Nơi chiến tranh còn ở lại: Nghĩa trang một nấm mộ chung

Thứ tư, ngày 25/07/2012 19:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thành cổ Quảng Trị được xem là một nghĩa trang đặc biệt. Đây là nấm mồ chung của hàng ngàn liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này, đặc biệt là trong 81 ngày đêm chiến đấu giữ thành.
Bình luận 0

Sự sống trong lòng đất

Đài tưởng niệm trong Khu di tích thành cổ mang hình một ngôi mộ. Bậc thang đưa lên đài (được coi là phần dương) để thắp nhang tựa như người thăm viếng đứng bên mộ phần như đi thăm bất cứ ngôi mộ nào. Sau đó, có lẽ chỉ ở Thành cổ Quảng Trị mới có, khách sẽ được vào lòng ngôi mộ hay còn gọi là phần âm. Chính giữa lòng nấm mộ tượng trưng này chỉ có một tủ kính lưu giữ hành trang của người lính. Một ba lô, một mũ tai bèo, một khẩu súng trường, một bi đông nước…

img
Khu tưởng niệm liệt sĩ thành cổ.

Tôi đã đứng một mình trong lòng mộ, rất lạ như xung quanh mình có bao người, tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Anh Nguyễn Anh Tuấn - hướng dẫn viên du lịch Khu di tích thành cổ cũng nói: “Ngày nào em cũng dẫn khách tham quan, cũng thuyết minh với nội dung như vậy nhưng không hiểu sao mỗi lần đứng nói trong lòng mộ về các anh là nước mắt lại trào ra”. Bao nhiêu du khách vào đây, rất ít người không trào nước mắt. Do tình cảm tự nhiên với những người nằm xuống hay có một điều khác, cũng là ý tưởng của người thiết kế đài tưởng niệm “âm, dương giao hòa cho người sống và người chết có thể gặp được nhau”.

Nhiều người dân Thành cổ Quảng Trị cho biết, không có nơi đâu như ở mảnh đất này, người dân lúc mở móng làm nhà, mở đường, thông rãnh thoát nước hay be bờ ruộng đều chuẩn bị thêm vài cỗ tiểu sành, nhang đèn, bởi chắc chắn thế nào khi đặt nhát cuốc xuống lòng đất hẳn cũng gặp hài cốt người liệt sĩ. Thế nên, hầu hết người thành cổ, ngoài ban thờ ông bà tổ tiên, bên mỗi góc sân đều có thêm am thờ vọng để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ hy sinh còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất này đỡ cô quạnh. Với người dân nơi này, liệt sĩ như những người thân thiết. Những gì gắn với liệt sĩ đều được người dân hết sức coi trọng, nâng niu.

Những bức linh thư

"Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất". Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày mừng tin chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…".

Đó là những dòng đầu trong bức thư chưa kịp gửi của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ 4 khoa Xây dựng, khóa 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được tìm thấy ngày 28.10.2002. Người lính này viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng.

Bức thư không kịp gửi, bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng trong tiểu đội đã ngã xuống ở trong thành cổ. Bức thư viết vội trước trận đánh là tâm tư của anh dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới 7 ngày, cho anh trai, chị dâu, cho cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho người bạn thân thuở nhỏ và cho bà con lối xóm.

Đặc biệt, bức thư có đoạn: "Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng". Không ai có thể ngờ rằng, đó là manh mối để đồng đội tìm thấy anh sau ngày giải phóng.

Tương tự, một bức thư khác của liệt sĩ Lê Binh Chủng, bức thư kỳ lạ còn nguyên vẹn khi những đồ vật khác đã han gỉ, mục rữa. Bức thư để ruột thịt của anh được trùng phùng. Lê Binh Chủng quê ở Nghệ An.

Từ 28.6 đến 16.9.1972, địch trút 328.000 tấn bom, đạn xuống thành cổ, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima Nhật Bản năm 1945. Sau 81 ngày đêm, toàn bộ thị xã và thành cổ này đã bị san bằng.

Trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đơn vị anh dừng lại ở một làng quê thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ở đó, anh quen và nảy sinh tình cảm với cô giáo Lê Thị Biển Khơi. Mới báo cáo đơn vị, chuẩn bị làm lễ cưới thì anh phải lên đường vào Quảng Trị chiến đấu. Lá thư cuối cùng cô giáo Khơi gửi cho anh đề ngày 15.5.1972, báo tin họ sắp có con.

Anh đã dự định chờ ngày kết thúc chiến dịch để về thăm con cũng như thưa với bố mẹ hai nhà. Nhưng Lê Binh Chủng nằm lại nơi này mãi mãi. 30 năm sau, bức thư, tấm ảnh của vợ anh mới được Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị chuyển đến gia đình.

Một cuộc tìm về nguồn cội, một cuộc đoàn viên đầy nước mắt, khi ông bà ôm đứa cháu nội mà cứ ngỡ như ôm lại con trai ngày nào bởi thằng cháu đã 30 tuổi. Danh phận của một người vợ, một đứa con của liệt sĩ đã được "minh oan" bởi bức thư gửi về từ... trong lòng đất cách đây 30 năm! Đó chỉ là 2 trong số hàng vạn lá thư mà người lính Thành cổ Quảng Trị chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng.

Bài 4: Người đi tìm linh hồn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem