Nợ xấu trên 120 tỷ, TH1 của Shark Vương bị BIDV bán đấu giá

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 15/02/2019 08:17 AM (GMT+7)
Không chỉ phú quý giật lùi trong nhiều năm trở lại đây, công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng Hợp I Việt Nam (TH1) của Shark Vương không còn khả năng chi trả cho khoản vay 120 tỷ đồng tại BIDV. BIDV đã tổ chức thực hiện bán đấu giá khoản nợ này để thu hồi nợ. Trước đó, cuối năm 2018, TH1 cũng từng phải đã phải thanh toán 6,7 triệu USD cả nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng SHB của bầu Hiển.
Bình luận 0

Hôm nay, ngày 15.2, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Sở Giao dịch 1, tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim - TH1) của Shark Vương, để thu hồi nợ vay. Đây là lần thứ 2 BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ này để thu hồi nợ.

BIDV đấu giá khoản nợ của TH1 lần 2

Theo đó, khoản nợ của Generalexim tại BIDV  tính đến hết ngày 30.11.2018 (quy đổi theo tỷ giá USD/VND: 23.350) là trên 121 tỷ đồng; trong đó nợ gốc là 100 tỷ đồng, nợ lãi là 18,6 tỷ đồng, nợ phí phạt quá hạn là 2,8 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP. Hải Phòng có diện tích đất 20.463m2; mục đích sử dụng là làm kho bãi chứa hàng; thời hạn sử dụng từ ngày 20.09.2006 đến ngày 20.09.2056. Đây là đất Nhà nước cho thuê, doanh nghiệp trả tiền hàng năm.

img 

Thông báo bán đấu giá khoản nợ TH1 

Tài sản bảo đảm thứ hai là tòa nhà Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Diện tích sử dụng đất là 4.704m2; trong đó, diện tích xây dựng là 4.467m2, diện tích đất làm đường nội bộ là 237m2.

Công trình gồm 17 tầng (không kể 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật và tầng mái), cao độ từ cốt nền tầng 1 đến đỉnh mái là 69,9 m; Tổng diện tích sàn 22.892m2. Từ tầng 1-6 là tầng trung tâm dịch vụ và văn phòng cho thuê, tầng 7-17 là tầng các căn hộ, hiện đã bán.

Giá khởi điểm cho khoản nợ trên là 90 tỷ đồng. Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua Khoản Nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán Khoản Nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Theo quy định, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước tương đương với 10% giá khởi điểm của tài sản là: 9.003.330.000 đồng.

Hình thức tổ chức đấu giá: Trả giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp tại phiên đấu giá theo phương thức trả giá lên.

Trước đó, vào ngày 24.1, BIDV cũng đã tổ chức bán đấu giá lần 1 khoản nợ này tại Công ty Cổ phần Đấu giá Việt Nam (Số 4/A13 Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhưng chưa thành công.

img 

TH1 "phải" trả cho SHB 6,7 triệu USD cả nợ gốc lẫn lãi

Liên quan đến vận đen của TH1, cuối năm 2018 vừa qua, TH1 của Shark Vương đã phải thanh toán 6,7 triệu USD cả nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng SHB của bầu Hiển.

Quyết định này nằm trong bản án của Tòa án liên quan đến vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và TH1.

Phú quý giật lùi, Shark Vương “từ nhiệm”

Lên sàn với báo cáo tài chính ấn tượng, cổ phiếu TH1 được nhiều nhà đầu tư săn đón với mức giá trên dưới 70.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty tụt dần đều, cùng với đó giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh khi hiện đang ở mức 5.000 đồng/CP.

Năm 2009, TH1 của Shark Vương đạt lợi nhuận sau thuế tới 79 tỷ đồng, tăng 95,44% so với thực hiện của năm 2008. Năm 2010, Công ty đạt 56,32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù giảm 28,7% so với năm đột biến 2009, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt theo bản cáo bạch niêm yết (vượt 86,8% so với kế hoạch).

img 

Tuy nhiên, đó chính là giai đoạn đỉnh cao của TH1 khi các năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty biến động theo kiểu "phú quý giật lùi".

Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận sau thuế của TH1 giảm 62%, xuống 21,46 tỷ đồng, năm 2012 tiếp tục giảm 48,4%, xuống 11,08 tỷ đồng, năm 2013, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 7,38 tỷ đồng, giảm 33,4%, năm 2014 tiếp tục giảm 44,2% và năm 2015, công ty lần đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết.

Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, dù rất nỗ lực nhưng TH1 vẫn lỗ trên 22 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 115 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Trước đó, năm 2017, công ty này đạt doanh thu 206,5 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2016, thua lỗ 142 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng được cho là gấp tới 14 lần so với kế hoạch năm 2017 đề ra là lỗ 10 tỷ đồng.

Năm 2016, TH1 cũng thua lỗ tới 133,7 tỷ đồng dù doanh thu là 307 tỷ đồng. Năm 2015 công ty này đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng nhưng lỗ tới 134,4 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm 31.12.2017, TH1 đã lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp gần 277 tỷ đồng, vượt vốn góp chủ sở hữu 135,4 tỷ đồng.

Thua lỗ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu TH1 của công ty này bị huỷ niêm yết theo quy định kể từ ngày 20.4.2018. Trên sàn Upcom cổ phiếu này lại tiếp tục rơi vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được thực hiện vào các phiên thứ Sáu hàng tuần.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam là 1 trong những doanh nghiệp do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) từng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Anh Vương đã xuất hiện trong chương trình truyền hình "Thương vụ bạc tỷ" với tên được biết là Shark Vương và là một trong những người đầu tư nhiều vụ nhất trong chương trình.

img 

Ông Trần Anh Vương

Không chỉ là Chủ tịch của Generalexim, Shark Vương từng là lãnh đạo nhiều công ty khác như là TGĐ của Sam Holdings, Chủ tịch của Công ty đầu tư BVG, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội và là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2018 "vị cá mập" này chính thức rút sạch vốn đồng thời từ nhiệm khỏi SAM Holdings, đơn vị mà gắn liền với tên tuổi của ông nhiều năm. Đồng thời cũng từ nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT TH1.

Một số ý kiến cho rằng, việc Shark Vương rút khỏi TH1 hay những đơn vị kinh doanh chưa hiệu quả là cần thiết để tập trung phát triển những đơn vị tiềm năng hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem