No đủ nhờ... phật thủ: Hàng "độc" chơi tết không lo ế

Thứ năm, ngày 07/02/2013 13:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ vài sào phật thủ, đến nay hai xã Tiền Yên và Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đã có hàng trăm ha, giúp nhiều hộ ở đây thu hàng trăm triệu đồng từ thứ quả chỉ để chơi tết và làm thuốc này.
Bình luận 0

Cây mới "bén duyên" trên đất mới

Phật thủ không phải là cây bản địa ở Tiền Yên và Đắc Sở, nhưng giờ đây nó đã và đang trở thành cây trồng chính, cây làm giàu, có giá trị kinh tế cao ở nơi đây. Ông Nguyễn Bá Mùi (thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở), một trong những hộ đầu tiên trồng phật thủ cho biết: "Tôi trồng phật thủ được hơn chục năm nay. Hồi đó mới chỉ có mấy hộ trồng, vì đây là cây trồng mới, chưa có thị trường nên khi đưa giống về trồng tôi cũng lo. Những năm gần đây, đời sống người dân ngày một nâng cao, phật thủ bỗng trở thành quả được nhiều người lựa chọn để thắp hương vì có nhiều ý nghĩa tâm linh".

img
Anh Tạ Đăng Thưởng, thôn Yên Thái, xã Tiền Yên có khoảng 7.000 quả phật thủ, dự kiến thu về khoảng 700 triệu đồng.

Từ vài hộ trồng, đến nay Đắc Sở đã có khoảng 76ha phật thủ, với hàng chục hộ trồng, nhiều hộ có tới 4 - 5ha. Theo ông Mùi, phật thủ hợp với đất ở đây và là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, để phật thủ phát triển tốt, cần phải chọn đất tốt pha cát, không bị ngập nước. Mật độ trồng cây cách cây và hàng cách hàng từ 3,5 - 4m, sau khi cây lên tán thì làm giàn để phật thủ leo, vừa tạo điều kiện cho cây phát triển tán, ra nhiều quả và quả không bị sà xuống đất. Phật thủ là cây có quả quanh năm, dễ trồng, ít sâu bệnh, nên nếu chăm sóc tốt có thể cho thu quanh năm, song vì đây là quả "hàng hoa" tết mới là vụ chính của phật thủ.

Diện tích không lớn như xã Đắc Sở, nhưng phật thủ cũng đang chiếm một vị trí quan trọng về cây trồng ở xã Tiền Yên. Anh Tạ Đăng Thưởng (thôn Yên Thái, xã Tiền Yên) đang có 2 mẫu phật thủ cho thu hoạch. Anh cho biết: "Trước tôi trồng khoảng 1,5 mẫu phật thủ, 0,7 mẫu cam Canh, vài năm gần cam liên tục mất mùa, nên tôi chuyển sang trồng phật thủ. Trồng phật thủ đầu tư ít hơn trồng cam, lại ít khi mất mùa. Trung bình một mẫu phật thủ bón khoảng 5 tấn phân gà, 5 tấn phân hữu cơ, 4 tạ phân kali. Để cây ra nhiều hoa, quả, tháng 6 âm lịch bà con nên tiện gốc kìm cây vận chuyển chất nuôi lá, "ép" ra hoa đậu quả".

Hàng "độc" không lo ế

Người ta chơi phật thủ vì đây là thứ quả đẹp về hình dáng và mang đậm giá trị tín ngưỡng phồn thịnh, song dân chơi phật thủ cũng có "luật" riêng của nó. Đã là phật thủ thì quả nào cũng quý, nhưng quả phật thủ quý và đắt giá phải là những quả có "ngón tay" dài, đều, quả to, đặc biệt là ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… Thái, theo cách tính: "Thịnh - Suy - Vi - Thái". Anh Thưởng cho biết, để cho phật thủ ra nhiều quả, quả to thì rất đơn giản, nhưng để phật thủ ra nhiều tay và ngón cuối là Thái thì… phải là tự nhiên. "Năm nay tôi có khoảng 7.000 quả, trong đó khoảng 4.000 quả có giá từ 400.000 - 500.000 đồng/quả trở lên, còn lại là từ 70.000 - 300.000 đồng/quả, dự kiến thu khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 550 triệu đồng" - anh Thưởng phấn khởi nói.

Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sở cho biết: "Trước đây phật thủ chủ yếu trồng ở thôn Đông Hạ, nay đã mở rộng ra cả xã. Dự kiến xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, vì đây là cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, trung bình khoảng 600 - 700 triệu đồng/mẫu/năm. Mặc dù phật thủ chủ yếu bán làm hoa quả thờ và một phần để làm thuốc, nhưng loại cây này có rất triển vọng".

Hiện, anh Thưởng đã bán được 1/3 vườn, nhưng chủ yếu là bán những quả xấu để làm thuốc và một phần khách quen đặt, còn lại anh vẫn để gần tết mới tung "hàng độc" ra. Năm nay vườn phật thủ của anh không chỉ sai quả, quả to mà còn có nhiều quả độc có ngón út là chữ Thái, nên không sợ ế.

Không sai quả như vườn phật thủ của anh Thưởng, nhưng gần 2ha phật thủ của ông Mùi ước đạt khoảng 15.000 quả. Mặc dù mới bán được một phần nhỏ, nhưng ông Mùi vẫn rất ung dung. "Phật thủ năm nay giá nhỉnh hơn năm ngoái từ 20.000 đồng, đến vài trăm nghìn đồng tùy theo từng quả, trung bình khoảng 80.000 - 500.000 đồng/quả. Như năm ngoái đến khoảng 23 "ông Táo" là cháy không còn phật thủ bán. Năm nay có nguy cơ lại cháy hàng, vì cung vẫn chưa thể đủ cầu" - ông Mùi dự đoán. Còn chị Nguyễn Thị Thu, thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở có khoảng 1.000 quả phật thủ, dự kiến thu khoảng 150 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem