Ninh Thuận: Cấm tàu thuyền ra khơi để phòng chống bão số 4 – Noru

Đức Cường Thứ hai, ngày 26/09/2022 22:18 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (Noru) có thể ảnh hưởng đến tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh này đã chỉ đạo công tác ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ”, đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển từ 18 giờ ngày 26/9.
Bình luận 0

Tối 26/9, nguồn tin Dân Việt cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có công điện khẩn 4205 gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 4 (Noru)  trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

 Cấm tàu thuyền ra khơi phòng chống bão 

Ninh Thuận: Cấm tàu thuyền ra khơi để phòng chống bão số 4 – Noru - Ảnh 1.

Tàu cá vào tránh bão tại cảng cá Đông Hải. (Ảnh: Đức Cường)

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4-Noru.

Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở NNPTNT, Chi cục thuỷ sản, Ban Quản lý khai thác các cảng cá, UBND các thành phố ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú an toàn theo quy định. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 18 giờ ngày 26/9/2022 để đảm bảo an toàn.

Tính đến 16 giờ ngày 26/9, đã có 1.630 phương tiện tàu thuyền vào neo đậu an toàn tại 4 cảng cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để trú bão. Trong đó, có 1.504 phương tiện tàu thuyền trong tỉnh và 126 phương tiện ngoài tỉnh.

Trước đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu nạn cứu hộ tỉnh Ninh Thuận cũng đã thông báo và kêu gọi 352 phương tiện với trên 2.000 lao động đang hoạt động ven bờ và trên 300 phương tiện gần 3.000 lao động đang hoạt động vùng biển ngoài tỉnh để hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn.

Chủ động trong công tác phòng chống bão

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận cảnh báo: Trong 24 giờ tới, vùng biển ngoài khơi tỉnh Ninh Thuận, có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10. Từ trưa mai (27/9) vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, cấp 10; sóng biển cao 3.0-5.0m; biển động mạnh. Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều 27/9, khu vực ven biển có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ninh Thuận: Cấm tàu thuyền ra khơi để phòng chống bão số 4 – Noru - Ảnh 3.

Ninh Thuận yêu cầu tàu thuyền không ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển từ 18 giờ ngày 26/9/2022 (Ảnh: Đức Cường)

Để chủ động phòng chống bão số 4, trước đó UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có công điện số 4179 gửi các sở ban ngành và UBND các huyện thành phố về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 4 trên địa bàn.

Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả theo phương châm "Bốn tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản vào bờ an toàn.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng yếu, có khả năng bị ảnh hưởng khi bão tiến vào đất liên. Đồng thời, đảm bảo an toàn tại các khu vực hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Bình Thuận: đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, thủy điện

Ngày 26/9, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh và kết nối trực tuyến với các huyện Phú Quý, Tuy Phong và thị xã La Gi về công tác phòng tránh, ứng phó với bão số 4 (Noru).

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các huyện Phú Quý, Tuy Phong, thị xã La Gi, đến thời điểm này các địa phương đã lên kế hoạch di dời các hộ dân ở các điểm xung yếu, ven biển; cắt tỉa cây xanh trên các trục đường chính. Vận động nhân dân không tự ý chặt cây xanh mà chỉ cắt tỉa cành bảo đảm an toàn. Mặt khác, huy động, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng 4 tại chỗ khi có yêu cầu…

Ông Dương Văn An- Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu Ban chỉ huy PCTTT và TKCN tỉnh, các sở ngành liên quan, địa phương ven biển thông báo đến ngư dân, tàu thuyền tìm cách trú tránh bão số 4. Đồng thời, có phương án di dân về nơi an toàn, có phương án chằng chống nhà cửa, các công trình xây dựng...

Đặc biệt, là chủ động tập trung các phương án về đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, thủy điện khi mưa lớn. Riêng huyện Phú Quý, khi bão đi vào, đây là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Trong đó, chú ý ngư dân ở các vùng có bão đi qua, cần quay trở về neo đậu tàu thuyền an toàn. Ngoài ra, ở các khu vực sạt lở, kho xỉ than, cần có biện pháp canh phòng, đảm bảo an toàn, chống xói lở. Song song, đề nghị lực lượng vũ trang chủ động tổ chức lực lượng, sẵn sàng giúp dân khi có tình huống, như hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, mái tôn, kéo thuyền thúng lên. Khi neo đậu tàu thuyền, cần đảm bảo dòng chảy để tránh thiệt hại về tài sản nhân dân.

Thông tin mới nhất, toàn tỉnh hiện có 368/3.194 lao động hoạt động xa bờ. Dự kiến đến 10 giờ sáng 27/9, có khoảng 300 phương tiện sẽ vào neo đậu tránh trú bão tại các cảng trong và ngoài tỉnh. Phương tiện ngoài tỉnh đang neo đậu trong tỉnh là 100/940 lao động. Phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các cảng trong tỉnh 52/245 thuyền viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem