Những vụ cầu thủ Việt Nam bán độ rúng động "cả làng"!
Những vụ cầu thủ Việt Nam bán độ rúng động "cả làng"!
P.V
Thứ tư, ngày 25/09/2024 06:58 AM (GMT+7)
Bóng đá Việt Nam trong gần 30 năm qua đã chứng kiến những vụ cầu thủ Việt Nam bán độ khiến người hâm mộ ngỡ ngàng. Những cái tên được coi như "hạt ngọc" của bóng đá nước nhà đã đánh mất tất cả chỉ vì "lầm đường lạc lối"!
Cầu thủ Việt Nam bán độ: Cú đá phản lưới nhà của LXT năm 1997
Đến thời điểm này, người hâm mộ Việt Nam vẫn chưa thể quên vụ cầu thủ Việt Nam bán độ gắn với hình ảnh đội trưởng Công an Hà Nội LXT bất ngờ đá bóng vào khung thành bỏ trống của đội nhà ở phút 90 trong sự bàng hoàng của các CĐV trên sân Hàng Đẫy, khi thủ môn ĐTT đã dâng cao.
Cú đá này khiến CAHN "chỉ" thắng An Giang 4-3 ở vòng 10 giải hạng Nhất QG 1997, tỷ số "rất có vấn đề" khi máy quay đã phản ánh những diễn biến ngay sau đó trên khán đài. Sau cú đá phản lưới "đi vào lòng người" này, LXT đã bị treo giò vĩnh viễn.
Sự việc này sau đó được điều tra là được giật dây bởi Toàn “còi” (anh trai thủ môn ĐTT) và Mạnh “bệu”, những trùm cá độ có tiếng của Hà Nội thời ấy. Cũng chính vì cú sút của LXT mà một trùm cá độ khác, Thắng “tài dậu” đã mất gần một tỷ tiền độ vì ra kèo Công an Hà Nội chấp 1 trái rưỡi.
Còn ĐTT, người cũng dính dáng đến vụ này thì còn thi đấu tiếp vài năm nữa trước khi giải nghệ. Sau đó, anh đột ngột qua đời đầu năm 2006 ở tuổi 30, và có người cho rằng đó là một vụ tự tử do nợ đến 6,3 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn năm 1997, làng bóng đá Việt Nam cũng rúng động khi cơ quan điều tra phát hiện việc bán độ liên quan đến đội Hải Quan. Theo đó, trùm cá độ Trần Phi Sơn thông qua đầu mối là cầu thủ Trương Văn Dưỡng đã móc ngoặc với 2 gương mặt khác tại CLB Hải Quan là Trần Minh Trung và Nguyễn Phúc Nguyên Chương. Những cái tên này đã tham gia dàn xếp tỷ số các trận đấu.
Sau đó, Trương Văn Dưỡng bị kết án 1 năm tù. Nguyễn Phúc Nguyên Chương - người hùng của ĐT Việt Nam tại SEA Games 1997, đã bị phạt 10 tháng tù treo cùng 2 năm thử thách vì tội đánh bạc.
Cầu thủ Việt Nam bán độ: Nỗi đau Bacolod
8 năm sau vụ cầu thủ Việt Nam bán độ kể trên, bóng đá Việt Nam lại rúng động với vụ việc liên quan tới những "hạt ngọc" U23 tại SEA Games 23 năm 2005 (Bacolod - Philippines).
Ngày 24/11/2005, nhóm 7 cầu thủ U23 Việt Nam bàn chuyện: U23 Việt Nam nếu thắng U23 Myanmar với cách biệt 1 bàn thì mỗi người sẽ nhận được từ 20-30 triệu đồng.
Kết quả trận đấu đúng như tính toán. Vụ án này được Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/1 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. LQV bị án tù 4 năm. PVQ, LVT, THL, CLPV bị phạt 2 năm tù treo về tội tổ chức đánh bạc; LBH, HQA bị phạt 2 năm 6 tháng tù treo vì tội tổ chức đánh bạc.
Không chỉ cầu thủ mà trọng tài cũng "nhập kho" vì dàn xếp tỷ số trận đấu trong thời điểm 2004-2005. Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vào năm 2004, trọng tài Lương Trung Việt đã tham gia dàn xếp các trận đấu của đội Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina (NHĐA-TP).
Mô tả của báo chí lúc bấy giờ thì Nguyễn Tiến Huy, nguyên giám đốc điều hành đội NHĐA-TP; Vũ Tiến Thành, HLV phó đội NHĐA - TP và Lê Văn Cường, trưởng đoàn đội Cần Thơ, đã đưa tiền cho Lương Trung Việt để thổi có lợi cho 2 đội bóng này.
Trọng tài Việt sau đó rủ các trọng tài khác cùng tham gia như Trương Thế Toàn (nhận 12 triệu đồng), Phạm Hữu Lộc (nhận 15 triệu đồng), Lê Văn Tú (15 triệu đồng) và Hoàng Thế Dũng (35 triệu đồng).
Trọng tài Lương Trung Việt sau cùng bị kết án 7 năm tù về tội làm môi giới hối lộ, trong khi VKSND đề nghị 10-12 năm. Trọng tài Phạm Hữu Lộc, Trương Thế Toàn chịu án phạt 4 năm tù/người về tội nhận hối lộ.
Bị cáo Hoàng Thế Dũng (trọng tài cấp quốc gia) bị phạt 4 năm 6 tháng. Án tù treo 36 tháng được áp dụng với 2 bị cáo bị kết tội có hành vi đưa hối lộ: Lê Văn Cường và Vũ Tiến Thành.
Cầu thủ Việt Nam bán độ: Nhức nhối Ninh Bình
10 năm sau những vụ việc đáng buồn kể trên, năm 2014, bóng đá Việt Nam lại chứng kiến vụ các cầu thủ V.Ninh Bình bán độ.
Theo đó, ở trận thắng 3-2 trước chủ nhà Kelantan tại vòng bảng AFC Cup ngày 18/3/2014, 13 cầu thủ đá chính và dự bị của V.Ninh Bình thừa nhận đã nhận 800 triệu đồng để “làm độ” trong trận đấu này.
Sau đó vụ việc đã được đưa ra xét xử, với mức án cao nhất dành cho cầu thủ chủ mưu NMD là 3 năm tù. Các cầu thủ còn lại đều được nhận án treo.
Cũng trong năm 2014, Cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Nai đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc” đối với 10 đối tượng, trong đó có 6 cầu thủ thuộc CLB bóng đá Đồng Nai.
Sau khi có kết luật điều tra, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo PHP (27 tuổi, nguyên đội trưởng đội bóng Đồng Nai) 6 năm tù, các bị cáo Trần Văn Ba, Nguyễn Phúc Thuận nhận 3 năm tù cùng tội danh “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”.
Cùng tội danh “Đánh bạc”, Tòa án án cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 bị cáo khác 2 năm tù treo. Bị cáo Đinh Kiên Trung 2 năm 6 tháng tù treo. Riêng bị cáo Trần Đình Hải lãnh 1 năm 7 tháng 20 ngày tù.
Cầu thủ Việt Nam bán độ: Đau xót cầu thủ trẻ "dính chàm"
Ngày 12/5/2020, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra các quyết định từ số 142 đến 152 về việc kỷ luật 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp vì dính đến tiêu cực, ở trận U21 Đồng Tháp gặp U21 Vĩnh Long hôm 19/6/2019, tại vòng loại U19 QG 2019.
Theo đó, tiền vệ H.V.T thừa nhận cùng một số cầu thủ Đồng Tháp hùn nhau 150 triệu đánh cược trên mạng với hình thức xỉu (2 bàn trở xuống) và thắng 133 triệu đồng, chia cho nhiều cầu thủ trong đội. Tiền vệ này sau đó bị Ban kỷ luật VFF phạt 5 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm.
10 cầu thủ còn lại tham gia cá độ tại vòng loại U.21 quốc gia là N.N.T, N.A.P, V.M.T, L.N.H, G.S.N, T.H.N, C.T.H, D.V.L, K.T.T và T.C.M cùng bị đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá trong 6 tháng và phải nộp phạt số tiền 2,5 triệu đồng.
Án phạt sau đó còn có hiệu lực trên toàn thế giới, châu lục khi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) đều thống nhất với mức án mà VFF đưa ra.
Tiền vệ H.V.T sau đó đã gần như đoạn tuyệt với bóng đá. Còn T.C.M - tiền vệ đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam, cũng theo gia đình sang Mỹ, bỏ lại tương lai đầy tươi sáng.
Mới đây nhất, ngày 6/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 6 cầu thủ CLB bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu về tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc".
6 cầu thủ bị bắt tạm giam gồm: N.S.H. (SN 1994, trú tại tỉnh Đồng Tháp, vị trí thủ môn), L.B.G.H. (SN 2002, trú tại tỉnh Thanh Hoá, vị trí tiền vệ), P.V.P. (SN 2004, trú tại tỉnh Hải Dương, vị trí tiền đạo), N.Q.H. (SN 2004, trú tại tỉnh Đồng Nai, vị trí tiền vệ) về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”.
T.K.A (SN 2004, trú tại tỉnh Bến Tre, vị trí tiền vệ) về tội “Đánh bạc”; N.K.D (SN 2003, trú tại TP.Hồ Chí Minh) về tội “Tổ chức đánh bạc”.
Theo kết quả điều tra, trong trận đấu giữa CLB Bà Rịa-Vũng Tàu và CLB SHB Đà Nẵng thuộc khuôn khổ Giải hạng Nhất QG 2023 diễn ra ngày 24/12/2023, tại SVĐ Bà Rịa, 5 đối tượng N.S.H., L.B.G.H., P.V.P., N.Q.H. và T.K.A., đã bàn bạc thống nhất đá dưới sức.
Sau đó, các đối tượng này đặt cược cho CLB SHB Đà Nẵng thắng trên các website cá độ bóng đá. Kết quả trận đấu, CLB SHB Đà Nẵng thắng CLB Bà Rịa-Vũng Tàu với tỷ số 3-1.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, trong trận đấu giữa CLB Đồng Nai và CLB Bà Rịa-Vũng Tàu tại Cúp Quốc gia 2023 trên SVĐ Đồng Nai diễn ra vào ngày 24/11/2023, N.S.H., L.B.G.H., P.V.P., N.Q.H. và N.K.D. thỏa thuận thi đấu theo ám hiệu của 1 đối tượng (chưa rõ nhân thân lai lịch) trên khán đài để đá dưới sức, không tấn công ghi bàn.
Mục đích để CLB Bà Rịa-Vũng Tàu thua CLB Đồng Nai với tỷ số 0-2 để hưởng lợi tiền (bán độ). Sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ này được trả công số tiền 24 triệu đồng/người thông qua chuyển khoản ngân hàng.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục điều tra làm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.