Giảm diện tích để nâng chất lượngTrong khi thực hiện loạt bài về muôn kiểu “ăn mòn” rừng ở Sơn La (xem NTNN số ra ngày 4.12), phóng viên NTNN đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi, với những cán bộ kiểm lâm, người dân, chính quyền sở tại của tỉnh Sơn La để tìm câu trả lời: Giải pháp nào bảo vệ và phát triển vốn rừng hữu hiệu?
Người dân bản Phiêng Ban, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) tham gia trồng rừng.
Theo ông Sòi Ngọc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La, Chi cục vẫn đang nỗ lực hết mình để bảo vệ rừng bằng nhiều cách như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, chính quyền xã, bản tích cực bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát những điểm nóng thường có thông tin về vi phạm lâm luật; tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành để bảo vệ rừng; giải ngân nhanh chóng những khoản phí bảo vệ rừng, trồng rừng...
Tuy vậy, hiện tượng xâm hại rừng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. “Một trong những giải pháp mà chúng tôi hướng tới là tham mưu với tỉnh để quy hoạch lại theo hướng giảm diện tích rừng nhằm dành ra một phần đất rừng không hiệu quả để người dân có thêm đất sản xuất. Bù lại, với diện tích rừng còn lại sau quy hoạch mới sẽ được đầu tư để nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ, trữ lượng gỗ, muông thú…” - ông Dũng cho hay.
Chủ tịch huyện Phù Yên Đặng Ngọc Quang nói: “Người dân vùng rừng hiện nay hầu hết sống rất khó khăn, đa phần là bà con các dân tộc thiểu số. Nếu có thể điều chỉnh quy hoạch lại rừng để tăng diện tích sản xuất cho dân, đảm bảo đời sống người dân bảo vệ rừng thì chắc chắn dân sẽ bảo vệ rừng tốt hơn nhiều”.
Còn ông Nguyễn Công Nghiêm - Giám đốc Lâm trường Phù Bắc Yên lắc đầu chán nản: Đến ngay như lâm trường đây còn phải trả lại đất rừng cho địa phương bởi phí hỗ trợ bảo vệ rừng quá thấp, lâm trường không thể nuôi nổi công nhân. Mức hỗ trợ 113.000 đồng/ha rừng/năm hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 yêu cầu thực tế của mức lương công nhân bảo vệ rừng, cần có sự điều chỉnh.
Hỗ trợ cho người trồng và bảo vệ rừng
"Chúng tôi vẫn xác định kiểm soát, xử phạt là giải pháp không mong muốn. Điều cần thiết nhất, quan trọng nhất là phải đảm bảo được cuộc sống người dân trong vùng có rừng”.
Ông Phạm Ngọc Cừ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La
|
Ông Cầm Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách về lĩnh vực nông-lâm nghiệp, tâm sự: Sơn La không muốn phải điều chỉnh quy hoạch rừng theo hướng giảm về diện tích dù đó là một giải pháp để nâng cao chất lượng rừng hiện còn. Hiện đời sống của bà con các dân tộc vùng cao còn nhiều khó khăn nên dễ bị lôi kéo vào những hoạt động xâm hại rừng.
“Nếu không muốn mất rừng thì phải đầu tư kinh phí, phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người trồng và bảo vệ rừng. Thiết nghĩ Chính phủ cũng nên xem xét tới giải pháp sử dụng chính nguồn gạo xuất khẩu giá rẻ hiện nay để hỗ trợ cho người trồng rừng, bảo vệ rừng để người dân vùng cao không phải tham gia phá rừng vì mưu sinh. Các doanh nghiệp như thủy điện, nước, du lịch… cũng cần tăng cường đóng góp vì màu xanh trên đất Sơn La” - ông Chính nhấn mạnh.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.