Ninh Bình: Trồng loài cây trông như bèo tây, lãi 40-50 triệu/ha

Chủ nhật, ngày 02/02/2020 13:09 PM (GMT+7)
Cây trạch tả trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và một số xã ở Gia Viễn, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Năng suất cây trạch tả tại Ninh Bình đạt từ 2,5 – 3 tấn củ khô/ha, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng/ha.
Bình luận 0

Mô hình trồng cây trạch tả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là ý nghĩa, mục tiêu của dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” dùng cho sản phẩm củ trạch tả của tỉnh Ninh Bình” đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) và Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện trong 24 tháng qua.

img

Chị Phạm Thu Liên chăm sóc cây trạch tả tại xứ đồng Cửa Kho, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).

Cây trạch tả bắt đầu được trồng tại Ninh Bình từ năm 2006, tuy nhiên diện tích cây trạch tả tại tỉnh ta có sự biến động lớn qua các năm do ảnh hưởng của đầu ra sản phẩm không ổn định. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2017, diện tích cây trạch tả dao động từ 84,6 – 197 ha, trong đó năm 2015 diện tích cây trạch tả tại tỉnh đạt lớn nhất.

Trong năm 2017, toàn tỉnh Ninh Bình có diện tích trồng cây trạch tả khoảng 170 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và một số xã ở Gia Viễn, thành phố Ninh Bình. Năng suất cây trạch tả tại Ninh Bình đạt từ 2,5 – 3 tấn củ khô/ha, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng/ha. Nhận thức được giá trị và hiệu quả kinh tế cao của cây trạch tả mang lại, nhiều huyện của tỉnh đã vận động hội viên, nông dân mở rộng diện tích trồng cây trạch tả.

Để góp phần ổn định sản xuất cây trạch tả, các hợp tác xã nông nghiệp đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, kênh tiêu thụ chính sản phẩm trạch tả hiện nay là thương lái thu mua, do đó giá cả bấp bênh, vấn đề “được mùa, mất giá” ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư sản xuất của người dân.

Một số đơn vị đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trạch tả của tỉnh như Công ty Traphaco, HTX Thương mại Nghĩa Hưng (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh).

Cùng với đó, sản phẩm trạch tả hiện nay chưa thống nhất về mẫu mã, quy cách và chưa được gắn nhãn nên giá cả của sản phẩm không ổn định, các hộ sản xuất chưa áp dụng một quy trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.

Sản phẩm trạch tả Ninh Bình hầu hết không có dấu hiệu để phân biệt đã gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nhận diện, do đó việc lợi dụng thương hiệu trạch tả Ninh Bình diễn ra một cách dễ dàng và khó kiểm soát.

Thạc sỹ Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Chủ nhiệm dự án chia sẻ: Cây trạch tả thích nghi rộng ở điều kiện khí hậu, đất đai nhiều vùng.

Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ưa chân ruộng trũng có bùn sâu, nhiều màu (như chân ruộng chiêm, ven hồ, ao đầm). Cây trạch tả ít bị sâu bệnh, thời gian từ khi ươm giống đến khi thu hoạch từ 3 đến 4 tháng, rất thích hợp để trồng trên đất hai vụ lúa.

Do đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, cây trạch tả tại Ninh Bình sinh trưởng, phát triển tốt, cho chất lượng tốt nên được thị trường ưa chuộng. Điều rất quan trọng là hiện nay, chưa có một tổ chức tập thể nào đứng ra liên kết các doanh nghiệp và các hộ sản xuất trạch tả tại Ninh Bình để xây dựng thương hiệu chung.

Do đó, để góp phần phát triển kinh tế cho địa phương cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất trạch tả Ninh Bình đều mong muốn cùng xây dựng một thương hiệu chung “Trạch tả Ninh Bình”.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, việc thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” dùng cho sản phẩm củ trạch tả của tỉnh Ninh Bình” là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất cây trạch tả tại tỉnh Ninh Bình.

Phát triển sản xuất và kinh doanh trạch tả Ninh Bình một cách bền vững thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận, góp phần duy trì danh tiếng sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống người dân sản xuất, kinh doanh trạch tả. Nhóm thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” đã và đang hoàn chỉnh, cho nghiệm thu.

Đó là, tổ chức các cuộc Hội thảo hoàn thiện 1 bộ mẫu nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” được lựa chọn đảm bảo đầy đủ các dấu hiệu theo yêu cầu; lựa chọn mẫu logo chính thức; quy chế quản lý việc sử dụng. Tạo lập nhãn hiệu chung cho sản phẩm có các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Được biết, tổ chức chứng nhận đồng thời là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” – Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) là đơn vị có quyền quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo quy chế: cấp phép sử dụng, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để đảm bảo chất lượng, uy tín của sản phẩm, đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Việc sử dụng tem sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận phải đảm bảo nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo vệ uy tín, danh tiếng của sản phẩm cũng như bảo đảm việc kiểm soát tiêu chí chứng nhận.

Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình” dùng cho sản phẩm củ trạch tả của tỉnh Ninh Bình” không chỉ góp phần nâng cao thương hiệu nông sản của địa phương, đồng thời đẩy mạnh phát triển mở rộng vùng sản xuất nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình”.

Minh Đường (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem