Ninh Thuận: Dân khổ vì dự án chăn nuôi bò cao sản sau 5 năm vẫn nằm trên giấy
Ninh Thuận: Dân khổ vì dự án chăn nuôi bò cao sản sau 5 năm vẫn nằm trên giấy
Quang Đăng - Như Phương
Thứ sáu, ngày 16/04/2021 07:21 AM (GMT+7)
Qua đường dây nóng Báo NTNN/Dân Việt, nhiều nông dân ở tỉnh Ninh Thuận phản ánh dự án trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò với quy mô 180 tỷ đồng được tỉnh Ninh Thuận cấp phép từ năm 2016 đến nay vẫn nằm trên giấy.
Theo tìm hiểu của PV, dự án do công ty TNHH chăn nuôi Việt Úc -Thuận Nam (địa chỉ thôn 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) làm chủ đầu tư và vị trí quy hoạch tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận).
Sau khi cùng chính quyền địa phương kiểm kê, đo đạc diện tích đất cần thu hồi của 69 hộ dân để thực hiện dự án, đến nay chủ đầu tư "vẫn án binh bất động".
Dẫn chúng tôi khảo sát vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, ông Thập Tấn, người có gần 10ha đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án ở xã Nhị Hà cho hay, suốt từ năm 2016 đến nay phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình ông gần như bỏ hoang.
Chừng ấy thời gian gia đình ông chỉ dám sản xuất cầm chừng chứ không dám đầu tư, mở rộng như thời điểm trước đó.
Theo lời ông Tấn, trước năm 2015 khi mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình ông đang phát triển ổn định thì nghe thông tin về quy hoạch đất để thực hiện dự án bò sữa Việt-Úc.
Đến năm 2016, chủ đầu tư dự án cùng chính quyền địa phương đã tiến hành đo đạc và kiểm đếm tài sản trên đất nên gia đình. Từ đó, gia đình ông không dám trồng thêm cây gì nữa vì chính quyền địa phương yêu cầu giữ yên chờ bàn giao đất cho nhà đầu tư.
Thế nhưng từ đó đến nay đã gần 5 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của gia đình ông và 68 hộ khác cùng bị ngưng trệ, cuộc sống cũng rơi vào khó khăn.
Hiện hơn 200 con cừu vẫn phải ở trong cái chuồng chật hẹp, không thể sửa chữa hay xây dựng mới thêm.
"Họ đã kiểm đếm xong, nếu tự ý sửa chữa thì sau này không được đền bù. Còn không sửa chữa, nâng cấp thì chịu cảnh chăn nuôi chật chội, nhà ở dột nát, nứt nẻ. Bởi vậy, người dân vẫn chúng tôi "sống mòn" trên đất của mình...", ông Tấn thở dài.
Theo ghi nhận của PV, toàn bộ đất tại khu vực thực hiện dự án đa phần đang bỏ hoang, chỉ một số hộ trồng trọt nhỏ với các cây trồng chủ yếu như bo bo. Đất sản xuất đang dần bạc màu do nhiều năm liền không sản xuất.
Đưa tay chỉ về phía mảnh đất của gia đình nằm trong diện tích thu hồi, ông Bá Văn Vanh (nhà ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) cho hay, trước đây toàn bộ diện tích đất 1,3ha của ông được sử dụng vào việc chăn nuôi. Tuy nhiên từ ngày công bố quyết định thực hiện dự án ông không dám đầu tư gì thêm.
Đã gần 5 năm nay dự án vẫn không thực hiện, bản thân ông phải chuyển sang làm thuê bằng nhiều nghề khác nhau để kiếm kế sinh nhai, hiện phải thuê phòng trọ để tìm kiếm việc làm phù hợp ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm.
Theo ông Vanh, khi chính quyền địa phương công bố quyết định thực hiện dự ánbò thịt, bò sữa cao sản tại khu vực này thì nông dân ai nấy đều đồng tình, sẵn sàng tham gia dự án với hy vọng sẽ có việc làm.
Thế nhưng, đến nay gần 5 năm vẫn không thấy nhà đầu tư thực hiện dự án, đất đai bị bỏ hoang.
"Nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án thì nên xóa bỏ quy hoạch để trả lại đất cho nông dân sản xuất. Còn nếu tiếp tục thực hiện dự án thì cũng nên sớm triển khai công tác đền bù, để người dân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống…", ông Vanh bức xúc.
Chậm triển khai dự án 5 năm… do dịch covid-19
Theo tìm hiểu của PV, dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò nói trên được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 334/QĐ-UBND ngày 26/8/2016.
Theo đó, dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động trong vòng 28 tháng kể từ ngày ký Quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án được quy định theo 7 mốc thời gian.
Cụ thể, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục liên quan để đủ điều kiện khởi công dự án (8/2016 đến 1/2017); Khởi công dự án (2/2017); Xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò (2/2017); Hoàn thành xây dựng nhà điều hành, nhà ở công nhân và khu chuồng trại (3/2017 đến 8/2017); Hoàn thành xây dựng xưởng chế biến thức ăn gia súc, khu xử lý chất thải và các công trình phụ trợ (9/2017 đến 12/2017); Tiến hành nhập khẩu bò từ Úc (1/2018) và Hoàn thành xây dựng nhà máy giết mổ gia súc (2/2018 đến 11/2018).
Tính đến thời điểm đầu tháng 4/2021, khu vực 300ha thực hiện dự án nói trên vẫn là "đồng không mông quạnh".
Ông Lê Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) cho biết, địa phương cũng đã phối hợp thực hiện xong việc xét nguồn gốc đất, đã tổ chức kiểm kê đất, các tài sản trên đất, tổ chức niêm yết công khai tại UBND xã và bà con cũng đã thống nhất.
Địa phương cũng thường xuyên liên hệ với chủ đầu tư, hối thúc việc thực hiện dự án. Một là làm, hai là không để địa phương có hướng thông tin tuyên truyền lại cho người dân nhưng chưa có kết quả…
Qua trao đổi, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, xác nhận đến nay dự án vẫn chưa tổ chức khởi công xây dựng.
Cũng theo ông Hoàng thông tin thì dự án này cũng đã một lần được UBND tỉnh chấp thuận việc giãn tiến độ thực hiện dự án đến 3/2020. Tuy nhiên đến nay sau hơn một năm giãn tiến độ thì dự án vẫn chưa khởi công.
"Theo báo cáo của nhà đầu tư thì tiến độ dự án chậm là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác bồi thường, mặt khác toàn bộ diện tích đất của người dân nằm trong khu vực dự án không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên công ty không thể thỏa thuận, dẫn đến tiến độ kéo dài… ", ông Hoàng thông tin.
Để có thông tin đa chiều, PV Dân Việt đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư qua điện thoại nhưng không ai nghe máy, sau đó không liên lạc được.
Được biết dự án trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa cao sản và xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò là một trong các dự án mà UBND tỉnh Ninh Thuận chấp Thuận chủ trương đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh này từ tháng 8/2016.
Dự án với quy mô lưu đàn vỗ béo từ 20.000 đến 30.000 con bò giống Brahman. Ngoài ra dự án còn xây dựng các hạng mục khác gồm nhà máy giết mổ gia súc (300 con/ngày), nhà văn phòng điều hành, xưởng chế biến thức ăn gia súc, nhà ở công nhân, khu xử lý chất thải và các công trình phụ trợ khác trên diện tích 300ha.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có nhiều ưu đãi đối với nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn. Cụ thể, dự án sẽ được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản trong 3 năm, miễn tiền thuê đất kể từ ngày hoàn thành đi vào hoạt động đối với diện tích đất thuê để thực hiện dự án trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc tập trung.
Ngoài ra, dự án còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.