Ninh Bình: Làm du lịch gắn với nông thôn mới

Minh Huệ Thứ hai, ngày 08/09/2014 07:14 AM (GMT+7)
Để phát huy tốt lợi thế về du lịch cũng như nâng cao đời sống người dân vùng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình đang chú trọng làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Du lịch đến đâu, việc làm đến đó

Quần thể danh thắng Tràng An trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường của TP.Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, với diện tích vùng lõi và vùng đệm hơn 12.000ha. Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Dương Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình cho biết, việc những hình ảnh, giá trị về di sản của Tràng An được UNESCO tôn vinh sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến với địa phương. “Điều này không chỉ thúc đẩy ngành du lịch phát triển, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng vùng di sản. Du lịch phát triển đến đâu, cơ sở hạ tầng, dịch vụ phát triển đến đó, vì vậy bà con trong vùng di sản sẽ có thêm việc làm, tăng thu nhập”.

Theo thống kê, chỉ riêng khu danh thắng Tràng An hiện đã có khoảng 3.000 lao động tham gia làm du lịch, với gần 1.500 người làm nghề chở đò, hơn 1.000 người tham gia bán hàng, ngoài ra còn có đội ngũ xe ôm, chụp ảnh... Tương tự, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động cũng có gần 2.000 người chở đò.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) đang chở đò tại Tam Cốc – Bích Động cho biết: “Mỗi chuyến đò chúng tôi được Ban quản lý khu danh thắng trả 80.000 đồng. Ngày thường, chúng tôi chở 1 chuyến, dịp lễ, cuối tuần thì chở 2 chuyến/ngày. Khi không có khách thì tranh thủ cấy hái, chăn nuôi nên lúc nào cũng có đồng vào đồng ra”.

Ông Nguyễn Minh Hiện - Chủ tịch UBND xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) phấn khởi cho biết: “Từ khi khu du lịch sinh thái Vân Long được đưa vào khai thác, toàn xã có khoảng 500 lao động làm dịch vụ du lịch trực tiếp như bán đồ lưu niệm, chở đò… Đặc biệt là với tour du lịch đồng quê, những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn cũng có thể tham gia như cho thuê xe trâu, xe đạp, cùng du khách ra đồng mò cua bắt ốc, gặt lúa... “Nhờ đó, Gia Vân không còn là xã nghèo mà đã vươn lên trở thành xã có tốc độ phát triển nhanh nhất huyện. Riêng bán vé du lịch, mỗi năm xã cũng thu trên 600 triệu đồng và một phần được trích ra để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất...” – ông Hiện nói.

Kết hợp với xây dựng NTM


Chị Nguyễn Thị Hiền
xã Ninh Hải (Hoa Lư)
 Ngày thường, chúng tôi chở 1 chuyến, dịp lễ, cuối tuần thì chở 2 chuyến/ngày. Khi không có khách thì tranh thủ cấy hái, chăn nuôi nên lúc nào cũng có đồng vào đồng ra.
 
Ông Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình cho biết, nhờ phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng, giao thông nhiều xã đổi thay nhanh chóng. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phát triển du lịch với xây dựng NTM. Ông Nguyễn Sỹ Trí – Bí thư Huyện ủy Hoa Lư cho biết: Sau hơn 3 năm, huyện đã xây dựng, nâng cấp gần 90km đường giao thông nông thôn; phát triển các nghề dịch vụ ở những xã trong vùng di sản như Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên... “Đến nay 10/10 xã của huyện đã đạt từ 7 – 16 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí/xã so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,28%” – ông Trí cho hay.

 

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Thanh cho biết: “Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch gắn với bảo vệ, giữ gìn di sản và xây dựng NTM. Hiện Ninh Bình đang triển khai một số lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nhằm giúp bà con chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, cũng như trang bị kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp hơn”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem