Cây cam, quýt được phát triển tại huyện Cao Phong từ đầu những năm 1960, do Nông trường Cao Phong đưa vào trồng đại trà. Các giống cam du nhập về trồng chủ yếu là cam xã Đoài, cam Sông Con và một số giống nhập ngoại khác như: Cam Naven, cam V2, quýt Ôn Châu…
Sau hơn 60 năm cây cam bén đất xứ Mường, đến nay, nó đã trở thành nguồn thu nhập khổng lồ của nhiều gia đình. Ảnh: Xuân Tuấn
Thời bao cấp, diện tích cam của Nông trường Cao Phong từng lên tới 900ha, sản lượng cao nhất năm 1976 đạt 3.000 tấn và được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ gần 50% sản lượng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là do cơ chế quan liêu bao cấp, không hiệu quả, diện tích, năng suất sản lượng cam giảm dần.
Cuối tháng 9 bà con bắt đầu thu hoạch cam lòng vàng, tiếp đó là cam Xã Đoài, cam Chẩu, cam V2. Giá cam năm nay vẫn giữ ở mức khá cao, đầu vụ bán tại vườn là 25.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Tuấn
Bắt đầu từ năm 1990, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, nhất là thực hiện cơ chế khoán hộ trong sản xuất, thúc đẩy lợi ích kinh tế, tạo động lực cho các hộ nhận khoán phát triển sản xuất. Các hộ nông nhân đã mạnh dạn đầu tư, thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy cây cam, quýt trên toàn huyện tăng mạnh cả về diện tích, năng xuất và chất lượng sản phẩm.
Vài năm trở lại đây, diện tích, sản lượng cam ở Cao Phong tăng mạnh, hiện đã đạt tổng diện tích cam, quýt gần 2.000ha.
Vùng cam vào vụ thu hoạch cũng là lúc bà con gặt hái thành quả sau gần một năm chăm bẵm. Người dân ở Cao Phong bảo, người giàu và có điều kiện mới dám trồng cam, vì từ khi đưa cây cam xuống đất phải mất ít nhất 4 năm, nó mới cho thu hoạch. Số tiền đầu tư rất lớn hết khoảng nửa tỷ đồng/1ha. Ảnh: X.T
Cây cam là một trong 2 cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa, là cây làm giàu của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Theo thống kê, hiện tại bình quân 1ha cam, quýt có tổng giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng cho đến 1 tỷ đồng, trừ chi phí người nông dân thu lãi ròng khoảng 2/3.
Nhà nào có 1ha cam thu hoạch là có tiền tỷ trong tay. Người trồng cam ở Cao Phong trồng cam rất giỏi, 1ha có thể đạt 50 tấn/vụ. Ảnh: X.T
Ông Lâm ở thị trấn Cao Phong chỉ trồng cây cách cây 3m (bình thường 5m). Vậy mà vườn cam của ông vẫn cho thu tiền tỷ. Ông chia sẻ, việc phun thuốc và chăm bón quyết định tới sự thành bại của vườn cam. Muốn cây cam phát triển tốt phải phun đúng và bón đủ phân đúng thời điểm. Ảnh: X.T
Vui lòng nhập nội dung bình luận.