Nơi bảo vệ “mùa vàng” an toàn để nông sản Việt xuất ngoại, thu về hàng chục tỷ USD
Nơi bảo vệ “mùa vàng” an toàn để nông sản Việt xuất ngoại, thu về hàng chục tỷ USD
Khương Lực
Thứ hai, ngày 04/10/2021 10:28 AM (GMT+7)
Trong 60 năm hình thành phát triển, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ năng suất cây trồng, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch thực vật từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm cho người dân trong nước và xuất khẩu.
Ngày 5/10/1961, Hội đồng Chính phủ có Nghị định 152-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NNPTNT).
Cùng thời điểm đó, Cục Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (nay là Cục Bảo vệ thực vật) được thành lập - gánh vác nhiệm vụ to lớn trong bảo vệ mùa màng, đảm bảo lương thực phục vụ kháng chiến cho cả nước.
Từ thiếu đói trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu
Trải qua 60 năm thành lập phát triển, dù tên gọi cũng như cơ cấu tổ chức qua nhiều thời kỳ được sáp nhập rồi chia tách khác nhau, nhưng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đều có những đóng góp to lớn trong cả thời chiến cho tới giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đưa đất nước từ thiếu đói trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị trên dưới 40 tỷ USD.
Với hệ thống tổ chức ngành BVTV từ trung ương đến địa phương đã được kiện toàn, công tác chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại (SVGH) được thực hiện kịp thời, quyết liệt và đồng bộ trong phạm vi cả nước.
Hàng năm, ngành BVTV chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý tổng hợp, tăng cường công tác dự tính, dự báo, điều tra giám sát đối với các sinh vật gây hại (SVGH) chính, SVGH mới nổi trên 2,5 triệu ha lúa, trên 1,5 triệu ha cây rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và nhiều triệu ha cây rừng trồng.
Cục Bảo vệ thực vật là tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, phân bón, an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Cục Bảo vệ thực vật có hơn 600 công chức, viên chức và người lao động.
Ngành BVTV đã phối hợp và đặt hàng các đơn vị nghiên cứu tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu, khảo sát thực nghiệm liên quan đến các biện pháp phòng chống các SVGH, đặc biệt là SVGH mới nổi như: sâu năn, vàng lùn lùn xoắn lá, lùn sọc đen, virus khảm lá sắn; công bố dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ dập dịch kịp thời góp phần ngăn chặn hiệu quả các đợt dịch bùng phát.
Đến nay, các địa phương trong cả nước có trên 4 triệu ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong đó chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm có trên 2,2 triệu ha áp dụng, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên 257.000ha, công nghệ sinh thái tại các tỉnh phía Nam và miền Trung gần 2.000 ha, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp hơn 20.000 ha.
Trong những năm qua, Cục BVTV đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật: xây dựng tổ chức triển khai quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, định hướng rải vụ một số cây ăn quả.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân thay đổi cơ cấu giống, chất lượng giống, sử dụng các giống cây trồng chống chịu sâu bệnh, cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển công nhận, các giống cây trồng sạch bệnh từ nuôi cấy mô, ghép cải tạo thay thế giống và trẻ hóa những vườn cây già cỗi nhằm chuyển giao cho sản xuất ở nhiều địa phương trong cả nước.
Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý né tránh điều kiện bất thuận của thời tiết, sâu bệnh đặc biệt là diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu; tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị từ xây dựng vùng nguyên liệu đến cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ.
Kết quả đã không để xảy ra dịch trên diện rộng, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về kiểm dịch thực vật (KDTV) đã được triển khai có hiệu quả theo hướng bảo vệ an toàn sản xuất trong nước nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng cho tổ chức/cá nhân tham gia xuất nhập khẩu hàng nông sản.
Mặc dù khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng tăng lên (năm 2020 khối lượng hàng hóa đã qua kiểm dịch thực vật là khoảng 73 triệu tấn, tăng hơn 18 triệu tấn so với năm 2016), nhưng công tác KDTV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn triệt để đối tượng KDTV đi theo hàng nhập khẩu cũng như đảm bảo hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ yêu cầu KDTV của các quốc gia nhập khẩu.
Với sự chỉ đạo của Bộ, những năm qua Cục BVTV đã thực hiện rất quyết liệt công tác đàm phán dỡ bỏ dào cản kỹ thuật.
Những mặt hàng quả tươi chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được các thị trường khó tính và có giá trị cao nhất như Mỹ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zeland, Hàn Quốc… cho phép nhập khẩu.
Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm vải tươi sang Nhật Bản và một số thị trường khác.
Tính hết tháng 7/2021, Cục BVTV đã cấp 3.624 mã số vùng trồng cho trái cây, cây thạch đen, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc; cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các cơ sở đóng gói này được phân bố ở 37 tỉnh trong toàn quốc.
Từ năm 2017, Bộ NNPTNT đã phân công lại nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nguồn gốc thực vật, theo đó Cục BVTV được giao quản lý ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật từ công đoạn sản xuất ban đầu đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, kiểm tra ATTP xuất khẩu, nhập khẩu.
Trung bình mỗi năm Cục BVTV thực hiện kiểm tra ATTP có nguồn gốc thực vật nhập khẩu khoảng 60.000 – 80.000 lô hàng (tương đương 5 - 6 triệu tấn) gồm trên 100 mặt hàng nhập khẩu từ 80-100 quốc gia mỗi năm.
Kết quả đã nhiều lần phát hiện các lô hàng vi phạm quy định về ATTP như có hàm lượng độc tố nấm, dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, từ năm 2016 đến nay Cục BVTV đã nhận được thông báo 169 trường hợp hàng nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu bị cảnh báo về ATTP.
Cục đã và đang thực hiện truy xuất các trường hợp bị cảnh báo (lô hàng) có nguồn gốc thực vật của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị cảnh báo không đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm.
Hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), lượng thuốc BVTV sử dụng tại Việt Nam giảm dần qua các năm. Từ năm 1990 đến nay, lượng thuốc BVTV sử dụng giảm dần qua các năm, cao nhất là 4.68 kg/ha năm 1996 và thấp nhất hiện nay là 1.66 kg/ha.
Thuốc BVTV sinh học chiếm 18,26%, riêng thuốc BVTV sinh học được đăng ký sử dụng cho cây rau chiếm khoảng 50% tổng số thuốc sinh học. Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học.
Để có được những thay đổi trên, Cục BVTV đã và đang siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV.
Việc đăng ký thuốc BVTV dựa trên nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độ độc tính cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, đồng thời khuyến khích các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thế hệ mới có hiệu quả cao trong việc phòng trừ SVGH, an toàn trong sử dụng đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, khối lượng thuốc BVTV nhập khẩu đang trong xu thế giảm. Năm 2019, khối lượng thuốc BVTV thành phẩm nhập khẩu đạt khoảng 80.000 tấn. Riêng năm 2020 chỉ nhập khẩu trên 49.000 tấn thuốc BVTV thành phẩm. Khoảng 20-25% lượng thuốc BVTV này được sản xuất để xuất khẩu.
Mục tiêu và chủ trương trong thời gian tới là tăng nhanh tỷ lệ sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
Việc sử dụng thuốc của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thay cho thuốc BVTV hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly và kỹ thuật sử dụng thuốc.
Thậm chí, có những địa phương người nông dân rất ít sử dụng thuốc BVTV hóa học mà sử dụng chủ yếu các biện pháp sinh học, vật lý như bao trái, bẫy pheromone, bẫy bả, bẫy dính hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Về phân bón, bắt đầu từ năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật được giao thêm nhiệm vụ quản lý phân bón trong đó tiếp nhận phần quản lý phân bón vô cơ từ Bộ Công thương, quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Tại thời điểm tiếp nhận, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón đang trong giai đoạn sửa đổi nhưng vẫn chưa xác định được nguyên tắc quản lý chung. Đến nay, hành lang pháp lý về quản lý phân bón đã cơ bản đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Hiện nay, cả nước có tổng số 841 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất sản xuất là 32,27 triệu tấn/năm.
Tính đến hết năm 2020, Cục BVTV đã công nhận lưu hành là 24.441 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ chiếm 80,3% (19.693 sản phẩm), phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học) chiếm 19,7% (4.798 sản phẩm).
Cùng với Chỉ thị 117/CT-BNN-BVTV ngày 7/1/2020 về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, Cục BVTV đã lựa chọn ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ giai đoạn 2019 đến năm 2025 với 14 doanh nghiệp. Tổng kinh phí để xây dựng mô hình mẫu, tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ là hơn 526 tỷ đồng, trên tổng diện tích 45.000 ha.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện theo chương trình đã ký kết với Cục với diện tích trên 4.600 ha, kinh phí trên 25 tỷ. Trong đó, triển khai với diện tích lớn nhất Tập đoàn Quế Lâm (3.162 ha trên lúa, cây ăn trái, chè), Tiến Nông (800 ha trên cà phê và cao su tái canh), Hiệp Thanh (210 ha trên cây ăn trái), Công ty phân bón Phúc Thịnh (200 ha trên lúa, mía)…
Mục tiêu và chủ trương trong thời gian tới là tăng nhanh tỷ lệ sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
Lịch sử hình thành phát triển Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT)
- Thành lập: ngày 05/10/1961, tên gọi Cục Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
- 1963 -1965: Cục Bảo vệ thực vật sát nhập vào Vụ Trồng trọt.
- 1966 - 1971: Khối Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch thực vật tách ra khỏi Vụ trồng trọt và tái lập thành Cục Bảo vệ thực vật.
- 1972 -1976: Viện Bảo vệ thực vật sát nhập với Cục Bảo vệ thực vật, với tên gọi là Viện Bảo vệ thực vật, gồm hai khối: Khối nghiên cứu và Khối quản lý hành chính về bảo vệ thực vật.
- 1976 - 1988: Cục Bảo vệ thực vật tách ra khỏi Viện Bảo vệ thực vật.
- 1988 -1993: đổi tên Cục Bảo vệ thực vật thành Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
- 1994 - nay: đổi tên thành Cục Bảo vệ thực vật.
CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.