Cách đây gần 65 năm, trong các cuộc tuyên truyền, vận động, họp bàn và thảo luận… đã xuất hiện "việc nói" của người bình thường cũng có những khái niệm cao xa, dù có lẽ không ai hiểu hết.
Trong truyện ngắn "Đôi mắt" của Nam Cao có tình tiết: "Một anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ, nhưng đã nói thuộc lòng một bài về 3 giai đoạn kháng chiến- phòng ngự, cầm cự, tổng phản công…, với những cụm từ còn khá xa lạ với ngôn ngữ thời ấy như "đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, động lực, dân chủ, tân dân chủ…".
Câu chuyện của nhà văn phần nào hư cấu, nhưng phản ảnh một thực tế: Cách đây gần 65 năm, trong các cuộc tuyên truyền, vận động, họp bàn và thảo luận… đã xuất hiện "việc nói" của người bình thường cũng có những khái niệm cao xa, dù có lẽ không ai hiểu hết.
Xu hướng ấy tiếp tục kéo dài đến nay, một thời gian đủ dài tạo ra 2 thế hệ với thói quen ngôn từ nói năng giáo điều, dù chưa chắc đã hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ lụy là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó có suy nghĩ độc lập, muốn phản biện, muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành "người có vấn đề".
Hậu quả làm người ta nói năng an toàn, cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục, khiến nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, rồi sinh ra lối nói những câu hùng hồn, dài dòng, rỗng nghĩa. Người nói cố tỏ ra sang trọng với nhiều từ Anh - Việt, Hán - Việt dù không hiểu thật thấu đáo. Một thói quen quan cách, sẵn sàng lặp lại những điều đã biết, đã nói.
Trải qua nhiều cuộc học tập nghị quyết, rèn luyện lập trường quan điểm, nâng cao ý thức chính trị, trong một số người là tuyên truyền viên, báo cáo viên đã hình thành thói quen tư duy thụ động và "nghệ thuật" nói an toàn, đúng như sách, đúng như văn bản, không dám mở rộng, phát triển vấn đề cho sát thực tiễn cuộc sống, với những vấn đề mà người nghe cần thông tin mới hơn, rõ hơn để đi đến quyết định hành động.
Đại hội VI - Hội Nông dân Việt Nam đã thành công tốt đẹp, người đọc, người xem truyền hình đã nhận được những thông tin mới, dễ hiểu, dễ dẫn dắt hành động như: "Giúp nông dân no đủ - làm giàu", "lên án những tư tưởng xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ người nông dân trong quá trình phát triển", "Hội phải dẫn dắt nông dân đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi trong hợp đồng".
Triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội VI, nếu cán bộ Hội Nông dân, báo cáo viên, tuyên truyền viên khi truyền đạt nghị quyết vẫn duy trì lối nói an toàn thì đã làm mất đi sự hấp dẫn của vấn đề, lại không rõ những cái mới, cái khác trong sự phát triển tư duy chính trị của Đại hội VI.
Đức Dân (Đức Dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.