Tình trạng cho vay tín dụng đen bùng phát với lãi suất cắt cổ đã gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng trong xã hội trong thời gian qua.
Vấn đề này tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội khi báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019 đã triệt phá được 933 băng nhóm loại tội phạm này, giảm không nhiều so với năm 2018. Điều rất đáng quan tâm là trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đến năm 2018 thì chỉ 34 vụ bị xử cho vay nặng lãi, chiếm 2%, tức là rất ít.
Thực tế này đã khiến cho biết nhiều cử tri ngày càng lo lắng về tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Hiểu đúng về chương trình 5.000 tỷ “sáng vay, chiều nhận” của Agribank
Trước đó, tại nhiều hội nghị Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận: “Thời gian qua, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.
Một loạt kế hoạch hành động của ngành nhằm triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần ngăn chặn tín dụng đen đã được ngành ngân hàng triển khai. Trong đó, gói chương trình cho vay 5.000 tỷ “sáng vay, chiều nhận” của Agribank theo chỉ đạo của Phó Thống đốc Đào Minh Tú được đón nhận một cách tích cực.
Với thủ tục nhanh chóng, ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày, đảm bảo thời gian thẩm định cho vay được rút ngắn, cụ thể: đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng), thời gian sử dụng vốn ngắn hạn và chứng minh được nguồn trả nợ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Agribank căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, nguồn thu nhập của khách hàng, quy định về giải ngân để áp dụng phương thức cho vay, giải ngân linh hoạt, phù hợp đối với các mục đích đã thẩm định, hợp đồng tín dụng đã ký như thấu chi tài khoản thẻ ghi nợ nội địa, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ…
Tính đến 30/04/2019, sau 4 tháng triển khai chương trình, Agribank đã đạt được một số kết quả tích cực với doanh số cho vay đạt 471 tỷ đồng với 21.795 khách hàng, tập trung chủ yếu vào các nhu cầu về mua sắm vật dụng sinh hoạt; sửa chữa nhà ở; mua, sửa chữa phương tiện phục vụ đi lại; học tập, du lịch, chữa bệnh và các nhu cầu tiêu dùng hợp lý khác.
Nói về gói chương trình cho vay 5.000 tỷ của Agribank, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, gói chương trình 5.000 tỷ “sáng vay, chiều nhận” của Agribank bản chất là gói vay tiêu dùng – một sản phẩm của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm tiêu dùng trị giá nhỏ, tối đa chỉ lên tới 30 triệu đồng nên các thủ tục cho vay được Agribank cắt giảm bớt nhằm cho vay kịp thời trong ngày.
Bà Nguyễn Thị Phượng nói. “Việc ngân hàng tung ra chương trình cho vay 5.000 tỷ hoàn toàn không phải cho vay để xóa tín dụng đen hay chặn đứng tín dụng đen. Đó là một cách hiểu lệch lạc”.
Theo vị lãnh đạo của Agribank, tín dụng đen gắn với tội phạm. Tội phạm gắn với tệ nạn xã hội ở nông thôn. “Cách nào để chặn tín dụng đen? Đó là sự phối hợp của ngành công an, của ngành ngân hàng và các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý tệ nạn xã hội gắn với tội phạm. Nếu ngân hàng cứ cung tiền ra để xóa tín dụng đen thì không bao giờ làm được mà có khi còn làm gia tăng nguy cơ tội phạm ở vùng nông thôn”, Phó Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh.
“Điểm cộng” trong cuộc chiến tín dụng đen tại vùng đất “sa mạc”
Chống tín dụng đen luôn được nhìn nhận là cuộc chiến gian nan. Đối tượng mà loại hình này hướng đến là những người chưa đủ điều kiện để vay ngân hàng, những người còn thiếu tài sản thế chấp, thiếu phương án đầu tư,… Cho nên, tín dụng đen là đối tượng cả nước, các ngành, địa phương phải “chiến đấu”. Nhưng với vùng đất “sa mạc” Ninh Thuận, công tác chống tín dụng đen đang được Agribank triển khai có hiệu quả.
Ông Đinh Xuân Sơn, Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho biết, cánh cửa với tín dụng đen trên địa bàn Ninh Thuận đang “nhỏ lại” bởi thời gian vừa qua, tất cả các chi nhánh của Agribank trên địa bàn đều tích cực cho vay hình thức ủy thác thông qua các hội, đoàn thể các tổ vay vốn tại từng địa phương.
Ngân hàng còn triển khai xe tín dụng lưu động đến từng xã, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng ở các vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Mô hình cho vay lưu động được Agribank triển khai trên toàn quốc
Đáng chú ý, ngay trong những tháng đầu năm nay, bám sát chủ trương của toàn hệ thống, Agribank Ninh Thuận cũng đã tích cực triển khai gói chương trình 5.000 tỷ “sáng vay chiều giải ngân” nhằm hỗ trợ người dân nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn.
Hiện tại trên địa bàn Ninh Thuận đã có 102 hộ vay với 5,7 tỷ đồng dư nợ. Đáng nói, hiện tượng tín dụng "cột điện" tại Ninh Thuận đã không còn xuất hiện. Người dân cũng đã giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen bởi nhu cầu cấp thiết đã phần nào được Agribank đáp ứng.
Trong một cuộc thực tế mới đây của nhóm phóng viên tại địa bàn Ninh Thuận, trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhiều người dân vùng đất “sa mạc” này đều nhận thức được những rủi ro do tín dụng đen mang lại. Chính vì vậy, với những nhu cầu chính đáng và cấp thiết, người dân nơi đây đều tìm đến Agribank thông qua các tổ vay vốn hay như hội phụ nữ, hội nông dân…
“Vay của Agribank dễ lắm, rẻ nữa. Vay tín dụng đen, vay 1 trả 10, nông dân làm sao chịu nổi, làm sao có tiền để trả. Rồi người ta đi vô đi ra nhà mình thì phải làm sao? Làm sao làm ăn được”, một khách hàng của Agribank trên địa bàn cho hay.
Khách hàng đến trả lãi tại Agribank Ninh Thuận
Cũng phải nói thêm rằng, cuộc chiến với tín dụng đen sẽ không thể phát huy được hết hiệu quả nếu như chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu chính đáng vay vốn, thục tục vay thuận lợi…
Với Ninh Thuận, cán bộ, nhân viên của Agribank trên khắp các địa bàn này đều phải nghiêm túc tuân thủ quy định: Cán bộ tín dụng không quan hệ bẳng bất cứ hình thức nào với tín dụng đen hay cho vay dưới bất cứ hình thức nào ngoài tín dụng qua kênh chính thức.
Đồng thời, cán bộ tín dụng buộc phải hiểu khách hàng của mình. Nếu có đối tượng khả nghi hoạt động tín dụng đen (bao gồm cả là khách hàng của ngân hàng) đều báo với cơ quan công an để theo dõi và có hướng xử lý phù hợp.
Ngoài ra, Giám đốc Agribank Ninh Thuận thông tin thêm, thời gian qua, đối tượng hoạt động tín dụng đen ngoài bắc vào Ninh Thuận phát triển tín dụng đen cũng đã phần nào bị hạn chế bởi lực lược công an Ninh Thuận đã quyết liệt khoanh vùng, giám sát các hoạt động của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu khả nghi, liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, gây bất ổn đến đời sống xã hội của người dân vùng nông thôn.
Đến nay, Ninh Thuận đang được xem như một điểm sáng trong cuộc chiến với tín dụng đen.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.