Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM đánh giá, sau 10 năm thành phố xây dựng NTM, môi trường, cảnh quan 56 xã làm NTM của thành phố đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhìn toàn diện vẫn chưa đạt yêu cầu thành phố mong muốn, có khu vực còn rác thải ven đường, chưa xây dựng được nhiều tuyến đường xanh - sạch - đẹp, trồng cây - hoa...
Căng mình giải quyết tiêu chí khó
Lãnh đạo TP.HCM chung sức bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh: T.Đ
Theo Văn phòng Điều phối NTM thành phố, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM thành phố giai đoạn 2020 - 2025 là tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tập trung phát triển các mô hình hẻm, tổ xanh - sạch - đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.
|
Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, để giải quyết tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Sở TNMT đã thành lập Tổ công tác để thực hiện theo từng giai đoạn, có quy định cụ thể về nhiệm vụ của từng thành viên và thường xuyên có sự rà soát, kiện toàn tổ công tác.
Trong khi đó, tại các huyện xây dựng NTM, công tác thu gom chất thải từng bước được hoàn thiện, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại nguồn ngày càng tăng.
Theo đó, huyện Cần Giờ đã vận động hơn 22.000 người tổng vệ sinh tại các khu dân cư, các tuyến đường, thu gom 1.000 tấn rác, khai thông cống rãnh không để ao tù, nước động ô nhiễm môi trường... Huyện Củ Chi đã thực hiện 121 mô hình bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư, 32 tuyến đường không rác, 20 tuyến đường xanh - sạch - đẹp. Huyện Nhà Bè triển khai 42 mô hình điểm thực hiện môi trường xanh - sạch - đẹp.
Huyện Bình Chánh đã trang bị hơn 8.900 thùng chứa rác công cộng, trồng hơn 13.850 cây xanh. Hóc Môn có 100% cơ sở có phát sinh rác y tế, chất thải nguy hại có ký hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom và xử lý theo quy định...
Đến nay, các huyện đều có đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn, điển hình như: Đầu tư “Xây dựng khu xử lý chất thải tại chỗ và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại khu vực chôn lấp hiện nay” tại huyện Cần Giờ và “Đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2020” tại huyện Bình Chánh.
Chưa như kỳ vọng
Tuy vậy, theo bà Mỹ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tiêu chí môi trường tại các vùng nông thôn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập. Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thường xuyên biến động, gây khó khăn cho công tác rà soát, quản lý tại địa phương. Mặc dù cương quyết xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm nhưng vẫn còn doanh nghiệp chây ì, cố tình không chấp hành, trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường còn vướng mắc.
Đồng thời, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, làng nghề quy mô nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng của kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế về năng lực quản lý và kinh phí cho việc đầu tư, xử lý chất thải theo đúng quy định. Kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch khu vực nông thôn còn khó khăn, phối hợp kiểm soát ô nhiễm liên vùng đã được triển khai nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Cũng theo bà Mỹ, để hoàn thành cũng như duy trì hiệu quả tiêu chí môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu đến quý IV/2020, vùng nông thôn thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao sẽ còn rất nhiều việc phải thực hiện.
Sở TNMT đang tăng cường phối hợp với các huyện duy trì thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; tập huấn kiến thức môi trường cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tập huấn kiến thức về thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính cho các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.