Nhà bà Lòng nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở thôn Xuân Thiên Hạ. Từ ngoài ngõ trông vào, ngôi nhà lụp xụp bị che khuất một phần bởi những lùm cây dại. Vừa vào đến sân, tôi đã nghe tiếng va đập của các vật dụng và tiếng người la hét phát ra từ trong nhà. Thấy tôi đứng ngập ngừng, bà Lòng chạy ra trấn an bằng những bước chân xiêu xó: “Cứ vô đi, mấy đứa nó hay phá phách nhưng chưa khi mô đánh người”.
Chồng chất nỗi đau
Những người con của bà Lòng vận những bộ quần áo nhàu nát, nhem nhuốc đang giành nhau bốc cơm nguội từ cái bát cáu bẩn bỏ vào miệng. “Chúng không biết lao động nhưng ăn thì khỏe không ai bằng. Những khi cơm gạo trong nhà không đủ ăn no, chúng hay lang thang xin ăn”- bà Lòng buồn kể. Con của bà Lòng gần như không biết mẹ mình đang nói gì nên vẫn tiếp tục bốc cơm ăn rồi nạt nộ, la hét nhau.
Bà Lòng, cháu Huệ cùng 3 trong số 7 người con mắc bệnh điên. (Ảnh: An Sơn)
Bà Lòng và ông Phạm Danh cưới nhau năm 1966. Sau ngày cưới, vợ chồng bà dựng nhà ở riêng tại khu vực động cát trong cảnh chạy ăn từng bữa. Hai năm sau ngày cưới, người con gái đầu lòng Phạm Thị Thuyền của ông bà chào đời xinh xắn và khỏe mạnh. Những năm tiếp đó, các người con Phạm Thị Thu (SN 1970), Phạm Thị Tuyết (SN 1975) cũng lần lượt được sinh ra xinh xắn, khỏe mạnh như người con đầu. Cuộc sống cùng cực nhất xã, nhưng vợ chồng bà tin rằng bằng sự chăm chỉ lao động ông bà sẽ nuôi những người con ăn học nên người.
Vậy nhưng, khi người con gái thứ ba chào đời chưa đầy một tháng thì bi kịch đã ập đến với vợ chồng bà. Lúc này, hai người con gái đầu Phạm Thị Thuyền và Phạm Thị Thu đang khỏe mạnh, thông minh bỗng có những biểu hiện khác thường. Từ chỗ ngoan hiền, nhanh nhẹn, Thuyền và Thu bỗng ngớ ngẩn, suốt ngày cười khóc điên loạn. Hai cô bé thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà và ra đường gặp vật gì cũng bốc bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.
Không có tiền đưa con đi bệnh viện, vợ chồng bà tìm đến một số thầy lang trong vùng xin thuốc cho con nhưng càng uống thuốc bệnh tình của Thuyền và Thu càng trầm trọng.
Tiếp đó, người con gái thứ ba Phạm Thị Tuyết đang bình thường cũng bỗng có những biểu hiện giống hệt hai người chị khi lên 5 tuổi. Rồi vợ chồng bà hoàn toàn suy sụp khi các người con Phạm Châu (SN 1977), Phạm Thành (SN 1979), Phạm Á (SN 1983) và Phạm Thanh (SN 1985) cũng lần lượt phát bệnh tâm thần ở tuổi lên 4, lên 5. Những người con của vợ chồng bà càng lớn bệnh tình càng nặng nên không thể đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Vậy là tất cả các thành viên trong gia đình bà không ai biết đến cái chữ, vì ngày trước ông bà cũng không được đi học do nghèo đói.
Vắt kiệt sức già để nuôi con
Bị đẩy đến tận cùng, đã có những lúc vợ chồng bà Lòng muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi tình thương đối với những người con và nhất là mong ước có tiền đưa con đi bệnh viện chữa bệnh đã khiến ông bà gượng dậy. Từ đó vợ chồng bà tảo tảo tần làm thuê làm mướn khắp nơi, bất kể ngày đêm. Bốc vác thuê, chẻ đá, phụ hồ, khai thác rừng… không có công việc làm thuê nặng nhọc nào vợ chồng bà không trải qua. Những lúc không có người thuê mướn, hai vợ chồng cùng nhau đi giặt quần áo thuê, nhặt rác, bán vé số… để kiếm tiền nuôi con.
Anh Phạm Châu - một trong 7 người con mắc bệnh tâm thần của bà Lòng. (Ảnh: An Sơn)
Lao động cật lực quanh năm nhưng vợ chồng bà cũng chỉ tạm lo đủ cơm cháo hàng ngày cho 7 người con điên nổi tiếng ăn khỏe. Chuyện đưa con đi bệnh viện chữa trị vì thế vẫn chỉ là mong ước. Do lao lực quá sức nên sức khỏe của ông bà nhanh chóng suy kiệt vì bệnh tật. 5 năm trước, ông Danh qua đời trong một lần ốm nặng nhưng không có tiền nhập viện. Từ đó gánh nặng áo cơm dồn hết lên đôi vai bà Lòng. Rồi sau một thời gian vắt sức làm thuê nuôi con, bà khuỵu xuống vì căn bệnh xương khớp. Sống trong sự hành hạ của những cơn đau nhưng hoàn cảnh cùng cực không cho phép bà nghĩ tới chuyện nằm viện.
Hai năm trở lại đây, không còn kham nổi những công việc nặng nhọc, trong khi 3 sào ruộng bạc màu mất mùa triền miên, nên hàng ngày bà Lòng đi giặt quần áo thuê cho hàng xóm và nhặt rác kiếm tiền nuôi con. Thu nhập của bà ngày càng ít dần nên mẹ con bà luôn trong cảnh bữa đói, bữa no. Nhiều lúc quá cùng quẫn, bà hy vọng những người con có thể gánh vác một phần cho mình. Có lần bà sai 3 người con gái đi chăn bò thuê cho hàng xóm. Sáng, 3 chị em dắt bò đi chăn nhưng trưa thì ai nấy đều về tay không. Hàng xóm hỏi bò đâu thì chỉ nhận được những cái lắc đầu ngơ ngác.
Thương hoàn cảnh ngặt nghèo của bà, một số gia đình trong vùng thỉnh thoảng giúp gia đình bà bằng cách thuê 3 người con gái giặt quần áo hoặc lau chùi nhà cửa. Nhưng sau khi được trả tiền công, những người con của bà thường đánh rơi tiền trên đường về lúc nào không biết. “Tụi hắn cầm tiền mà nghĩ như cầm tờ giấy lộn nên bạ mô vứt rứa đó”- bà Lòng buồn kể.
Chút hy vọng nhỏ nhoi
Chúng tôi đang trò chuyện với bà Lòng thì có 2 đứa trẻ quần áo phong phanh mang cặp sách từ ngoài sân bước vào nhà. Chào khách rồi đặt cặp sách lên chiếc sập gỗ oải mục, hai đứa trẻ lao vào giúp bà làm việc. Đứa cầm chổi quét nhà, giặt quần áo, đứa thì lùa mấy con gà nheo nhóc vào chuồng. Nhìn hai đứa trẻ, cặp mắt kèm nhèm của bà ứa ra những giọt nước mờ đục. “Đó là thằng Được và con Huệ, con của thằng Châu. Thằng Được lớp 5, con Huệ lớp 4. Con Huệ đói khổ rứa mà sáng dạ lắm, học kỳ mô cũng được trường tặng giấy khen”- bà Lòng vừa kể vừa lấy vạt áo nhàu nát lau nước mắt.
Cách đây hơn 10 năm, người con trai Phạm Châu của bà sau chuỗi ngày lang thang, quậy phá bỗng được người phụ nữ lỡ thì Nguyễn Thị Ng ở xã bên cạnh “để ý” rồi dẫn về sống chung như vợ chồng. Chuyện này khiến bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì bà hy vọng từ đây một trong những người con điên của bà biết đâu sẽ thay đổi tính nết để làm ăn. Lo vì bà biết chỉ có dạng phụ nữ “điên điên tàng tàng” mới chung sống với người đàn ông điên.
Sau một thời gian sống chung với anh Châu, người phụ nữ tên Ng có chửa rồi sinh được một bé trai đặt tên là Phạm Văn Được. Ngày Được chào đời cũng là lúc cuộc tình giữa anh Châu và chị Ng “đứt gánh giữa đường”. Đứa trẻ được người ta mang về cho bà Lòng nuôi dưỡng. Ngay sau khi “chia tay” chị Ng, trong những ngày “đi hoang”, anh Châu gặp rồi sống chung với chị Huỳnh Thị Ph, một phụ nữ “tàng tàng” ở xã Vinh An. Rồi chị Ph cũng sinh con trước khi đường ai nấy đi. Đứa trẻ tên Phạm Thị Huệ cũng được mang về giao cho bà Lòng chăm sóc.
Đã kiệt sức vì 7 người con điên, nay lại phải chăm lo thêm 2 đứa cháu, lúc đầu bà cảm thấy hoang mang. Rồi bà nghĩ, mặc dù phải chịu thêm gánh nặng nhưng hai đứa trẻ là niềm hy vọng duy nhất còn lại của bà lúc này.
“Nhưng nghĩ chuyện tương lai tui thương chúng lắm. Khả năng của tui chỉ nuôi được chúng học cho biết được cái chữ thôi, học lên cao hơn tui không còn sức để kham nổi. Tui sợ mai mốt mình nằm xuống thì không còn ai chăm sóc cho 7 người con và 2 đứa cháu còn quá nhỏ”- tiếng của bà Lòng lẫn vào cơn gió chiều se lạnh thổi vào từ phá Tam Giang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.