Theo bà Mộc, Lê Anh Tú là học sinh giỏi suốt 12 năm. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà đã nhượng 2 sào ruộng để chuẩn bị tiền đi lại, ăn uống cho con dự thi và chuẩn bị trước để sau này cháu có đậu thì còn có tiền lo liệu. Chồng mất sớm, mình bà làm ruộng nuôi con ăn học hơn 10 năm qua.
|
Bố con anh Lê Thanh Dũng tại khu ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. X.T |
“Chiến trường cũng không sợ bằng con đi thi ĐH” - cựu chiến binh Đặng Nhật Đức (57 tuổi) ở Hoài Đức, Hà Nội, tâm sự. Ông Đức từng tham gia chống giặc ngoại xâm ở biên giới phía Bắc ở biên giới, sau chiến tranh ông về quê lập gia đình muộn và chỉ có cô con gái. Đây là lần đầu tiên ông đưa con đi thi ĐH, cảm giác rất vui nhưng cũng vô cùng hồi hộp và lo lắng. “Ngày xưa chúng tôi đi đánh giặc cũng không lo bằng lúc chờ con làm bài thi như thế này” - ông Đức tâm sự.
Anh Lê Thanh Dũng (44 tuổi, quê Quảng Trị) vì di chứng chất độc dioxin mà ngay khi còn nhỏ đôi chân anh đã bị tật khiến việc đi lại rất khó khăn. Dù vậy, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, anh vẫn lặn lội đưa cậu con trai đầu lòng vào Đà Nẵng dự thi với ước mong con mình có thể vào Trường ĐH Bách khoa.
Lê Thanh Nam con trai anh Dũng, cho biết vừa hoàn tất 3 môn thi, với hai môn toán, lý làm được khoảng 60%, môn hoá thì có khá hơn. Nam ngậm ngùi: “Ba em bảo ba không yên tâm khi không trực tiếp dẫn em đi thi nhưng quãng đường xa vừa rồi chắc chắn khiến đôi chân của ba thêm đau nhức. Sau mỗi buổi thi, về đến khu túc xá, nhìn thấy bóng dáng ba đang đứng cửa chờ, em không kìm được lòng, tự nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa”.
Anh Lê Thanh Dũng cho biết mình có 3 người con, gia cảnh rất khó khăn. Mọi trang trải đều đổ lên vai vợ, còn anh hàng ngày sửa xe ở nhà kiếm được đồng nào hay đồng đó. “Hai vợ chồng tôi đều thất học nên đành chịu cảnh nghèo, cảnh khổ. Nam là con trai đầu, thấy cháu rất có chí, ham học nên dù có khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng để cháu được ăn học đến nơi đến chốn…”.
Minh Nguyệt - Xuân Trang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.