Ninh Bình: Lao động làm nghề chèo đò sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Ninh Bình: Lao động làm nghề chèo đò sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Vũ Thượng
Chủ nhật, ngày 29/08/2021 07:14 AM (GMT+7)
Nhiều tháng qua, dịch Covid-19 khiến du lịch tỉnh Ninh Bình "ngủ đông", khoảng 5.000 lao động chèo đò tại các khu, điểm du lịch lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Để giúp đỡ những lao động này, cơ quan chức năng đang hướng dẫn làm thủ tục xét duyệt để được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách trong nước cũng như nước ngoài đến tham quan tại các Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động (huyện Hoa Lư); Khu du lịch Đầm Vân Long (huyện Gia Viễn), tỉnh Ninh Bình giảm mạnh.
Đặc biệt, từ tháng 5/2021 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có thông báo tạm dừng hoạt động đón khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch dịch Covid-19. Qua đó, có khoảng 5.000 lao động làm nghề chèo đò phục vụ khách du lịch bị thất nghiệp.
Bà Phạm Thị Hoa (xã Yên Trường, huyện Hoa Lư) nói: "Tôi làm nghề chèo đò đưa khách đi tham quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An đã nhiều năm nay, bình quân những tháng đông khách tôi có thu nhập từ 4-6 triệu đồng. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Ninh Bình yêu cầu tạm dừng các hoạt động du lịch, chúng tôi ở đây coi như thất nghiệp".
"Gần 4 tháng nay, tôi hầu như ở nhà chăm sóc con cái, và thi thoảng cũng có người thuê gặt lúa, dọn vệ sinh…Tôi không ngần ngại, miễn có tiền lo cho gia đình hằng ngày là tôi làm", bà Hoa nói thêm.
Cùng cảnh thất nghiệp, nhân viên chèo đò Đinh Thị Hiền (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) cũng gặp nhiều khó khăn, nhân viên này mong ngóng từng ngày được đi làm trở lại để kiếm tiền mua sách, bút…cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới.
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hàng nghìn lao động chèo đò đưa khách đi tham quan du lại tại Ninh Bình càng lo lắng, cuộc sống, sinh hoạt của những lái đò ở đây lâm vào cảnh khó khăn, phải xoay đủ nghề để mưu sinh.
Lao động chèo đò sẽ sớm nhận hỗ trợ
Hiện nay, nghề chèo đò tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hoa Lư và Gia Viễn. Đa số lao động này hầu hết do các doanh nghiệp (chủ đầu tư các khu du lịch) quản lý và sắp xếp công việc.
Ông Lê Đức Mạnh-Trưởng phòng Phòng Lao động - Việc làm (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình) thông tin: "Số người làm nghề chèo đò trên được chia thành 2 nhóm, một là những chèo đò có ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hai là những người chèo đò làm việc không có hợp đồng với doanh nghiệp (lao động tự do)".
"Chính vì vậy khi lập danh sách thẩm tra để xét duyệt đề nghị hỗ trợ theo Nghị 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ được tách thành 2 nhóm riêng biệt", ông Mạnh nhấn mạnh.
Được biết, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư đã yêu cầu các xã trên địa bàn toàn huyện thực hiện lập danh sách lao động đang làm nghề chèo đò, xong trước ngày 31/8/2021. Các đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ sau thời gian trên, các xã tiếp tục tiếp nhận và tổ chức thẩm định theo quy định, chậm nhất đến hết ngày 15/1/2022.
"Để đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho lao động chèo đò, UBND huyện Hoa Lư đã đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình xác định rõ hình thức lao động của số lao động chèo đò tại các khu du lịch (có ký kết hợp đồng lao động hay không)", ông Phạm Văn Hoàn-Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.