Ninh Thuận: Vào tận vùng miền núi tuyên truyền bầu cử bằng miệng cho bà con dân tộc Raglai không biết chữ

Quang Đăng Thứ tư, ngày 19/05/2021 06:58 AM (GMT+7)
Các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đang hoàn tất các bước cuối cùng cho cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt hướng đến những vùng miền núi khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống.
Bình luận 0

Những ngày trung tuần tháng 5/2021, ghi nhận của PV Dân Việt tại huyện miền núi Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) cho thấy, trên các tuyến đường trung tâm huyện được trang trí cờ hoa rực rỡ. Hệ thống phát thanh liên tục tuyên truyền về luật bầu cử và thông tin các ứng cử viên tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bà con dân tộc Raglai háo hức chờ ngày bầu cử 

Từ rẫy trở về, bà Pi Năng Thị Chiêu cùng các chị em khác là Pi Năng Thị Hoàn, Pi Năng Thị Nguyễn (dân tộc Raglai) cùng trú thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại đến theo dõi bảng niêm yết thông tin các ứng viên tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp tại điểm bầu cử số 2 của thôn.

Người dân tộc Raglai và Chăm ở Ninh Thuận háo hức chờ ngày bầu cử 23/5 - Ảnh 1.

Cử tri là đồng bào dân tộc Raglai phấn khởi, tìm hiểu thông tin các ứng viên bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Quang Đăng

Bà Pi Năng Thị Chiêu cho biết, trước đây cả tuần đã được cán bộ xã đến nhà tuyên truyền về cuộc bầu cử. Nhờ đó bà hiểu rõ việc tham gia bầu cử vừa thể hiện trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của mình.

"Mình đi bỏ phiếu để tìm người tài giỏi, giúp ích cho đất nước. Nước mạnh nhà mình mới giàu. Mình mong các đại biểu trúng cử cần quan tâm đến phát triển kinh tế ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi. Hỗ trợ nguồn vốn chính sách để nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, nông dân là dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương...", bà Chiêu bộc bạch.

Người dân tộc Raglai và Chăm ở Ninh Thuận háo hức chờ ngày bầu cử 23/5 - Ảnh 2.

Các điểm bầu cử ở huyện khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận cũng đã được trang trí cờ hoa, đảm bảo gọn gàng, trang trọng và tạo khí thế sôi nổi ngày bầu cử toàn dân. Ảnh: Quang Đăng

Theo UBND huyện Bác Ái, toàn huyện có 10 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, trong đó dân tộc Raglai chiếm trên 87%. Để phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia công tác bầu cử của đồng bào các dân tộc thiểu số, hội đồng bầu cử huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú. Toàn huyện có gần 20.000 cử tri tham gia bỏ phiếu tại 52 khu vực trên địa bàn 9 xã. Các địa phương đang tập trung trang trí, sắp xếp các địa điểm bỏ phiếu đảm bảo trang trọng, rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Bên cạnh đó là làm tốt công tác an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19 cho ngày bầu cử sắp diễn ra.

Người dân tộc Raglai và Chăm ở Ninh Thuận háo hức chờ ngày bầu cử 23/5 - Ảnh 3.

Ở huyện Bác Ái, cán bộ làm công tác bầu cử được cử đến tận nhà để tuyên truyền cho cử tri là người mù chữ, người cao tuổi nhằm đảm bảo công tác thông tin được rõ ràng, chính xác. Ảnh: Quang Đăng

Ông Chamale Hà, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Phước Đại (huyện Bác Ái) cho biết, cứ vào các buổi sáng sớm, buổi trưa và chiều tối hệ thống loa truyền thanh ở thôn và xã sẽ liên tục thông tin về bầu cử để giúp bà con theo dõi, nắm bắt thông tin. Đồng thời, các tổ bầu cử thường xuyên cử cán bộ trực tại khu vực niêm yết thông tin ứng cử viên để đọc thông tin cho những cử tri không biết chữ nghe và tới tận nhà tuyên truyền bằng miệng cho những cử tri cao tuổi nắm rõ thông tin người ứng cử...

Ngoài ra, Đặc thù ở địa phương thuần nông có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bác Ái là bà con làm nông ở các vùng núi cao, cách xa nhà ở nên thường đi làm rất sớm, có khi ở lại rẫy hai, ba ngày mới về nên cán bộ phải đến tận nhà để tuyên truyền và lấy thông tin làm thẻ cử tri cho bà con.

Dân cùng góp tiền xây hội trường mới để bầu cử

Trong căn hội trường mới khang trang để chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới, Ban quản lý thôn Thành Ý, xã Thành Hải (TP. Phan Rang–Tháp Chàm) đã hoàn thiện các bước cuối cùng chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Người dân tộc Raglai và Chăm ở Ninh Thuận háo hức chờ ngày bầu cử 23/5 - Ảnh 4.

Trụ sở mới khang trang được xây dựng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trang trí cờ hoa rực rỡ chờ ngày bầu cử 23/5. Ảnh: Quang Đăng

Chia sẻ với PV, trưởng thôn Châu Kim Mỹ (người Chăm) cho biết, ngay trước thềm ngày bầu cử diễn ra, bà con trong thôn rất phấn khởi vì trụ sở sinh hoạt cộng đồng mới xây đã hoàn thiện khang trang. Trước đó, được sự đồng thuận từ các cấp chính quyền và người dân, Ban quản lý thôn Thành Ý đã khởi công xây dựng trụ sở mới trên 300 triệu đồng với phương châm nhà nước và người dân cùng làm. Hội trường mới xây dựng kiên cố có tổng diện tích gần 100 mét vuông được nhà nước hỗ trợ xây dựng trên 80 triệu đồng, còn lại là do người dân trong thôn cùng đóng góp.

Người dân tộc Raglai và Chăm ở Ninh Thuận háo hức chờ ngày bầu cử 23/5 - Ảnh 5.

Cử tri người Chăm mong muốn phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển. Ảnh: Quang Đăng

Có mặt tại điểm bầu cử số 4 là trụ sở mới xây được trang trí cờ hoa rực rỡ, "già làng" Kiều Quéo (người Chăm) hồ hởi: "Người Chăm thôn Thành Ý chúng tôi rất vui vì ngôi nhà chung vừa mới được xây dựng xong, trang trí rực rỡ cờ hoa, chuẩn bị cho ngày hội bầu cử trọng đại của đất nước. Tôi mong muốn mỗi đại biểu trúng cử sẽ cống hiến hết tài đức vì nhân dân, làm sao phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa quê hương Ninh Thuận nói riêng ngày càng đi lên, đất nước ta mới ngày càng phát triển…"

Người dân tộc Raglai và Chăm ở Ninh Thuận háo hức chờ ngày bầu cử 23/5 - Ảnh 6.

Bà con người Chăm ở thôn Thành Ý nói riêng và dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nói chung háo hức hướng tới ngày bầu cử. Ảnh: Quang Đăng

Tho UBND xã Thành Hải, thôn Thành Ý có đông đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn (gần 400 hộ/1.925 khẩu). Trong đó, có 1.230 cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 4 trên địa bàn thôn.

Trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập 513 ban bầu cử tại các đơn vị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, gồm: 2 Ban bầu cử Quốc hội, 12 Ban bầu cử cấp tỉnh, 58 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 441 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 460 tổ bầu cử, với số cử tri là 475.021.

img

Ninh Thuận rực rỡ cờ hoa, chào mừng ngày bầu cử toàn dân nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Quang Đăng

Đã hoàn thành việc phê chuẩn khu vực bỏ phiếu tại 65/65 xã, phường, thị trấn. Từ đó, UBND cấp xã đã thành lập 460 tổ bầu cử theo đúng Luật định. Cụ thể, huyện Ninh Phước có 73 tổ; Thuận Nam có 48 tổ; Ninh Sơn có 63 tổ; Bác Ái có 52 tổ; Ninh Hải có 70 tổ, Thuận Bắc có 48 tổ và TP. Phan Rang - Tháp Chàm có 106 tổ.

Ủy ban MTTQVN các cấp tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hoàn thành 88 cuộc tiếp xúc và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng đông đảo của gần 7.000 lượt cử tri trong tỉnh. Thông qua đó, đã có trên 450 lượt cử tri tham gia đóng góp ý kiến tại các buổi tiếp xúc giữa cử tri và những người ứng cử. Tỉnh Ninh Thuận đã sẵn sàng, đảm bảo công tác bầu từ ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn sắp tới.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem