Biển nuôi sống gia đình họ, nhưng biển khơi cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người vợ trẻ, những đứa con thơ ở những làng chài nghèo này...
Đêm kinh hoàng nơi cửa biển
Đã 5 ngày qua, lão ngư Nguyễn Sơn Quyết (58 tuổi) ở làng chài Tân Định, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch dường như suy sụp. Ông đã mất một lúc 2 đứa con trai - những ngư dân trên tàu cá QB 93469 TS trong đêm biển kinh hoàng.
|
Bà Cao Thị Trang đau đớn khi nghe tin chồng là ông Nguyễn Phong - thuyền trưởng tàu QB 93714 TS gặp nạn. |
Nén nỗi đau xé ruột gan, ông Quyết kể: Đại gia đình ông có 2 chiếc tàu cá cùng ra khơi ngày 29.12.2012. Trong đêm 29, rạng sáng 30.12, hai chiếc tàu cùng đánh bắt ở vùng biển cách Cửa Gianh khoảng 30 hải lý. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng 30.12, ông Quyết đang đi trên chiếc tàu cá của đứa con trai khác, cách tàu của Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Đức Thủy (2 con trai ông) chừng 1 hải lý. Trời mưa rả rích và bắt đầu chuyển gió mạnh. Càng về sáng, gió càng quật mạnh, có lúc giật đến cấp 10. Từng cơn sóng cao đến 5m ập vào, làm chiếc tàu cá chao đảo liên hồi.
“Lúc đó, thằng Thắng có điện thoại cho tui bảo, bố cho tàu quay lại đây để cùng neo, chứ thời tiết này nguy hiểm lắm. Nhưng khoảng 30 phút sau, tôi gọi điện lại cho chúng thì không còn ai trên tàu bắt máy cả. Tôi bàng hoàng, bảo con cho tàu vào bờ. Đến hôm nay đã 3 ngày mất liên lạc rồi, khả năng sống sót của 8 con người trên tàu, trong đó có 2 đứa con tui e không còn” – ông Thắng nghẹn ngào.
Cũng trong đêm biển kinh hoàng đó, một con tàu khác mang số hiệu QB 93714 TS do ông Nguyễn Phong ở làng chài Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, Quảng Trạch) làm thuyền trưởng, với 14 ngư phủ gặp nạn khi chiếc tàu đã về gần đến Cửa Gianh. Trước khi con tàu không còn trụ được nữa, thuyền trưởng Nguyễn Phong điện về nhà và gặp con gái Nguyễn Thị Tha (7 tuổi) lần cuối: “Mấy mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba với chứ sóng to gió lớn lắm”. Điện thoại im bặt...
Nhận được tin, người làng Cồn Sẻ bàng hoàng. Mọi hy vọng đều vụt tắt khi lực lượng cứu hộ tìm thấy một thi thể ngư dân trên chuyến tàu định mệnh đó là anh Mai Khương Duy (25 tuổi)…
Thế là, chỉ trong một thời gian ngắn, trong một đêm nổi gió, biển cả đã cướp đi đến 22 ngư phủ của 2 làng chài nghèo ở Quảng Bình là Cồn Sẻ và Tân Định. Hai làng chài nghèo đó chỉ cách nhau chừng 4km, đều là những làng nổi giữa dòng sông Gianh…
Lấy chồng làng biển…
Những người phụ nữ ở hai làng chài này vẫn thường động viên nhau bằng lời ru con, rằng con hãy ngủ cho ngoan, trời yên biển lặng cha con sẽ về... Thế mà họ không thể ngờ rằng có một ngày những người chồng của họ đã mãi mãi nằm lại với biển khơi lạnh lẽo. Nỗi đau không chỉ đơn thuần là mất chồng, mất cha mà khi 22 ngư phủ nằm lại với biển cả cũng đồng nghĩa với việc 22 gia đình mất đi những người trụ cột. Rồi đây, những người vợ trẻ, những đứa con thơ không biết sống thế nào trong cuộc đời còn nhiều gian khó này.
Những ngày qua, đến và chứng kiến những tang thương bao trùm lên 2 làng chài nghèo, chúng tôi không khỏi xót xa. Đón thi thể chồng về trong ngày cuối năm lạnh lẽo, chị Mai Thị Lực (vợ nạn nhân duy nhất cho đến hôm nay được tìm thấy thi thể - anh Mai Khương Duy) ở làng chài Cồn Sẻ quặn lòng: “Mấy hôm trước, anh còn điện thoại về hỏi thăm con đã khỏi bệnh chưa, tình hình gia đình thế nào?... Nhưng giờ đây anh đã không còn”.
Vợ chồng chị mới kết hôn và đứa con gái đầu lòng vừa tròn 5 tháng tuổi. Chị kể, tàu ra khơi ngày 25.12, trong khi đánh bắt cá tại khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) thì gặp thời tiết xấu. Chủ tàu đã quyết định cho tàu vào bờ, khi gần đến bờ, chỉ cách Cửa Gianh khoảng 6 -7 hải lý thì tàu gặp nạn...
Lại 1 tàu cá mất liên lạc
Ngày 3.1, ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết vừa nhận được tin báo tàu cá QB 93977 TS do ông Nguyễn Văn Chuẩn (thôn Xuân Lộc, xã Quảng Phúc) làm thuyền trưởng, với 7 ngư dân, cũng mất liên lạc vào ngày 30.12.2012. Tàu này xuất bến ngày 26.12, cùng 2 tàu cá khác. Tuy nhiên, đến nay 2 tàu bạn đã về bến, còn tàu QB 93977 TS không liên lạc được.
Nếu anh Nguyễn Văn Lâm (thuyền viên của tàu cá QB 93469 TS ở làng Tân Định đang bị mất tích) không về, gánh nặng gia đình sẽ đặt lên đôi vai gầy của chị Hoàng Thị Hà. Một mình chị giờ không biết làm gì để nuôi người cha già 86 tuổi và 3 đứa con thơ trong căn nhà trống hoác.
Chị Hà nói trong tiếng nấc: “Hôm anh đi trời đã bắt đầu có dấu hiệu động. Em nói, hay anh ở nhà đi... Anh bảo, lúc khó khăn mình không đi thì làm răng lần sau chủ tàu người ta gọi. Mà để anh đi chuyến này, có tiền về cho mẹ con em sắm tết, chứ tết nhất đến nơi rồi…”.
Quê nghèo, để sắm được chiếc tàu đi biển mưu sinh, những người ngư phủ phải hùn hạp với nhau. Thế nên, có một điều ai cũng biết mà không thể nào làm khác được là đi trên một chiếc tàu cá thường là những người thân thích trong gia đình. Thế là khi có tai nạn xảy ra, một điều thương tâm khiến ai chứng kiến cũng đau lòng là sẽ có những gia đình mất một lúc rất nhiều người thân. Trong 2 chiếc tàu cá xấu số trên, có những gia đình mất đến 6 người con như gia đình ông Nguyễn Tính, mất 3 người con như gia đình ông Mai Phụng, mất 2 người con như ông Nguyễn Sơn Quyết…
Tình nghĩa người làng biển
Có lẽ không có cái nghề nào mà đồng nghiệp gọi nhau bằng cái từ “sang” như nghề biển: Bạn. Có trong hoạn nạn mới biết tình người làng biển ấm áp biết nhường nào. Đã 5 ngày trôi qua kể từ ngày chiếc tàu chìm xuống biển, làng chài Cồn Sẻ nghèo khó vẫn đau đáu dõi theo từng tin tức mang về từ đoàn tàu tìm kiếm.
Những ngày qua đoàn tàu cá hơn 20 chiếc của làng chài nhỏ ấy vẫn nối đuôi nhau ra biển, nhưng không phải là để đi đánh cá mà đi tìm kiếm bạn tàu. Bất chấp sóng, gió lớn họ dàn hàng ngang, chạy khắp các bờ biển để tìm kiếm nạn nhân, hỗ trợ trục vớt chiếc tàu bị nạn… Ông Nguyễn Cương - Trưởng thôn Cồn Sẻ mấy ngày nay gầy xọp vì mất ăn, mất ngủ. Hết chạy dọc bờ biển để tìm kiếm, ông Cương lại theo đội tàu ra biển để trục vớt tàu bị nạn và tìm kiếm nạn nhân. Làng Cồn Sẻ đông người là thế mà mấy ngày nay vắng vẻ đến rợn người, những người không ra biển được thì thuê xe, chia nhóm đi dọc bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế dò tin tức.
Ngày tìm được thi thể đầu tiên của anh Mai Khương Duy (31.12.2012), từ 15 giờ tại cảng Hòn La - nơi tàu đưa thi thể anh Duy vào, hàng nghìn người dân xóm Cồn Sẻ đã có mặt. “Đều là người trong làng cả. Trước nay, đánh cá trên biển sướng khổ có nhau. Ai trúng luồng cá lớn cũng điện báo làng xóm tới cùng chia. Giờ bạn thuyền gặp nạn. Tất cả phải cùng chung tay vào. Phải tìm cho bằng được mới yên lòng ra khơi lại”- ông Phạm Tưởng, một chủ tàu trong làng chia sẻ.
Khi xác định các ngư dân có thể bị kẹt trong chiếc tàu bị đắm, người làng Cồn Sẻ lại quyết định góp tiền thuê tàu từ Nghệ An vào trục vớt tàu. Hy vọng có người còn kẹt lại trong khoang. Không hy vọng sống sót, cũng phải tìm mọi cách lấy thi thể họ đưa về nằm ở quê nhà cho ấm lòng... Thế nhưng sau một ngày trục vớt, tối 2.1, mọi hy vọng lại vụt tắt khi không có thi thể nào bị kẹt lại trong khoang tàu cả…
“Những ngày tiếp theo, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tổ chức tìm kiếm, đưa được thi thể người nào về nhà, cũng làm cho vợ con của họ ấm lòng…” - ông Nguyễn Cương-Trưởng thôn quả quyết.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.