Nỗ lực của xã biên giới cán đích NTM đầu tiên ở xứ Thanh

Hữu Dụng Thứ hai, ngày 25/11/2019 11:22 AM (GMT+7)
Năm 2012, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, với đặc thù là một xã biên giới còn nhiều khó khăn. Nhưng cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cùng những cách làm phù hợp. Đến nay, Tam Lư đã trở thành xã biên giới đầu tiên của Thanh Hóa về đích nông thôn mới.
Bình luận 0

Xuất phát điểm thấp

Chương trình nông thôn mới (NTM) đã “thổi một luồng gió mới” làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tam Lư. Những tuyến đường bê tông hóa, các khu dân cư được quy hoạch, chỉnh trang, đời sống của người dân được nâng cao, các bản làng dần thay đổi về mọi mặt…

img

Nhờ NTM giờ đây xã biên giới Tam Lư đã “thổi một luồng gió mới” về mọi mặt đời sống.

Tam Lư là xã biên giới nằm ở phía Tây Nam huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm huyện khoảng 12 km. Với tổng diện tích đất tự nhiên 6.175,69ha, trong đó, đất nông lâm nghiệp là 4.328,28ha đất phi nông nghiệp 185,97 ha và nhóm đất chưa sử dụng  1.661,44ha. Hiện toàn xã có 672 hộ gia đình,  3.126 khẩu, gồm 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống (dân tộc Thái chiếm 96% dân số).

Năm 2012, Tam Lư bắt đầu xây dựng chương trình NTM gặp rất nhiều hạn chế do xuất phát điểm thấp như: Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, các dân tộc còn lưu giữ nhiều tập quán, phong tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Ngoài ra, khi đó xã mới đạt 4/19 tiêu chí và các tiêu chí còn lại đạt thấp. Thêm vào đó, là xã thuần nông, nông nghiệp là chủ yếu chiếm 98%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn… Vì vậy, việc huy động sức dân để xây dựng NTM còn gặp nhiều trở ngại.

Đến vươn lên trở thành xã biên giới đầu tiên đạt NTM

Nhưng giờ đây, đến Tam Lư hôm nay, chúng ta sẽ thấy được một diện mạo mới nơi miền cao biên giới xứ Thanh đã “thay da, đổi thịt”. Từ thôn, bản, công sở, trường học, trạm y tế, đường sá… đều được khoác “áo mới” khang trang, sạch đẹp.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn đã tranh thủ sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, với cách làm từ dễ đến khó; thực hiện theo lộ trình từ tập trung huy động nội lực, vừa tranh thủ các chương trình mục tiêu của Trung ương, của tỉnh, của huyện.

img

 Tam Lư là xã biên giới đầu tiên của Thanh Hóa hoàn thành xây dựng NTM.

Đặc biệt, tranh thủ tốt sự đóng góp của con em quê hương đang công tác, lao động trên mọi miền tổ quốc đã góp sức xây dựng diện mạo xã Tam Lư đổi mới từng ngày, nhờ đó xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Kết cấu hạ tầng của địa phương hoàn chỉnh, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Các trục đường thôn xóm đều được cứng hóa đảm bảo cho nhân dân đi lại dễ dàng.

Trong lĩnh vực sản xuất, xã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn, vận động nhân dân chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, năng suất chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi; làm tăng lợi nhuận, nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 lên 30,6 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 6,4%; toàn xã có 31 cơ sở kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương; 100% hộ dân trong xã có điện sử dụng và nhà ở kiên cố theo đúng quy định của Bộ xây dựng... Tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM của xã trên 117 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của người dân và công đồng gần 38 tỷ đồng.

img

Đường xá ở Tam Lư giờ đây được bê tông và cứng hóa, giúp đời sống cuả người dân ngày càng phát triển.

Trong 10 năm qua, cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, xã đã huy động các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, như: Đầu tư xây dựng 21,1 km đường giao thông liên xã, liên thôn, đường thôn xóm (nhựa hóa và bê tông hóa); Kiên cố hóa được 1,68 km mương tưới nội đồng; xây dựng 3 trường học và khu bán trú, TTVH xã, Trạm y tế; 6 nhà văn hóa bản.

Ngoài các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư, Tam Lư cũng là điểm sáng trong việc vận động nhân dân đóng góp vật chất, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản. Theo đó, xã có 6 nhà văn hóa được xây dựng khang trang, trong đó có 3 nhà văn hóa do nhân dân tự đóng góp ngày công, nguyên vật liệu xây dựng.

Không giấu được niềm tự hào ông Vi Văn Piên - Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa cho biết: “Sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2018, xã Tam Lư được công nhận đạt chuẩn xã NTM, đây là vinh dự của xã miền núi biên giới của chúng tôi.

Trong 10 năm triển khai xây dựng chương trình NTM, xã đã huy động được 117 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi mà không có nợ đọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51% (năm 2012) xuống còn 6,4% (năm 2018). Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản được đẩy mạnh. Bình quân thu nhập tăng từ 19 triệu đồng/người (năm 2016) lên 30,6 triệu đồng/người (năm 2018)… kết quả đó là cơ sở để Tam Lư giảm nghèo nhanh và bền vững…”.

img

Nhờ NTM tỷ lệ hộ nghèo xủa Tam Lư đã giảm đi đáng kể.

“Với đặc thù của một xã biên giới còn nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo ở xã Tam Lư vẫn còn không ít thách thức. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, huy động các nguồn lực với mục tiêu giảm xuống 5% hộ nghèo trong năm nay.

Ngoài ra, song song với việc triển khai thực hiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, chính quyền xã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và đặc biệt là khâu giảm nghèo. Do vậy, thông qua các chương trình, dự án, UBND xã đã linh hoạt lồng ghép vào hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư các nguồn lực liên quan đến hỗ trợ sản xuất để người dân nâng cao thu nhập” ông Piên cho biết thêm.

Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân cùng phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, Tam Lư đã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí sau gần 10 năm xây dựng NTM.

Ông Vi Văn Piên - Chủ tịch UBND xã Tam Lư (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cho biết: “Toàn xã Tam Lư có 4.000 ha rừng, trong đó diện tích trồng thí điểm trồng luồng, vầu theo chuẩn rừng quốc tế 1.695 ha (trong đó, có 1.008 ha luồng, 637 ha vầu). Ngay từ những ngày đầu triển khai, bà con rất có trách nhiệm trong việc hoàn thành các tiêu chí để được cấp chứng chỉ. Ngoài những lợi ích về mặt xã hội, môi trường, góp phần tăng đáng kể nguồn thu từ sản xuất luồng, vầu cho nhiều hộ dân. Tam Lư với 80% hộ dân sống bằng nghề rừng, nếu như trước kia 1 ha rừng trồng vầu, luồng cho thu nhập 27,9 triệu đồng đến nay tăng 46,7 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ dân cho thu nhập từ 65 đến hơn 100 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Từ những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ giúp Tam Lư xây dựng thành công xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Quan Sơn và việc giảm nghèo của xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem