Ninh Thuận công bố dịch TCM: Bộ Y tế vẫn... chờ

Thứ tư, ngày 09/11/2011 15:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 7.11, tỉnh Ninh Thuận đã chính thức công bố dịch tay chân miệng (TCM) trên địa bàn. Sau Ninh Thuận, khả năng sẽ có một số tỉnh, thành cũng công bố dịch.
Bình luận 0

Chia sẻ gánh nặng

Tới thời điểm này, Ninh Thuận đã phát hiện 471 trường hợp mắc TCM, 3 trường hợp tử vong. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các địa phương, nhiều nhất là ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm. Các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc… cũng rải rác có bệnh nhân.

img
Khám và điều trị bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).

So với các tỉnh khác, số ca mắc TCM và tử vong của Ninh Thuận còn ở mức thấp (nhiều tỉnh khác, số ca mắc lên tới 5.000-10.000 bệnh nhân) nhưng đã công bố dịch.

Về điều này, ông Lê Minh Định - Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận lý giải: “Dịch TCM xuất hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ tháng 1.2011, từ tháng 7 trở đi dịch bắt đầu bùng phát mạnh. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền và phòng dịch, song cho đến giờ dịch bệnh không hề giảm mà tiếp tục tăng đột biến”.

Ông Định cũng thừa nhận: “Dịch bệnh phát triển nhanh, vượt quá dự báo ban đầu và khả năng kiểm soát của ngành y tế tại nhiều địa phương. Do vậy, nếu không công bố dịch thì số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh và gây ra những hậu quả khôn lường”.

Sau Ninh Thuận, TP.HCM nhiều khả năng cũng sẽ công bố dịch. Trao đổi với NTNN, bác sĩ Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Sở Y tế cũng đang đề nghị thành phố công bố dịch bởi số người mắc vẫn tăng cao, trong đó nhiều ca tử vong.

Ông Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho rằng, những vùng như khu vực nhà trọ, khu lao động và khu chế xuất công nghiệp với điều kiện vệ sinh kém là những nơi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao, vì thế cần nâng cao ý thức của người dân và tuyên truyền mạnh cho đối tượng này.

Nhiều điểm nóng vẫn chưa công bố

Ngược lại với Ninh Thuận, TP.HCM, Bộ Y tế vẫn chưa hề có động thái gì tích cực. Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trước đó thì: “Theo luật, dịch bệnh nhóm B chỉ được Bộ công bố khi có 2 tỉnh trở lên công bố dịch”.

Trao đổi với NTNN chiều 8.11, ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Cục vẫn theo dõi và chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong cả nước. Theo luật, quyền công bố dịch thuộc về các tỉnh”.

Về việc Ninh Thuận không phải là điểm “nóng” của dịch bệnh TCM, bệnh chỉ xuất hiện ở 54/65 xã phường mà tỉnh vẫn công bố dịch, ông Bình lý giải: “Không cứ là số người mắc bao nhiêu, tử vong thế nào, tuỳ từng tình hình dịch bệnh, khả năng ứng phó, tốc độ gia tăng… cụ thể của từng địa phương mà địa phương ấy có quyền quyết định công bố dịch ở cấp xã, cấp huyện, hay cấp tỉnh”.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong vòng gần một tháng qua (từ 17.10-7.11), cả nước đã ghi nhận thêm gần 5.000 trường hợp mắc mới bệnh TCM với 5 ca tử vong; nâng tổng số người mắc trong cả nước lên 76.121 tại 63 tỉnh, thành và 135 ca tử vong.

Khi được hỏi về sự hỗ trợ ngành dọc đối với địa phương công bố dịch, ông Bình cho biết: Hiện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã nhận được công văn của Sở y tế Ninh Thuận về vấn đề này. Bộ cũng đã chỉ đạo Cục tăng cường giám sát thông tin, hỗ trợ cả về trang thiết bị lẫn thuốc thang và kinh phí để khống chế và dập dịch tại tỉnh này.

Nhìn từ góc độ chuyên gia, ông Viên Quang Mai – Viện phó Viện Pasteur Nha Trang thì cho rằng: “Trong khi nhiều điểm “nóng” về số mắc và tử vong do bệnh TCM chưa công bố dịch thì việc tỉnh Ninh Thuận công bố dịch có thể được xem là một động thái tích cực, khiến các địa phương khác phải nhìn nhận lại công tác phòng chống dịch của mình trong thời gian vừa qua”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem