích có thể chỉ là bình phong trong một âm mưu ám sát do Lê Hoàn và Thái Hậu Dương Vân Nga thực hiện.
Một giả thiết khác kém thuyết phục hơn cho rằng Đỗ Thích là nội gián của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối loạn triều đình, tạo cơ hội cho nhà Tống mang quân sang xâm lược.
Lê Trung Tông bị em ruột sám át
Lê Trung Tông (983 – 1005) tên húy là Lê Long Việt, là con trai của vua Lê Đại Hành. Vua Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử Long Thâu mất, Long Việt được lập làm Thái tử.
Năm 1005, Lê Đại Hành qua đời, các hoàng tử đánh nhau tranh ngôi quyết liệt suốt 8 tháng, khiến đất nước rơi vào tình trạng vô chủ. Cuộc tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Ngân Tích, là người có thế lực nhất trong số các anh em còn lại.
Tháng 10.1005, Ngân Tích thua và bị giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, niên hiệu là Lê Trung Tông.
Nhưng ở ngôi chỉ được 3 ngày thì thành quả của Lê Trung Tông tan thành mây khói khi ông bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh cho người vào cung ám sát, thọ 22 tuổi.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: "Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông".
Cái chết của Lê Trung Tông kết thúc cuộc tranh đoạt ngôi vua kéo dài sau khi Lê Đại Hành mất.
Nghi án Lý Công Uẩn ám sát Lê Long Đĩnh
Trong sử sách, của Lê Long Đĩnh ( 986 – 1009) của nhà Tiền Lê hầu như luôn được nhắc đến như một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Dù vậy, gần đây đã xuất hiện các ý kiến cho rằng một số điều xấu của ông chỉ là thêu dệt.
Các bộ chính sử của Việt Nam như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều ghi rằng, Lê Long Đĩnh chết vì sự hoang dâm, mê tửu sắc vô độ. Tuy vậy, cũng có nghi vấn về việc Lý Công Uẩn đã ám sát Lê Long Đĩnh để đoạt ngôi.
Sử gia Ngô Thì Sĩ đã nêu ra nghi vấn về việc này trong sách Đại Việt sử ký tiền biên như sau:
“Có người nói Khai Minh vương hung hãn bạo ngược... Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép, nếu quả như vậy, cũng là đạo Trời hay báo, nên chép phụ vào để làm răn”.
Dù sự thật ra sao thì cái chết của Lê Long Đĩnh sẽ được lịch sử Việt Nam ghi nhận như một cột mốc đánh dấu sự chấm dứt nhà Tiền Lê, khởi đầu giai đoạn trị vì của nhà Lý.
Hoàng Phương (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.