Phía sau sự ra đi ấy là những câu chuyện cảm động, lắm niềm vui xen lẫn nỗi buồn.
Phận ly hương
Năm hết, tết đến tới nơi vậy mà chị Lê Thị Lời (thôn Thanh Sơn) vẫn đón xe vào lại TP. HCM. Trước đó, chị quay về quê để lo giỗ đầu cho mẹ chồng. Đến nay, chị đã có thâm niên hơn 20 năm bán vé số dạo trên địa bàn quận 1 và quận 5, TP. HCM. Từ 7 giờ sáng đến khi phố xá lên đèn, chị cuốc bộ hàng chục km với tập vé số trên tay để đi bán. Ban đầu, khi con còn nhỏ, không biết gửi ai, chị còn phải bồng theo, mẹ con lê la trên đường.
|
Phút giây sum họp ngắn ngủi của vợ chồng chị Lê Thị Lời. |
“Ở quê chỉ có vài sào ruộng bạc màu, thu nhập chẳng đáng là bao, chồng lại thường xuyên đau ốm nên tui phải bươn chải để lo cho cuộc sống của gia đình. Nhiều lúc thương nhớ chồng con đến thắt ruột nhưng đành phải bấm bụng chịu đựng!” – chị nói.
Cứ 6 giờ sáng, anh Trần Văn Dũng (quê ở thôn Nga Mân) bán hủ tiếu gõ tại quận Tân Phú, TP. HCM, lại vội vã ra chợ mua thực phẩm rồi trở về phòng trọ lúi húi nấu nướng cho kịp chiều bán đến tận khuya. Sau 1 ngày mệt nhọc, anh và con gái cũng bỏ túi được 300.000 đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ so với nguồn thu nhập từ vài sào ruộng lúa ở quê.
Anh Võ Dương với thâm niên 11 năm bán hủ tiếu gõ ở Sài thành và các tỉnh phía Nam bùi ngùi nhớ lại: “Vợ chồng tui trải manh chiếu dưới hiên nhà ven đường gần nơi bán cho đứa con đầu lòng chưa đầy tuổi ngủ tạm. Nhiều người dân xung quanh thương tình mua tặng chăn, màn đắp cho cháu và họ còn ăn hủ tiếu để ủng hộ vợ chồng tui bán xong sớm mà bồng con trở về phòng trọ”.
Theo ông Bùi Văn Chuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, trên địa bàn xã hiện có 2.819 lao động rời quê đi làm ăn xa, chiếm gần 40% so với số lao động trong toàn xã. Đó là chưa kể những người đã bước qua tuổi lục tuần nhưng vẫn phải ly hương để tìm kế sinh nhai.
Phong trào ly hương ở đây bắt đầu từ năm 1980 với việc nhiều người dân địa phương vào TP.HCM làm giúp việc cho những gia đình khá giả. Tiếp đến, nhiều người vào bán hủ tiếu gõ, vé số dạo hay đi làm phụ hồ cùng với nhiều công việc nặng nhọc khác. Tuy khá vất vả, nhưng khoản thu nhập của bà con cao hơn nhiều so với ở quê.
Nhiều được – lắm mất
Sau hơn 20 năm bán vé số dạo trên đất Sài thành, chị Lời đã dành dụm xây được căn nhà cấp 4, nuôi 6 người con ăn học. Hiện 4 người con đầu của chị đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định, người con thứ 5 đang là sinh viên và con trai út đang theo học THPT ở quê.
Cũng nhờ những tờ vé số mà chị điều trị khỏi căn bệnh viêm thận và thuốc thang cho chồng bị bệnh thoái hóa cột sống.
Do bố mẹ ly hương, không có ai chăm sóc, giáo dục nên nhiều con em ở Phổ Cường bỏ học, chơi bời lêu lổng và mắc các loại tệ nạn xã hội. Hầu hết số thanh thiếu niên nghiện ma túy đang bị cơ quan chức năng theo dõi là con em có bố mẹ đi làm ăn xa.
Nhưng khoảng thời gian xa cách ấy đã lấy đi tuổi thanh xuân của vợ chồng chị với sự thương nhớ khôn nguôi. “Vợ chồng tui như Ngưu Lang – Chức Nữ, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần. Nghĩ đến cảnh bố con côi cút ở quê mà lòng tui như đứt từng khúc ruột. Cứ mong chóng đến Tết để cả gia đình được đoàn tụ” – chị nói.
Sau 11 năm lăn lóc nơi đất khách, vợ chồng anh Võ Dương cũng dành dụm được hơn 5 cây vàng làm vốn về quê mở cửa hiệu bán tạp hóa kiếm đồng ra đồng vào. 4 năm gắn bó cùng chiếc xe hủ tiếu gõ cũng giúp anh Trần Quang Dũng có điều kiện chữa được bệnh đau mắt cho con gái với chi phí hàng chục triệu đồng.
Anh còn dành dụm tiền sửa sang lại nhà, mua chiếc xe máy hơn 40 triệu đồng và sắm nhiều vật dụng cho gia đình. Riêng người anh trai là Trần Quang Khải thì sau 15 năm tha hương nơi đất khách bán hủ tiếu gõ cũng đã xây được căn nhà ở quê với số tiền trên 200 triệu đồng. “Nếu không bán hủ tiếu gõ thì chắc cả đời tụi nó cũng không thể mơ được căn nhà như thế này”- ông Trần Cận, cha của anh Dũng và anh Khải, nói.
Tuy nhiên, hệ lụy của việc ly hương là xóm làng bị “rỗng ruột”, mọi phong trào do địa phương phát động đều gặp khó khăn. Thậm chí, khi có đám tang phải huy động vài ba xóm mới đủ người khiêng quan tài...
Đức Cường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.