Nỗi đau bị hắt hủi

Thứ ba, ngày 04/01/2011 12:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người có HIV/AIDS không chỉ mang nỗi đau tinh thần. Thế nhưng nhiều người, có cả thầy thuốc, nhìn họ với con mắt kỳ thị.
Bình luận 0

Xét trên thực tế, suy nghĩ đó không sai, bởi vì đa số người có HIV/AIDS là người nghiện chích ma túy, gái mại dâm hoặc những người có cuộc sống không lành mạnh. Có không ít người, sau khi lâm bệnh, chính gia đình, người thân của họ cũng quay lưng với suy nghĩ “đã sống bê tha, không có trách nhiệm với bản thân và gia đình thì phải gánh chịu hậu quả”.

Chính vì suy nghĩ đó còn tồn tại trong cộng đồng nên các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đã tuyên truyền mạnh mẽ việc đừng phân biệt, kỳ thị đối với người có HIV/AIDS. Nhiều vở kịch, phim có nội dung chia sẻ với người mắc AIDS, kêu gọi cộng đồng giang tay đón nhận họ hòa nhập. Có những câu chuyện rất cảm động về sự vượt qua bi kịch của họ, những tấm gương nghị lực đó rất đáng để học tập. Mới nhất là cuộc thi hoa hậu của những người có HIV/AIDS, cuộc thi đậm chất nhân văn và cũng lắm nước mắt.

Thế nhưng, những hoạt động tuyên truyền đó vẫn chưa đi vào cuộc sống và có tác dụng giáo dục hiệu quả. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối với người có HIV vẫn còn nặng nề, ngay cả bệnh nhân là trẻ em.

Điển hình như vụ việc xảy ra vào đầu năm học 2009 - 2010 tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Trung tâm Mai Hòa đưa 15 em nhỏ có HIV đến trường nhập học, nhưng bị phụ huynh học sinh chặn không cho các em vào trường. Họ còn kéo lên UBND huyện yêu cầu không cho các em có HIV được học tại trường.

Người dân bình thường có hành động như vậy vì thiếu hiểu biết, nhưng có một thực tế là ở một số bệnh viện, người có HIV/AIDS bị hắt hủi. Y bác sĩ tìm cách đẩy họ "đi cho khuất mắt". Họ bị xem như là thứ bỏ đi, thậm chí là ô uế, là nguồn lây bệnh cho người khác và cho cả y bác sĩ. Nhiều người thấy mình bị đối xử tàn tệ, chỉ muốn về nhà, chết còn hơn bị khinh bỉ.

Hơn ai hết, bác sĩ là người có kỹ năng, có công cụ để điều trị cho bệnh nhân cũng như để tự bảo vệ mình. Hơn thế nữa, bác sĩ có đủ nhận thức, sự hiểu biết về việc đối xử với bệnh nhân có HIV như thế nào để họ không thấy mình bị phân biệt đối xử, thấy mình được tôn trọng như một con người.

Bác sĩ là người để bệnh nhân gửi gắm niềm tin được chữa trị bệnh tật và cũng là chỗ dựa tinh thần cho họ. Thế nhưng, nhiều y bác sĩ đã không làm được như thế. Bệnh nhân có HIV đến bệnh viện để mong tìm một cơ hội giảm đi nỗi đau thể xác và tinh thần, nhưng chính những hành động khinh thị, hắt hủi của y bác sĩ đã làm tăng thêm nỗi đau của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem