Nở rộ ứng dụng giải bài tập trong 5 giây: Học sinh thi nhau tải về, giáo viên cảnh báo

Tào Nga Thứ năm, ngày 28/04/2022 13:00 PM (GMT+7)
Một học sinh cho biết, em tải đến 5 ứng dụng giải bài tập và thừa nhận do lười suy nghĩ nên chép bài giải cho nhanh.
Bình luận 0

Hàng loạt ứng dụng giải bài tập 

App giải bài tập là phần mềm chụp ảnh qua điện thoại tìm những đáp án của bài tương tự, hoặc nhờ người khác giải đáp giúp với tốc độ xử lý nhanh. Các ứng dụng này là công cụ hữu ích giúp học sinh nhanh chóng tìm được lời giải chỉ sau 5 giây, giảm bớt thời gian nhập đề bài, giảm áp lực học tập cho học sinh. Đây là công cụ hữu ích không chỉ giúp các học sinh mà còn giúp các bậc phụ huynh, thầy cô giáo tìm ra đáp án bài tập nhanh hơn và bổ sung các kiến thức hữu ích. 

Tuy nhiên, thay vì sử dụng làm công cụ tham khảo, nhiều em học sinh lại lạm dụng các app này khiến mất khả năng tư duy, dần ỷ lại vào phần mềm.

Em Nguyễn Việt Anh, một học sinh lớp 10 ở Hà Nội cho biết, nghe bạn bè chia sẻ với nhau về các ứng dụng giải bài tập hộ học sinh nên em quyết định thử tải về trải nghiệm. Đến nay, sau nhiều tháng, Việt Anh vẫn sử dụng các app này và xem như vật bất ly thân. 

Việt Anh chia sẻ thêm, em hay dùng app Qanda và Solvee để giúp giải bài tập. Đây là những ứng dụng không mất phí giúp em giải quyết được các bài toán khó. "Các bài toán thông thường thì không mất phí, chỉ khi hỏi gia sư thì học sinh mới phải bỏ tiền ra thôi", nam sinh này cho hay.

img
img

Các app giải bài tập đang được học sinh, sinh viên ưa chuộng. Ảnh: CMH

Thậm chí, có trường hợp như em Ngô Hà Trung, học sinh lớp 12 cho biết cũng "mò" tải nhiều ứng dụng giải bài tập để đỡ mất công làm bài. Tuy nhiên, thay vì 2, 3 app như các bạn, Trung sử dụng tới 5 app là Qanda, Dicamon, Solvee, Vietjack, Socratic.

"Nhược điểm của các app này là 1 bài nhưng có nhiều bài giải khác nhau do được cung cấp từ các bạn học sinh, sinh viên, gia sư, giáo viên... Vì vậy, nhiều bài có thể bị giải sai. Biết là như vậy nhưng khi em lười suy nghĩ thì xem lời giải luôn", Trung cho hay.

Nói về việc vì sao tải đến 5 app, Trung tiết lộ, để đề phòng ứng dụng này không giải được thì qua ứng dụng khác. 

Thực tế, việc học sinh sở hữu ứng dụng giải bài tập vô cùng dễ dàng. Chỉ cần vào các cửa hàng ứng dụng gõ từ khóa là học sinh có thể lựa chọn rất nhiều app theo mục đích sử dụng. 

Cần sử dụng đúng mục đích

Nói về các ứng dụng giải bài tập, thầy Cai Việt Long, giáo viên dạy Toán, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - thầy giáo nổi tiếng đưa các đoàn học sinh đi thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, chia sẻ: "Ưu điểm của các ứng dụng là giúp học sinh tự học tốt hơn và giáo viên học hỏi được nhiều trước việc giải các bài tập hơn. Ngoài ra, giáo viên, học sinh giải đáp được thắc mắc bài tập khó có thể tăng thu nhập ở bất cứ đâu. 

Tuy nhiên, nhược điểm của các ứng dụng là nhiều bài giải sai, không đúng chuẩn. Nếu học sinh tham khảo không có chọn lọc sẽ dẫn đến mắc sai lầm. Ngoài ra, học sinh lạm dụng app sẽ lười suy nghĩ mà ghi chép luôn đáp án. Đặc biệt, học sinh còn sử dụng như phao cứu trợ trong giờ kiểm tra nếu giáo viên không phát hiện ra. 

Công nghệ càng phát triển thì đem lại nhiều lợi ích cho con người nhưng nếu không biết cách kiểm soát thì lợi bất cập hại. Các app ứng dụng ngoài việc giải bài thì còn thấy có quảng cáo nhiều nội dung không thể kiểm soát được".

Thầy Lương Văn Huy, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi thấy việc sử dụng các app để tham khảo lời giải là rất tốt. Giúp ích học sinh rất nhiều trong qua trình học tập, giúp học sinh tiếp cận bài toán từ nhiều góc nhìn khác nhau của nhiều người. Tuy nhiên phải biết cách sử dụng cho hợp lý. Chỉ khi nào sử dụng hết năng lực của bản thân mà vẫn không làm được thì mới tham khảo. Và tham khảo phải đọc hiểu, biết được mình bị thiếu và sai phần nào. Sau đó củng cố và tự làm lại bài toán theo sự hiểu biết của mình, rút ra kinh nghiệm, bài học. Tuyệt đối không đọc chép".

Tiến sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, hiệu trưởng Hệ thống trường Tuệ Đức cho rằng: "Tôi biết đến các app giải bài tập từ lâu rồi, trong một lần học sinh chia sẻ với thầy. Chúng ta hãy nghĩ đến các app này chỉ là công cụ, giúp ích một phần cho học sinh. Tôi cũng không bận tâm về việc này mà khuyến khích học sinh nên sử dụng để có được lời giải trước. Quan trọng là từ lời giải này hình thành nên khả năng tư duy của con. Nếu nhìn về mặt tích cực, các ứng dụng này cũng sẽ giúp ích cho giáo viên rất nhiều trong việc hướng dẫn cho học sinh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem